Multimedia Đọc Báo in

Đông Nam Á nhất trí tìm kiếm, hỗ trợ nhân đạo cho người di cư tự do

14:50, 31/05/2015
Tại hội nghị khu vực về khủng hoảng di cư diễn ra ngày 29-5 tại thủ đô Bangkok của Thái Lan, 17 quốc gia Đông Nam Á tham dự đều nhất trí sẽ tiếp tục cam kết tìm kiếm, hỗ trợ nhân đạo cho những người di cư đang lênh đênh trên biển và hàng nghìn người đã được đưa vào bờ từ hôm 1-5.
 
Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết hội nghị diễn ra trên tinh thần xây dựng. Các nước tham gia nhất trí với văn kiện cam kết hỗ trợ nhân đạo cho khoảng 2.600 người đang mắc kẹt trên biển cũng như 3.500 người đã được đưa vào các bờ biển của Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Các nước tiếp nhận người di cư  hy vọng sẽ bắt đầu quá trình hồi hương cho những người tị nạn càng sớm càng tốt. 
 
Người di cư Rohingya từ Myanmar tại cảng Langsa ở Aceh ngày 18-5 khi được đưa vào bờ sau nhiều ngày lênh đênh trên biển. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Người di cư Rohingya từ Myanmar tại cảng Langsa ở Aceh ngày 18-5 khi được đưa vào bờ sau nhiều ngày lênh đênh trên biển. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cùng với đó, Myanma và Bangladesh, 2 quốc gia có đông người di cư đã nhất trí sẽ giải quyết các “nguyên nhân gốc rễ” gây ra cuộc khủng khoảng di cư hiện nay. Nhằm giúp các nước ở Đông Nam Á giải quyết cuộc khủng hoảng di dân, Mỹ thông báo sẽ đóng góp 3 triệu USD, Australia cam kết 11 triệu USD và Nhật Bản đang xem xét khoản tiền hỗ trợ bổ sung. Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) cho biết cần phải có 26 triệu USD khẩn cấp để giải quyết vấn nạn di dân.

Trước những cam kết hỗ trợ tích cực từ nhiều nước, Ngoại trưởng Thái Lan Sinhaseni nói rằng Myanmar và Bangladesh sẽ chú trọng đến những giải pháp lâu dài của vấn đề: “Mục tiêu dài hạn của chúng tôi là sẽ không để mọi người phải chạy trốn khỏi đất nước. Họ có thể sống trong hòa bình, có việc làm, có cuộc sống tốt hơn và ổn định để họ không còn muốn rời xa quê hương nữa. Qua đây, Chính phủ Myanmar hoan nghênh và đánh giá cao sự hỗ trợ tài chính của cộng đồng quốc tế”.
 
Hội nghị Khủng hoảng di cư Đông Nam Á cũng đã đề xuất tăng cường các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ nhằm đảm bảo an toàn cho những người di cư trên biển, cũng như đảm bảo Cao uỷ Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR) và Tổ chức di cư quốc tế (IOM) có thể tiếp cận những người di cư. Hội nghị cũng đề xuất cần đặc biệt chú ý bảo vệ những nhóm người dễ bị tổn thương, trong đó có phụ nữ và trẻ em.
 
Về trung hạn, hội nghị đề xuất tăng cường việc thực thi pháp luật nhằm đối phó với tình trạng buôn bán người, tăng cường hợp tác trong việc xoá bỏ các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, tăng cường luật pháp và các kênh di dân an toàn, phù hợp giữa các nước liên quan nhằm ngăn chặn các hoạt động di cư trái phép. 
 
Hiện các quốc gia châu Á đang phải vật lộn với tình trạng người di cư tại các vùng biển của Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Trong những tuần qua, ước tính đã có 3.500 người được giải cứu. Phần lớn thuộc tộc người Hồi giáo thiểu số Rohingya ở Myanmar và Bangladesh.
 
Trước đó, vào ngày 28-5 Hải quân Hoàng gia Malaysia (RMN) đã phát hiện hai chiếc thuyền được cho là chở người nhập cư bất hợp pháp vào vùng biển Malaysia, gần đảo Langkawi, bang Kedah. Sỹ quan chỉ huy tàu KD Kasturi, Đại úy Shahrum Shaim, cho biết cả hai thuyền trên đều được phát hiện trong khu vực F, phía Bắc Eo biển Langkawi vào khoảng 9 giờ 45 phút khi tìm cách xâm nhập vào vùng biển Malaysia. Sau đó chúng chuyển hướng đến vùng biển Thái Lan khi phát hiện thấy đang bị một tàu của Hải quân Hoàng gia Malaysia theo dõi. 
 
Những người di cư Rohingya và Bangladesh sau khi được ngư dân Indonesia cứu sống tại Kuala Langsa, tỉnh Aceh. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Những người di cư Rohingya và Bangladesh sau khi được ngư dân Indonesia cứu sống tại Kuala Langsa, tỉnh Aceh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein thông báo hai trại huấn luyện binh sĩ ở bang Kedah, trại Rimba Taqwa ở Sik và trại Youth Recreation ở Baling, đã được xác định là nơi lưu trú tạm thời cho những người di cư Rohingya đã vào Malaysia. Tuy nhiên, mỗi trại chỉ có sức chứa 400 người và đây đó chỉ là giải pháp tạm thời cho đến khi có giải pháp lâu dài đối với người di cư Rohingya.

Chính phủ Malaysia và Indonesia đã nhất trí cung cấp lều lán tạm thời cho khoảng 7.000 người di cư bất hợp pháp, những người này được cho là đang còn lênh đênh trên các vùng biển quốc tế, với điều kiện cộng đồng quốc tế phải tiến hành hồi hương và tái định cư số người này trong vòng một năm. 
Thủ tướng Najib cũng cho biết Chính phủ Malaysia sẽ làm hết sức mình để giải quyết vấn đề người Rohingya, tránh để trở thành một thảm họa nhân đạo. 
 
Ngày 27-5, Liên hiệp quốc và Myanmar cũng đã cam kết hợp tác nhằm giải quyết tình trạng "thuyền nhân" di cư bất hợp pháp, một vấn đề với chính Myanmar và khu vực. 
 
Tuyên bố này được đưa ra sau chuyến thăm của cố vấn đặc biệt về Myanmar của Tổng thư ký Liên hiệp quốc, ông Vijay Nambiar tới một khu ở tạm tại bang Rakkhine dành cho những người di cư được cứu sống. Liên hiệp quốc nhấn mạnh cần phối hợp hành động chống các nhóm tội phạm buôn người đang hoạt động ở khắp khu vực, và đề xuất hỗ trợ Chính phủ Myanmar giải quyết vấn đề. Liên hiệp quốc cũng khuyến khích Myanmar duy trì chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn những người di cư vẫn lênh đênh trên biển.
 
H.T (Tổng hợp từ VOV, TTXVN)
 

Ý kiến bạn đọc