15:33, 05/08/2014
Reuters đưa tin, ngày 5-8, Người phát ngôn quân đội Israel, Trung tá Peter Lerner, thông báo các lực lượng bộ binh nước này sẽ rút hoàn toàn khỏi Dải Gaza trước khi thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 72 giờ do Ai Cập làm trung gian bắt đầu có hiệu lực từ 5 giờ (theo GMT) cùng ngày.
Trả lời báo giới, ông Lerner nói: "Lực lượng Phòng vệ Israel sẽ tái triển khai quân ở các vị trí phòng thủ ngoài Dải Gaza và chúng tôi sẽ tiếp tục cắm chốt tại các vị trí đó".
Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine đã nhất trí về một lệnh ngừng bắn kéo dài 72 giờ do Ai Cập đề xuất. Lệnh ngừng bắn sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 8 giờ sáng theo giờ địa phương (12 giờ trưa ngày 5-8 theo giờ Hà Nội). Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên hai bên nhất trí ngừng bắn, nhưng dư luận hy vọng với sức ép của cộng đồng quốc tế đang gia tăng lên Israel, lệnh ngừng bắn này sẽ mở ra cơ hội giúp tiến tới hòa bình lâu dài cho Dải Gaza.
|
Binh lính Israel tại khu vực biên giới giữa Israel và Dải Gaza sau khi rút khỏi vùng đất do phong trào Hamas kiểm soát ngày 4-8. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Thỏa thuận ngừng bắn mới bắt nguồn từ đề nghị ngừng bắn 24 giờ nhằm cho phép người đứng đầu Ủy ban Chữ Thập đỏ Quốc tế (ICRC) thăm Dải Gaza và sau đó được mở rộng lên 72 giờ với khả năng kéo dài thêm. Trong khoảng thời gian 72 giờ này, một phái đoàn an ninh Israel dự kiến sẽ tới Ai Cập để đàm phán về các điều kiện ngừng bắn với đại diện của Palestine. Trước đó, hàng loạt các thỏa thuận ngừng bắn đạt được giữa Israel và Hamas bị phá vỡ ngay sau khi có hiệu lực. Cộng đồng quốc tế đang gia tăng sức ép, nhằm phản đối chiến dịch quân sự của Israel vào Dải Gaza gây nhiều thương vong cho dân thường.
Chính phủ Anh ngày 4-8 cho biết đang xem xét lại tất cả giấy cấp phép xuất khẩu vũ khí tới Israel nhằm phản ứng việc Israel leo thang xung đột tại Dải Gaza. Theo người phát ngôn của Thủ tướng Anh David Cameron, tình hình hiện nay có nhiều thay đổi so với thời điểm khi những hợp đồng xuất khẩu vũ khí được ký kết. Vì vậy, Chính phủ Anh đang xem xét lại những giấy cấp phép xuất khẩu vũ khí này có phù hợp với tình hình hiện nay hay không. Đảng Lao động đối lập tại Anh trước đó cũng cáo buộc Thủ tướng Anh không lên án hành động của Israel tại Dải Gaza. Phát biểu tại hội nghị cấp cao Mỹ- châu Phi tại Washington ngày 4-8, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma lên án tình hình bạo lực đang gia tăng tại Dải Gaza. Ông Zuma nói: “Trung Đông đang trong giai đoạn khó khăn. Chúng tôi phẫn nộ bởi hành động giết hại dân thường của Israel, trong đó có một số cơ sở của Liên hiệp quốc. Chúng tôi cũng lên án hành động giết hại dân thường Israel của Hamas. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên hạ vũ khí và hợp tác hướng tới một giải pháp hai nhà nước được quốc tế ủng hộ và công nhận”.
|
Binh sĩ Israel nã đạn pháo vào Dải Gaza (Ảnh AP) |
Hàng loạt các cuộc biểu tình phản đối chiến dịch của Israel vào Dải Gaza cũng diễn ra tại nhiều nước trên thế giới trong những tuần qua. Các quan chức Gaza cho biết, 1.834 người Palestine, hầu hết là dân thường thiệt mạng trong các vụ tấn công. Về phía Israel, có 64 binh lính và 3 dân thường thiệt mạng kể từ khi giao tranh bắt đầu vào ngày mùng 8-7 vừa qua. Với sức ép đang gia tăng của cộng đồng quốc tế, cùng với mục tiêu quan trọng của Israel nhằm vào Gaza đó là phá hủy các đường hầm của Hamas đã hoàn thành, dư luận hy vọng sáng kiến của Ai Cập có thể mang lại kết quả nếu các bên chân thành tham gia đàm phán tiến tới một thỏa thuận lâu dài. Người phát ngôn của Thủ tướng Israel ông Mark Regev ngày 4-8 cũng bày tỏ mong mong muốn lệnh ngừng bắn sẽ được kéo dài, nhưng cảnh báo Israel sẽ phản ứng nếu lệnh ngừng bắn bị vi phạm. Ông Regev nói: “ Israel sẽ tôn trọng lệnh ngừng bắn đã được nhất trí và đàm phán thông qua Ai Cập. Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ hành động của Hamas. Trong những lệnh ngừng bắn trước đó, Hamas cũng nhiều lần vi phạm. Nếu lần này Hamas vi phạm lệnh ngừng bắn, Israel sẽ sẵn sàng đáp trả”.
Những nỗ lực tìm kiếm lệnh ngừng bắn lâu dài cho Gaza cũng đối mặt với không ít khó khăn khi cả Israel và Hamas hiện đều bác bỏ tính hợp pháp của nhau. Hamas không công nhận sự tồn tại của Israel và yêu cầu Israel rút quân khỏi Gaza, chấm dứt lệnh phong tỏa và thả các tù nhân. Trong khi đó, Israel vẫn coi Hamas là một tổ chức khủng bố, kêu gọi tổ chức này hạ vũ khí và phi quân sự hóa vùng lãnh thổ - một điều kiện mà Hamas đã bác bỏ. Với những bất đồng khó hóa giải này, Ngoại trưởng Israel Avigdor Lieberman ngày 4-8 đề cập đến khả năng trao quyền kiểm soát Dải Gaza cho Liên hiệp quốc, sau khi Israel hoàn thành chiến dịch vào Dải Gaza mà không đạt được một thỏa thuận với Phong trào vũ trang Hamas. Đây là lần đầu tiên một quan chức Israel đưa ra ý tưởng ủy thác cho Liên hiệp quốc về tình hình Gaza. Trước đó, trong các cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc về Gaza, nội dung này chưa bao giờ được đề cập.
H.T
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc