"Bóng ma" IS vẫn ám ảnh thế giới
09:10, 02/05/2015
Lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vừa tung lên mạng một bức ảnh tuyên truyền chụp một đứa trẻ sơ sinh ngủ ngon lành cạnh các món vũ khí chết chóc và một tờ giấy khai sinh, với mục đích gây sốc và sợ hãi.
Bức ảnh có cảnh đứa trẻ nằm bên một khẩu súng ngắn và một quả lựu đạn, được Abu Ward Al-Raqqawi - một nhà hoạt động chống IS ở Syria, chia sẻ. Anh nói rằng bức ảnh do một thành viên IS chụp. Trong dòng chú thích đề dưới bức ảnh, Al-Raqqawi cảnh báo rằng hình ảnh cho thấy IS đang nỗ lực tuyển mộ các thành viên ngày càng trẻ vào lực lượng này.
IS tung hình ảnh tuyên truyền ghê rợn (Nguồn: Twitter) |
Bức ảnh trên được khoe ra trong bối cảnh cuộc chiến phức tạp nhằm giành lấy vùng lãnh thổ bị IS chiếm đóng tiếp tục diễn ra. Trong dịp cuối tuần, các cuộc không kích do Mỹ lãnh đạo đã nhằm vào nhiều mục tiêu của IS ở Syria, gần các vùng Al Hasakah, Dayr Az Zawr và Kobani. Liên quân quốc tế còn tiến hành 17 vụ không kích nhằm vào IS ở Iraq, tại các khu vực gần Fallujah, Al Hawayjah, Bayji, Mosul và Ramadi.
Vừa qua, việc kiểm soát thành phố Tikrit đã giúp chính quyền Iraq và liên quân do Mỹ dẫn đầu có thêm nhiều lợi thế, chuẩn bị cho khả năng giành lại các khu vực quan trọng khác từ tay tổ chức IS.
Tuy nhiên, tổ chức IS ngày càng cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ, bất chấp các cuộc không kích kéo dài nhiều tháng qua của Mỹ và liên quân. Cùng với đó, sự liên kết chặt chẽ giữa quân đội Iran với lực lượng dân quân dòng Shiite (Shiite) đã ngầm tạo sự chia rẽ giáo phái trong nội bộ chính phủ Iraq, đe dọa những nỗ lực của các bên trong cuộc chiến chống khủng bố và ổn định khu vực.
Hồi tháng 6-2014, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã đánh chiếm thành phố Tikrit và sau đó mở rộng, kiểm soát hơn 1/3 lãnh thổ Iraq. Tikrit nằm ở vị trí chiến lược vì nó chỉ cách thủ đô Baghdad 130 km và trên đường bộ đến thành phố lớn thứ hai của Iraq, Mosul. Chính vì vậy, Tikrit được xem là mục tiêu quan trọng trong các cuộc giao tranh tại Iraq.
Thành công tại Tikrit hồi đầu tháng này đã tạo đà lớn, giúp chính quyền Iraq và liên quân có thể tấn công tổng lực nhằm giành lại các khu vực quan trọng khác đang do tổ chức IS kiểm soát như Mosul, Anbar. Theo các chuyên gia khu vực, chiến thắng tại Tikrit vừa qua là do thành phố này nằm trong chiến dịch quy mô lớn nhất từ trước tới nay của chính phủ Iraq nhằm vào tổ chức IS, với sự tham gia của khoảng 30.000 binh sĩ Iraq, cùng hàng nghìn dân quân dòng Hồi giáo Shiite và Sunni cũng như lực lượng các bộ lạc tham gia hỗ trợ. Bên cạnh đó, giành được Tikrit cũng là do hầu hết người dân, khoảng 200.000 người, trước đó đã sớm rời khỏi thành phố này.
Tái chiếm thành phố Tikrit đã giúp chính quyền Iraq và liên quân do Mỹ dẫn đầu đạt được mục tiêu kiềm chế và đẩy lùi tổ chức IS, đồng thời mở ra khả năng đánh chiếm các vị trí quan trọng khác, tiến tới giải phóng phần lãnh thổ còn lại của Iraq.
Mặc dù vậy, số lượng chiến binh Hồi giáo nước ngoài gia nhập IS ngày càng tăng, cùng với sự mở rộng và phát triển hoạt động của tổ chức này ở nhiều quốc gia đang có những bất ổn chính trị tương tự Iraq như Libya, Nigeria và gần đây là Yemen, sẽ tạo điều kiện để IS tiếp tục duy trì sự tồn tại của chúng tại Iraq trong thời gian tới. Theo nguồn tin của Liên hiệp quốc, hiện có khoảng 25.000 tay súng nước ngoài từ hơn 100 quốc gia, chủ yếu qua Thổ Nhĩ Kỳ, Syria để đầu quân cho IS ở Iraq. Ngoài ra, các khu vực do tổ chức IS chiếm đóng như Mosul hiện vẫn còn rất đông dân lưu trú, khiến chiến dịch sắp tới của chính phủ Iraq và liên quân sẽ trở nên khó khăn hơn. Các cuộc phản công gần đây của Nhà nước Hồi giáo (IS) tại thành phố Ramadi, thủ phủ phía tây của tỉnh Anbar, cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ của tổ chức này.
Hòa giải dân tộc tiếp tục là chìa khóa quan trọng giúp chính quyền Iraq thống nhất các đảng phái chính trị, thành lập lực lượng liên kết đủ mạnh chống lại các tổ chức khủng bố, cực đoan. Tuy nhiên, mâu thuẫn giáo phái, sắc tộc kéo dài đang là vấn đề rất khó giải quyết cho Chính phủ của Thủ tướng Abadi khi sự can thiệp của Iran đối với nhóm Hồi giáo Shiite và sự tan rã của các bộ lạc Sunni do vai trò của Mỹ đang ngày càng trở nên mờ nhạt hơn. Điều này sẽ tiếp tục là rào cản lớn đối với ổn định tại Iraq, đòi hỏi sự chung tay của cộng đồng quốc tế nhằm thúc đẩy thành lập một nhà nước liên bang tại Iraq như một giải pháp lâu dài, qua đó đảm bảo các lợi ích của Mỹ và đồng minh tại khu vực.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, VOV)
Ý kiến bạn đọc