Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Á-Phi thúc đẩy hợp tác kinh tế

14:22, 22/04/2015
Ngày 21-4, tại Trung tâm hội nghị quốc tế Jakarta, Indonesia diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Á - Phi (AABS 2015), với chủ đề “Hiện thực hóa quan hệ đối tác Á-Phi vì tiến bộ và thịnh vượng”. Hội nghị diễn ra một ngày, là cơ hội để các nước bàn thảo những biện pháp thúc đẩy hợp tác hai châu lục. Đây là một hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Á-Phi 2015 đang diễn ra tại Indonesia. 
 
Tham dự hội nghị có 500 đại biểu gồm các quan chức chính phủ, nhà ngoại giao và lãnh đạo doanh nghiệp từ các nước châu Á và châu Phi. Hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề về hàng hải, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, đầu tư và thương mại. 
 
Theo các đại biểu, châu Á và Phi hiện đều ưu tiên vào phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy tự do hóa thương mại toàn cầu, đồng thời tăng cường liên kết khu vực và liên khu vực. Với đà tăng trưởng nhanh của hai khu vực hiện nay, hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Á-Phi là cơ hội cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp từ cả hai khu vực thúc đẩy quan hệ đối tác khu vực tư nhân và tăng cường hợp tác kinh doanh trong các lĩnh vực khác nhau. 
 
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định, đây là thời điểm để châu Á - châu Phi thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư, cũng là lúc để giới kinh doanh có vai trò lớn hơn nhằm cụ thể hóa tinh thần của Hội nghị Bandung. Ông Widodo nói: “Tôi tin rằng diễn đàn doanh nghiệp là nơi hiện thực hóa và tăng cường tinh thần Bandung thông qua hợp tác và đầu tư, đảm bảo những lợi ích song phương. Hợp tác sẽ mang lại lợi ích cho các nền kinh tế đang phát triển và người dân. Tôi hy vọng sẽ có sự đột phá tại hội nghị này, giúp tăng cường sự hợp tác của hai châu lục”.
 
Các đại biểu cũng cho rằng, là khu vực chiếm tới 75% dân số của thế giới, châu Á và châu Phi có nhiều tiềm năng để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy vậy, sự hợp tác của hai châu lục thời gian qua vẫn chưa đem lại được nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội cho người dân hai khu vực. Phó Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tham dự hội nghị kêu gọi các nhà lãnh đạo Á-Phi giải quyết sự mất cân bằng thương mại đang tồn tại giữa hai châu lục. Ông Cyril Ramaphosa nhấn mạnh: “Chúng ta cần tăng cường thương mại giữa hai khu vực châu Á  và châu Phi để đảm bảo thực hiện hóa các triển vọng trong chương trình phát triển kinh tế. Chúng ta cũng cần giải quyết được sự mất cân bằng thương mại tồn tại giữa hai châu lục. Bằng việc tăng cường hợp tác, hai bên sẽ bắt đầu một giai đoạn mới trong thương mại toàn cầu”. 
 
Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Á - Phi (AABS 2015) (ảnh: Reuters)
Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Á - Phi (AABS 2015) (ảnh: Reuters)

Nước chủ nhà Indonesia trước đó cũng có kế hoạch thành lập một hội đồng doanh nghiệp để tăng cường đầu tư và thương mại giữa cộng đồng doanh nghiệp châu Á và châu Phi. Hội đồng doanh nghiệp Á-Phi sẽ giúp tổ chức các cuộc gặp thường xuyên giữa những nhà doanh nghiệp hàng đầu hai châu lục, thúc đẩy việc thực hiện một cách hiệu quả và kịp thời bất cứ thỏa thuận nào đạt được giữa hai bên.

Bên lề hội nghị cũng diễn ra nhiều cuộc gặp song phương giữa quan chức các quốc gia của hai châu lục. Qua đó, cụ thể hóa những mục tiêu hợp tác, mang lại những hiệu quả thiết thực của hội nghị.
 
Ngày 22-4, Hội nghị Á-Phi sẽ bắt đầu cuộc họp thượng đỉnh với sự tham dự của 34 nhà lãnh đạo các nước. Đoàn đại biểu Việt Nam do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu tham dự hội nghị.
 
Trước thềm Lễ kỷ niệm 60 năm Hội nghị Á-Phi (Hội nghị Bandung), ngày 21-4, ngoại trưởng các nước Á-Phi đã cam kết đấu tranh chống khủng bố và nạn buôn bán ma túy.
 
Theo Ngoại trưởng nước chủ nhà Indonesia Retno Marsudi, các ngoại trưởng đến từ các nước Á-Phi đã nhận thức rõ tầm quan trọng của hòa bình và ổn định cũng như sự cần thiết đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia, trong đó có khủng bố và buôn bán ma túy. Thứ trưởng Ngoại giao Iran Ebrahim Rahimpour nhận định "chủ nghĩa khủng bố và cực đoan bạo lực" đang tiếp tục đe dọa thế giới, trong khi Ngoại trưởng Somalia Khalid Omar Ali thừa nhận nghèo nàn và dân trí thấp là những yếu tố góp phần làm gia tăng chủ nghĩa cực đoan bạo lực.
 
Hội nghị Bangdung 1955 có sự tham gia của 29 nước châu Á và châu Phi, trong đó có 23 nước châu Á (Afghanistan, Miến Điện, Ấn Độ, Indonesia, Jordan, Iran, Iraq, Yemen, Trung Quốc, Campuchia, Lào, Syria, Lebanon, Nepal, Pakistan, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Sri Lanka, Philippines, Thái Lan, Nhật Bản, Việt Nam) và 6 nước châu Phi (Ai Cập, Ghana, Ethiopia, Liberia, Libya và Sudan). Đoàn đại biểu Việt Nam khi đó do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu tham dự hội nghị.
 
Hội nghị đã thông qua 10 nguyên tắc Bangdung lịch sử, làm nền tảng cho quan hệ giữa các nước ở hai châu lục, trong đó có các nguyên tắc như tôn trọng chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thúc đẩy hợp tác, tôn trọng luật pháp quốc tế… Hội nghị Bangdung 1955 được xem như một biểu tượng về sự hồi sinh của các quốc gia châu Á và châu Phi. Sự kiện này đã tạo động lực đưa đến những biến đổi to lớn trên bản đồ chính trị thế giới với sự ra đời của một loạt các quốc gia độc lập ở châu Á và châu Phi, tạo tiền đề cho sự ra đời Phong trào Không liên kết và hợp tác Nam-Nam sau này.
 
Hội nghị Bandung đã mang một ý nghĩa quan trọng, đánh dấu thời điểm các quốc gia châu Á và châu Phi bắt đầu bước lên vũ đài chính trị quốc tế, tham gia tích cực vào việc giải quyết những vấn đề chung của khu vực và thế giới.
 
H.T (tổng hợp từ TTXVN, VOV)
 

Ý kiến bạn đọc