Multimedia Đọc Báo in

Dịch Ebola trước nguy cơ lan rộng trên toàn cầu

15:28, 05/08/2014
Dịch sốt Ebola tại Tây Phi đang tiếp tục là mối quan ngại đặc biệt của cộng đồng quốc tế khi ngày càng xuất hiện thêm nhiều trường hợp nhiễm bệnh mới tại đây.
 
Trước diễn biến nghiêm trọng của dịch Ebola, Ngân hàng thế giới vừa huy động khẩn cấp 200 triệu USD nhằm hỗ trợ Guinea, Libera và Sierra Leone, các quốc gia Tây Phi đang chịu tác động mạnh của dịch sốt Ebola, củng cố điều kiện cơ sở vật chất y tế, triển khai hệ thống giám sát y tế và phòng thí nghiệm.
 
Tại New York (Mỹ) vừa xuất hiện một trường hợp bệnh nhân bị nghi nhiễm virus Ebola. Theo thông tin ban đầu, bệnh nhân là một người đàn ông vừa đi du lịch đến một trong những quốc gia đang chịu ảnh hưởng của dịch Ebola. Người bệnh có những triệu chứng như sốt cao, rối loạn tiêu hóa. Người này đang được cách ly và tiến hành xét nghiệm nhằm xác định nguyên nhân của các triệu chứng trên. Hiện giới chức Mỹ vẫn khẳng định dịch sốt Ebola sẽ không thể lây lan sang Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói: “Chúng tôi đang làm việc với Tổ chức y tế thế giới (WHO) và các đối tác quốc tế khác để giúp chính phủ các nước châu Phi đối phó với sự bùng phát của virus Ebola”. Trong khi đó, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ cho rằng, dịch Ebola chắc chắn sẽ không lây lan tới Mỹ và họ vẫn tiếp tục tin rằng di chuyển qua đường hàng không là an toàn.  
 
Trong khi đó, virus Ebola vẫn tiếp tục hoành hành tại khu vực Tây Phi. Ngày 4-8, giới chức Nigeria đã phát hiện trường hợp thứ 2 mắc Ebola. Người bệnh là một bác sĩ người Nigeria tham gia điều trị cho bệnh nhân đầu tiên bị nhiễm Ebola ở Lagos, thành phố đông dân nhất của nước này. Bộ trưởng Y tế Nigeria Onyebuchi Chukwu cho biết, một bác sĩ khác, người cũng đã điều trị cho bệnh nhân trên và cũng có những triệu chứng nhiễm virus, vẫn đang đợi kết quả xét nghiệm. Trường hợp thứ 2 tại Nigeria nhiễm virus Ebola đã làm gia tăng sự lo ngại về vấn đề kiểm soát lây lan dịch bệnh tại Nigeria. Tuy nhiên, Chính phủ Nigeria trước đó đã thông báo sẽ không đóng cửa biên giới nếu tình hình không trở nên cấp thiết.
Với cơ sở hạ tầng y tế tồi tàn, chính phủ các nước Tây Phi đang phải vật lộn với nhiều khó khăn để ngăn chặn dịch Ebola vượt khỏi tầm kiểm soát. Tại Liberia, do lo ngại bị nhiễm bệnh từ người nhiễm virus Ebola, nhiều nhân viên y tế đã nghỉ việc, khiến một số trung tâm y tế phải đóng cửa. Cho đến nay đã có hơn 60 bác sĩ tại Liberia tử vong vì nhiễm virus Ebola. Một bác sĩ tại Liberia cho biết: “Các nhân viên y tế cho rằng họ không được bảo vệ. Họ không có đủ các phương tiện cần thiết để bảo vệ bản thân chống lại sự lây nhiễm của Ebola. Rất nhiều nhân viên y tế, trong đó bao gồm các bác sĩ và y tế hiện đã nghỉ việc”.
Một bệnh nhân nhiễm virus Ebola tại Sierra Leone đang được điều trị (Ảnh AP)
Một bệnh nhân nhiễm virus Ebola tại Sierra Leone đang được điều trị (Ảnh AP)

Trước đó, tại một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp về dịch Ebola ở thủ đô Conarky của Guinea, các quốc gia Tây Phi bị ảnh hưởng đã nhất trí thiết lập một vùng cách ly xuyên biên giới ở khu vực bùng phát dịch này. Bà Hadja Saran Darab, Tổng Thư ký khối Liên minh các quốc gia khu vực sông Mano - gồm Sierra Leone, Liberia và Guinea - cho biết cảnh sát và quân đội các nước này sẽ cô lập các vùng dịch, tuy nhiên người dân trong vùng sẽ được cung cấp cứu trợ đầy đủ. Phạm vi chính xác của vùng cách ly không được đề cập, song đợt dịch này đã lan rộng gần 300km từ thành phố Kenema của Siera Leone tới thị trấn Macenta của Guinea, bao trùm hầu hết vùng rừng cực bắc Liberia. Tại Hội nghị, ba nước Tây Phi đã khởi động một chương trình hành động có kinh phí lên tới 100 triệu USD, theo đó triển khai thêm hàng trăm nhân viên y tế đối phó với dịch Ebola đồng thời tăng cường nỗ lực ngăn chặn và xác định các trường hợp nghi nhiễm virus Ebola, đẩy mạnh giám sát biên giới và hỗ trợ các trung tâm phối hợp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Guinea.

Khác với các đợt bùng phát trước đây, trong đợt dịch này, virus Ebola đã cho thấy khả năng lây qua không khí, khiến dịch lan rộng nhất kể từ khi loại virus chết người này bắt đầu xuất hiện gần 4 thập kỷ trước đây. Kể từ khi dịch Ebola bùng phát hồi đầu tháng 3 năm nay, số trường hợp tử vong đã lên tới 729 người trong tổng số 1.300 người nhiễm bệnh. Virus Ebola lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1976, gây sốt xuất huyết ở bệnh nhân với tỷ lệ tử vong cao. Người bệnh có các triệu chứng như sốt, đau mỏi cơ, nôn mửa, tiêu chảy, xuất huyết không ngừng và có thể tử vong chỉ vài ngày sau khi nhiễm virus. Cho đến nay y học vẫn chưa tìm ra loại thuốc đặc trị hay vắc-xin phòng ngừa virus Ebola. 
Một bệnh nhân nhiễm Ebola bị cách ly (Ảnh AP)
Một bệnh nhân nhiễm Ebola bị cách ly (Ảnh AP)

Trước tình hình dịch Ebola bùng phát, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) của Việt Nam cũng đưa ra khuyến cáo cho người dân cách thức phòng bệnh khi đi, đến các nước Tây Phi đang có dịch bệnh Ebola. Bệnh do virus Ebola là một bệnh bệnh truyền nhiễm cấp tính, nguy hiểm. Virus Ebola lây sang người thông qua tiếp xúc với máu, chất tiết, bộ phận cơ thể hoặc dịch thể khác của người, động vật bị nhiễm bệnh. Triệu chứng khi nhiễm virus Ebola gồm: sốt, mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, đau họng hoặc có thể có nôn, tiêu chảy, phát ban, chảy máu. Những người có khả năng mắc cao là những người có tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của người hoặc động vật bị bệnh.

Để phòng bệnh, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện vệ sinh cá nhân (rửa tay bằng xà phòng, chất sát khuẩn…); tránh tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh. Người dân không nên cầm, nắm các vật có thể đã tiếp xúc với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh trước đó. Đối với người nếu đang ở vùng có dịch mà xuất hiện các triệu chứng (sốt, đau đầu, đau họng, ỉa chảy, nôn, đau dạ dày, phát ban, đỏ mắt) cần đến ngay cơ sở y tế để có biện pháp xử trí kịp thời.

 
H.T (tổng hợp)
 

Ý kiến bạn đọc