Multimedia Đọc Báo in

EU họp hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp về vấn đề nhập cư

08:41, 24/04/2015
Các nhà lãnh đạo 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 23-4 đã  tổ chức cuộc họp Thượng đỉnh bất thường để bàn về vấn đề nhập cư đang gây bức xúc trên Địa Trung Hải.
 
Cuộc họp Thượng đỉnh bất thường ở Brussel diễn ra 5 ngày sau bi kịch chìm tàu khiến gần 900 người nhập cư bất hợp pháp từ Bắc Phi thiệt mạng trên Địa Trung Hải cuối tuần qua. Thảm kịch này khiến EU bị chỉ trích mạnh mẽ và buộc nhóm 28 nước phải tiến hành những thay đổi lớn trong chính sách kiểm soát nhập cư và cấp quy chế tị nạn. 
Người nhập cư trái phép đang là vấn đề khiến nhiều nước châu Âu lo ngại. (Ảnh: Telegraph.co.uk)
Người nhập cư trái phép đang là vấn đề khiến nhiều nước châu Âu lo ngại. (Ảnh: Telegraph.co.uk)
Nội dung quan trọng nhất trong cuộc họp Thượng đỉnh bất thường này sẽ là việc xem xét lại chương trình “Triton” về kiểm soát biên giới ngoại vi của EU. Từ cuối năm 2014, khi  được đưa vào hoạt động để thay cho chương trình “Mare Nostrum” của Italy,  “Triton” đã bị chỉ trích rất nhiều về sự kém hiệu quả do trang bị nghèo nàn và kinh phí hoạt động ít ỏi. So với “Mare Nostrum”, ngân sách hoạt động của Triton chỉ bằng 1/3, là 3 triệu euro/tháng so với 9 triệu euro của “Mare Nostrum”. Về nhân sự, “Triton” cũng chỉ bằng 1/10 “Mare Nostrum” và quan trọng nhất là về mục đích hoạt động, “Triton” chỉ đề cao việc giám sát vùng biển Địa Trung Hải chứ không chú trọng vào hoạt động cứu hộ. Chính vì những lý do đó, “Triton” bị chỉ trích gay gắt và bị xem như là bằng chứng cho thấy các nước EU coi trọng việc tiết kiệm tiền bạc hơn là mạng sống con người. Trước thảm kịch vừa cướp đi sinh mạng của gần 900 người, dự kiến các lãnh đạo EU sẽ phải thay đổi căn bản chương trình “Triton” theo hướng tăng thêm ngân sách, nhân sự cũng như năng lực cứu hộ của chương trình này.
 
Một chương trình hành động 10 điểm cũng sẽ được bàn thảo, trong đó bao gồm: Phá hủy các địa điểm, bến tàu mà các nhóm buôn người sử dụng để đưa người nhập cư trái phép sang châu Âu; tăng cường phối hợp giữa các lực lượng hải quan, bảo vệ bờ biển, cảnh sát châu Âu, tình báo… để trao đổi thông tin về các cách thức đưa người nhập cư trái phép vào châu Âu; triển khai các Văn phòng di cư của châu Âu tại các nước như Italy và Hy Lạp để giúp quản lý việc xin tị nạn; thiết lập hệ thống quản lý nhân dạng điện tử với tất cả những người nhập cư vào châu Âu; phân bổ người xin tị nạn về các nước thành viên với tỷ lệ thích hợp hơn; lên chương trình trục xuất nhanh chóng những người nhập cư không đủ điều kiện xin tị nạn về nước xuất phát; phối hợp với những nước Bắc Phi như Libya để phong tỏa các đường dây đưa người nhập cư trái phép sang châu Âu.
 
Tuy nhiên, giữa các nước EU vẫn còn một số bất đồng về việc chia sẻ gánh nặng người nhập cư. Trước thềm cuộc họp Thượng đỉnh ngày 23-4, hơn 50 cựu Thủ tướng, ngoại trưởng và lãnh đạo doanh nghiệp của các nước Liên minh châu Âu ngày 22-4 cũng đã ký vào một bức thư chung kêu gọi các nhà lãnh đạo khu vực lập tức khôi phục các chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn trên Địa Trung Hải.
 
Thủ tướng Anh David Cameron cho biết ông sẽ ủng hộ việc mở rộng chiến dịch tìm kiếm cứu nạn. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May và Ngoại trưởng Philip Hammond lại phản đối vì cho rằng điều này sẽ lôi kéo thêm người nhập cư đến châu Âu và có thể gây ra số thương vong lớn hơn. Đây cũng là mối quan ngại của một số lãnh đạo khác trong Liên minh châu Âu.
 
Mặc dù vậy, đại diện Tổ chức Ân xá quốc tế (AI) tại Anh Carla McLaren phản bác lập luận này. Tổ chức Ân xá quốc tế cho rằng, chính quyết định dừng chiến dịch của Italy hồi năm ngoái mang tên "Vùng biển của chúng ta" (Mare Nostrum) đã góp phần vào số thương vong khủng khiếp trên Địa Trung Hải trong tháng 4 này. “Việc tìm kiếm và cứu nạn không khuyến khích thêm nhiều người đến châu Âu. Họ phải vượt Địa Trung Hải vì họ chạy trốn xung đột, đói nghèo và khủng bố. Họ mạo hiểm cuộc sống của bản thân và gia đình vì họ buộc phải làm thế chứ không phải vì viễn cảnh mơ hồ về cuộc sống ở đây. Kể từ khi chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn kết thúc cuối năm ngoái, chúng ta đã chứng kiến số người tìm cách vượt biển thực chất còn gia tăng. Vì thế, nếu không tìm kiếm và cứu giúp họ, chúng ta sẽ phải chứng kiến rất nhiều người chết”, bà Carla McLaren nói. 
Lực lượng cứu hộ hỗ trợ người di cư lên đảo Rhodes sau vụ chìm tàu. (Nguồn: THX/TTXVN)
Lực lượng cứu hộ hỗ trợ người di cư lên đảo Rhodes sau vụ chìm tàu. (Nguồn: THX/TTXVN)
Các lãnh đạo Liên minh châu Âu đang xem xét một kế hoạch khác, trong đó yêu cầu Liên hiệp quốc giúp đỡ để thành lập một chính phủ ổn định ở Libya, nơi khởi hành của khoảng 90% tàu chở người nhập cư trái phép qua Địa Trung Hải. Ngoại trưởng Đức Phranh Frank-Walter Steinmeier ngày 22-4 cho biết: “Chúng ta phải củng cố hoạt động cứu nạn trên biển và cũng cần phải thảo luận việc chia sẻ gánh nặng về người tị nạn ở châu Âu. Chúng ta cần phải chiến đấu chống lại các mạng lưới buôn người và cần phải làm gì đó để ổn định các nước láng giềng phía Nam của mình, đặc biệt là Libya. Tôi cũng tin rằng, chúng ta cần phải tham gia vào những cuộc thảo luận mới về luật nhập cư”.
 
Bên cạnh đó, Liên minh châu Âu cũng đau đầu tìm giải pháp cho người nhập cư đã đến được đây. Đề xuất dự kiến đưa ra tại cuộc họp thượng đỉnh ngày 23-4 sẽ kêu gọi các nước thành viên Liên minh châu Âu chia sẻ gánh nặng này một cách công bằng. Nhưng đây là cũng vấn đề còn gây nhiều chia rẽ giữa các nước. Theo một tuyên bố dự thảo mật mà tờ "The Guardian" (Anh) có được, tại cuộc họp ở Thủ đô Brussels (Bỉ) ngày 23-4 bàn về khủng hoảng nhập cư, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhất trí tiếp nhận và bố trí nơi ở cho khoảng 5.000 người nhập cư qua đường Địa Trung Hải.
 
Như vậy, phần lớn những người đã sống sót sau một hành trình vượt biển đầy rủi ro để đến được Italy sẽ bị trả về như là những người nhập cư bất hợp pháp theo chương trình hồi hương nhanh mới, dưới sự điều phối của Cơ quan biên giới EU (Frontex). 
 
Văn bản này cũng cho thấy EU không có ý định mở rộng các chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ trên biển Địa Trung Hải để giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư bất chấp sức ép ngày càng tăng về vấn đề này. Tuyên bố dự thảo chỉ xác nhận việc các bộ trưởng nội vụ và ngoại giao EU trong cuộc họp đầu tuần này quyết định tăng gấp đôi ngân sách để củng cố các chiến dịch tuần tra và giám sát trên biển trong năm năm 2015 và 2016, với phạm vi tuần tra chỉ 30 hải lý tính từ bờ biển Italy. 
 
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo EU cũng sẽ nhất trí rằng cần chuẩn bị lập tức thực hiện các nỗ lực phát hiện, bắt giữ và phá hủy tàu trước khi chúng được những kẻ buôn lậu sử dụng để vận chuyển người nhập cư trái phép vào châu Âu. Chiến dịch quân sự chung của EU sẽ được thực hiện trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.
 
Theo số liệu của Frontex, trong năm 2014 đã có 150.000 người vượt biển Địa Trung Hải vào châu Âu. Số thuyền nhân đến Italy, Malta và Hy Lạp từ đầu năm đến nay là 36.000 người.
 
H.T (Tổng hợp từ VOV, TTXVN)
 

Ý kiến bạn đọc