Multimedia Đọc Báo in

Số người thiệt mạng do động đất Nepal vượt qua con số 5.000

21:37, 30/04/2015
Con số thương vong trong trận động đất kinh hoàng ở Nepal vẫn không ngừng tăng. Trong khi đó, công tác cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn.
 
Theo Cục quản lý thiên tai quốc gia nước này, cho đến ngày 28-4 số người thiệt mạng trong trận động đất đã lên tới 5.057 người. Người đứng đầu Cục quản lý thiên tai quốc gia Nepal, Rameshwor Dangal, cho hay số người bị thương trong thảm họa thiên tai này cũng đã lên tới 10.915 người. 
 
Người dân tìm kiếm nạn nhân bị mắc kẹt trong những đống đổ nát sau trận động đất ở Kathmandu. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Người dân tìm kiếm nạn nhân bị mắc kẹt trong những đống đổ nát sau trận động đất ở Kathmandu. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngoài ra, trận động đất mạnh 7,9 độ Richter này cũng đã phá hủy nhiều ngôi nhà khiến gần 500.000 người dân Nepal phải sống trong cảnh "màn trời chiếu đất”. Tại các nước láng giềng Trung Quốc, Ấn Đô.. cũng có hơn 100 người thiệt mạng bởi động đất. Thủ tướng Nepal Koirala lo ngại, con số cuối cùng về người chết có thể lên tới hơn 10.000 người. Đây được coi là thảm họa thiên tai tồi tệ nhất trong lịch sử Nepal.

Cùng ngày, Chính phủ Nepal thông báo để quốc tang 3 ngày nhằm tưởng nhớ đến các nạn nhân trong vụ động đất tồi tệ nhất trong vòng 80 năm qua tại quốc gia Nam Á này.
 
Trong khi đó, nhà chức trách Nepal ngày 28-4 thông báo, một vụ lở tuyết nghiêm trọng nữa lại vừa xảy ra tại một ngôi làng gần khu vực leo núi nổi tiếng ở phía Bắc thủ đô Kathmandu khiến 250 người mất tích, trong đó có nhiều du khách quốc tế.
 
Giới chức quận Uda cho biết, địa điểm bị sạt lở là một công viên tự nhiên, nơi có rất nhiều khách du lịch nước ngoài. Hiện lực lượng cứu hộ đang cố gắng đào bới các lớp tuyết dày để giải cứu những người mắc kẹt, song do mưa lớn và thời tiết xấu đang cản trở những nỗ lực cứu nạn. 
 
Sau trận động đất 7,8 độ richter và các dư chấn tàn phá một vùng rộng lớn ở Kathmandu, nhiều khu vực trên dãy Himalaya đã hứng chịu thêm những vụ lở đất và tuyết lớn. Cách đây 2 ngày, một vụ sạt lở tuyết đã làm 18 người leo núi nước ngoài ở trại Everest thiệt mạng. 
 
Nhân viên cứu hộ đưa một người bị thương đến điểm đón trực thăng cứu hộ để xuống núi. Ảnh: AFP.
Nhân viên cứu hộ đưa một người bị thương đến điểm đón trực thăng cứu hộ để xuống núi. Ảnh: AFP.

Chính phủ Nepal và cộng đồng quốc tế đang chạy đua với thời gian để cứu hộ những nạn nhân còn mắc kẹt dưới đống đổ nát và viện trợ cho những người chịu ảnh hưởng của động đất. Bà Jens Laerke, người phát ngôn Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hiệp quốc cho biết: “Vấn đề thực sự ở đây là một cuộc chạy đua với thời gian. Đây cũng là cuộc chạy đua với các mục tiêu di động, nghĩa là chúng ta vẫn chưa có những đánh giá đầy đủ về nhu cầu tại các khu vực nông thôn bên ngoài thủ đô Kathmandu, vì như chúng ta đã biết, thảm họa động đất đã gây ra rất nhiều vấn đề về cơ sở hạ tầng”. Trong khi đó, đại diện Chương trình lương thực thế giới, bà Elisabeth Byrs cho biết, hiện các đội cứu hộ đang đối mặt với thách thức về hậu cần, sự tắc nghẽn tại sân bay và các tuyến đường, bởi nguy cơ sạt lở rất lớn. Hiện một máy bay của chương trình lương thực thế giới, mang theo nhiều tấn thiết bị vẫn chưa thể hạ cánh .

Nhằm đẩy nhanh công tác cứu hộ đang gặp nhiều khó khăn, Phillipines đã quyết định cử một nhóm Hội Chữ thập đỏ gồm các nhân viên cứu hộ nhiều kinh nghiệm trong siêu bão Haiyan đến Nepal. Tổng thư ký Hội Chữ thập đỏ Phillipines Gwendolyn Pang cho hay đội cứu hộ gồm 30 người Phillipines, gồm bác sĩ, y tá, nhân viên cứu hộ và các chuyên gia về nước và vệ sinh, sẽ khởi hành đến Nepal trong tuần này. Đây là những người có bề dày kinh nghiệm trong công tác cứu hộ trong siêu bão Haiyan hồi năm 2013.
 
Những đội cứu trợ của các nước trên thế giới cũng đang nỗ lực tới các vùng xa xôi nhằm vận chuyển lương thực và đồ dùng thiết yếu tới người dân Nepal, tuy nhiên công tác gặp phải nhiều khó khăn trong bối cảnh thời tiết không thuận lợi. Theo Điều phối viên của Liên hiệp quốc về Nepal, Jamie McGoldrick, các nhân viên cứu trợ sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn để có thể chuyển hàng cứu trợ tới các vùng núi hẻo lánh bị ảnh hưởng bởi trận động đất.
 
Ông McGoldrick cho hay khoảng 50% người dân tại các quận bị ảnh hưởng nặng nhất sau thảm họa thiên nhiên này đã mất nhà cửa. Hệ thống giao thông, đường sá nghèo nàn, địa hình núi cao, hiểm trở trong khi mưa lớn và dư chấn liên tiếp xảy ra không chỉ gây trở ngại công tác cứu giúp mà còn gây tâm lý hoang mang cho người dân và nhân viên cứu trợ nước ngoài. Ông McGoldrick cảnh báo tình hình trầm trọng hơn khi mà mùa mưa sắp tới, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác này.
 
Do lo sợ các dư chấn mạnh khác có thể xảy ra, người dân Kathmandu trải qua đêm thứ tư liên tiếp ở ngoài đường (ảnh: EPA)
Do lo sợ các dư chấn mạnh khác có thể xảy ra, người dân Kathmandu trải qua đêm thứ tư liên tiếp ở ngoài đường (ảnh: EPA)

Cho tới nay, Ấn Độ, Mỹ, Trung Quốc và Israel đã điều trực thăng chở hàng viện trợ tới các vùng núi hẻo lánh bị ảnh hưởng sau trận động đất kinh hoàng vừa qua. Trong khi đó, Bỉ cũng đã cử một phái đoàn nhân viên cứu trợ tới Nepal nhằm hỗ trợ công tác tìm kiếm những người mất tích trong vụ động đất.

Theo Liên hiệp quốc, có hơn 8 triệu người bị ảnh hưởng bởi trận động đất, nhiều người cho đến nay vẫn phải sống tại các khu vực khó tiếp cận và chưa thể nhận viện trợ. Và hơn 1,4 triệu người cần hỗ trợ lương thực khẩn cấp sau động đất ở Nepal. 
 
Dẫn những số liệu từ chính phủ Nepal, Liên hiệp quốc cho biết cơn địa chấn mạnh 7,8 độ richter đã làm đảo lộn nghiêm trọng cuộc sống của hơn 8 triệu người ở 39 khu vực tỉnh thành ở Nepal. Liên hiệp quốc đã trích 15 triệu USD từ Quỹ ứng phó khẩn cấp để hỗ trợ nạn nhân động đất. Theo đó, khoản tiền này sẽ cho phép các nhóm nhân đạo quốc tế mở rộng quy mô hoạt động, cung cấp nơi ở, nước uống, vật tư y tế và các dịch vụ hậu cần ở các vùng thảm họa. Song song với các nỗ lực tìm kiếm cứu nạn ở vùng thảm họa, hàng đoàn chuyến xe tải chở lương thực, thực phẩm từ mọi nơi ở Nepal tiếp tục tới các huyện đông dân cư bị thiệt hại nặng nề ở thung lũng ngoại ô Kathmandu. 
 
Do lo sợ các dư chấn mạnh khác có thể xảy ra, người dân Kathmandu trải qua đêm thứ tư liên tiếp tại các công viên, quảng trường và địa điểm công cộng khác trong thời tiết mưa rét.
 
Trước những mất mát và thiệt hại nặng nề mà Nepal đang phải hứng chịu, có thêm nhiều quốc gia thông báo viện trợ tài chính và gửi nhân viên cứu hộ, y tế đến Nepal. Chính phủ các nước Nhật Bản, Pháp, Anh, Thụy sĩ, Nga và Singapore ngày 28-4 cho biết sẽ sớm gửi thêm những hỗ trợ cần thiết giúp Nepal khắc phục thảm họa. Một đại diện của nhóm cứu trợ của Nhật Bản nói: “Chúng tôi có một đội ngũ gồm 70 lính cứu hỏa, cảnh sát, nhân viên của Cơ quan An toàn Hàng hải và chó nghiệp vụ đến tham gia nỗ lực tìm kiếm cứu nạn ở Nepal. Hiện chúng tôi đang thảo luận với đội cứu trợ Hà Lan, quốc gia chỉ đạo các hoạt động trợ của Liên hiệp quốc để xem khu vực nào chúng tôi sẽ tham gia hoạt động cứu hộ”.
 
H.T (Tổng hợp từ TTXVN, VOV)
 

Ý kiến bạn đọc