Multimedia Đọc Báo in

WHO kêu gọi các nước Tây Phi thắt chặt kiểm dịch ở cửa khẩu quốc tế

21:12, 19/08/2014
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 18-8 đã kêu gọi các quốc gia Tây Phi đang chịu ảnh hưởng của dịch Ebola cần triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát hành khách tại các sân bay quốc tế, cảng biển và các cửa khẩu lớn nhằm ngăn chặn sự lây lan của loại virus nguy hiểm này.     
 
WHO cho biết, nguy cơ virus Ebola lây truyền trong không khí là rất thấp, song bất kỳ hành khách nào xuất hiện những dấu hiệu nhiễm virus Ebola sẽ không được phép xuất cảnh, ngoại trừ vì mục đích y tế. Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi các quốc gia Tây Phi, nơi có dịch bệnh Ebola bùng phát cần đẩy mạnh khả năng phát hiện và hạn chế virus Ebola lây lan. WHO cho rằng các nước bùng phát dịch cần đặt máy kiểm tra thân nhiệt nhằm phát hiện các hành khách có dấu hiệu nhiễm virus Ebola tại các sân bay quốc tế, cảng biển và các cửa khẩu trên bộ. Tuy nhiên, WHO cũng cho biết hiện nguy cơ lây nhiễm Ebola trên các chuyến bay là nhỏ do những người đã nhiễm bệnh không thể đủ sức khỏe để di chuyển. Vì vậy, hiện chưa cần thiết ban bố lệnh cấm đi lại hoặc giao thương giữa các nước.
 
Trong khi đó, theo dự báo được Chủ tịch tổ chức phi chính phủ bác sĩ không biên giới, bà Joan Lew đưa ra thì để kiểm soát đợt bùng phát dịch bệnh do virus Ebola gây ra tại Tây Phi, cộng đồng quốc tế cần ít nhất nửa năm. Bà Lew thừa nhận hiện diễn biến dịch đang xấu đi nhanh hơn khả năng mà chúng ta có thể đối phó. Theo bà, cần quan tâm chủ yếu đến Liberia, nơi chỉ trong 2 ngày 10 và 11-8 đã có 71 ca lây nhiễm mới, 32 người nhiễm bệnh trước đó đã tử vong. Bà cho biết các chuyên gia đặc biệt quan ngại một điều là với các đợt dịch trước xảy ra tại các ngôi làng nhỏ, hiện virus đã xâm nhập các thành phố lớn, trước tiên là thủ đô Conakry của Guinea, và giờ đây là thủ đô Monrovia của Liberia. Trước đó chưa bao giờ xảy ra trường hợp như vậy. Cần phải đề ra chiến lược mới, vì các trường hợp lây nhiễm virus Ebola không chỉ còn trong phạm vi một vài làng mà đã lan đến cả thủ đô Monrovia với dân số 1,3 triệu người. Bà Lew kêu gọi cộng đồng quốc tế hợp tác chặt chẽ hơn dưới sự bảo trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). WHO cuối tháng 7 vừa qua đã kêu gọi hỗ trợ 100 triệu USD để chống lại virus hiện chưa có vắcxin chủng ngừa cũng như chưa có thuốc đặc trị này. Tất cả các chính phủ phải nỗ lực ngay bây giờ nếu muốn ngăn chặn bệnh dịch này.  
Một ca bệnh tử vong vì Ebola ở Monrovia, Liberia (Nguồn: AP)
Một ca bệnh tử vong vì Ebola ở Monrovia, Liberia (Nguồn: AP)
Phần lớn nạn nhân của bệnh dịch đều ở Guinea, nơi có 377 người thiệt mạng. Tại nước Liberia láng giềng có 355 người thiệt mạng. Tại Sierra Leone, số người thiệt mạng là 334. Số người thiệt mạng ở Nigeria đã tăng lên 3 người trong khi có 12 người nhiễm bệnh. Theo thông báo ngày 15-8 của Tổ chức Y tế Thế giới, đến nay dịch Ebola đã khiến 1.145 người thiệt mạng và 2.127 người bị nhiễm bệnh,
 
Để ngăn chặn đà lây nhiễm bệnh, các chuyên gia WHO hồi đầu tuần đã cho phép sử dụng các thuốc và vắcxin thử nghiệm, tuy nhiên số lượng thuốc rất hạn chế, trong khi vắc-xin hiệu quả đầu tiên sớm nhất cũng phải đến năm 2015 mới có. Do đó nỗ lực hiện tại tập trong vào việc hỗ trợ các nước có dịch Ebola có hệ thống y tế yếu kém.
 
Virus Ebola lần đầu tiên được phát hiện năm 1976 tại Zaire, nay là Cộng hòa Dân chủ Congo. Đợt bùng phát dịch lần này là đợt có nhiều người tử vong nhất trong suốt gần 40 năm lịch sử căn bệnh này với tỷ lệ tử vong lên đến 90% và hiện dao động ở mức 50-60%.
 
H.T ( tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc