Multimedia Đọc Báo in

Đàm phán hạt nhân Iran gặp nhiều trắc trở

15:26, 15/06/2015
Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 14-6 cam kết Iran sẽ đi đến một thỏa thuận với các cường quốc mà sẽ giúp dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt đối với nước này. 
 
Phát biểu tại Dubai, Tổng thống Iran Rouhani cho biết, Iran sẽ làm giàu uranium và làm giàu cho nền kinh tế đất nước. Ông Rouhani nhấn mạnh, Iran muốn có nền kinh tế vững mạnh và cũng muốn có các máy ly tâm. Cho rằng tiến bộ trong các cuộc đàm phán hạt nhân là một chiến thắng ngoại giao của nước Cộng hòa Hồi giáo, Tổng thống Iran cho biết, nước này cũng sẽ cố gắng dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mà Liên hiệp quốc áp đặt. Ông Rouhani khẳng định, việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt sẽ giúp nền kinh tế nước này phát triển hơn.
 
Trước đó, trong một phát biểu vào 13-6, Tổng thống Iran Rouhani cho biết Iran sẽ không tự trói buộc mình trong khung thời hạn chót chỉ để đạt một thỏa thuận toàn diện với các cường quốc phương Tây. Theo ông Rouhani, nếu các nước phương Tây không đặt ra những yêu cầu thái quá thì việc đạt một thỏa thuận khả thi về chương trình hạt nhân đúng thời hạn chót là hoàn toàn có thể.
 
Trước đó, vào ngày 12-6, hãng thông tấn TASS của Nga dẫn một nguồn tin ngoại giao cho biết cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và 6 cường quốc đã gần như bị tạm ngừng và hạn chót cho một thỏa thuận cuối cùng có thể sẽ bị trì hoãn một lần nữa.
 
Nguồn tin thuộc một trong các phái đoàn tham gia đàm phán cho biết vòng thảo luận gần đây nhất tại Vienna, Áo ngày 12-6 đã không tạo ra tiến triển đáng kể. Nguồn tin này nói: "Tiến trình gần như đã bị tạm ngừng, có nguy cơ hạn chót sẽ phải trì hoãn một lần nữa". 
 
Iran và Nhóm P5+1 (gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) đang nỗ lực đạt được thỏa thuận cuối cùng trước ngày 30-6, theo đó Iran sẽ phải hạn chế chương trình hạt nhân để được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế. 
 
Vừa xuất viện sau chấn thương chân, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 12-6 cho biết, ông vẫn theo dõi chặt chẽ tiến trình đàm phán hạt nhân giữa Iran với nhóm P5+1 và sẽ sớm xuất ngoại để tham dự các cuộc đàm phán sắp tới. Tuyên bố này đưa ra sau khi xuất hiện nghi án rằng Israel, đồng minh thân cận của Mỹ, đã do thám các cuộc đàm phán này. 
Quang cảnh một vòng đàm phán hạt nhân giữa đại diện Liên minh châu Âu, các nước P5+1 và Iran tại Vienna, Áo ngày 12-6. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Quang cảnh một vòng đàm phán hạt nhân giữa đại diện Liên minh châu Âu, các nước P5+1 và Iran tại Vienna, Áo ngày 12-6. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ngoại trưởng John Kerry cho biết, ông dự định tham gia các cuộc đàm phán hạt nhân Iran sau đối thoại chiến lược và kinh tế giữa Mỹ với Trung Quốc từ ngày 22 đến 24-6 tới. Trong thời gian nằm viện vì chấn thương ở chân sau tai nạn xe đạp tại Pháp hôm 31-5 vừa qua, ông vẫn có các cuộc trao đổi thường xuyên với Nhà Trắng, với Tổng thống Barack Obama và các đồng nghiệp trong nội các Mỹ cũng như đoàn đàm phán đang có mặt tại Vienna, Áo, về tiến trình đàm phán hạt nhân với Iran. Trong cuộc tiếp xúc đầu tiên với báo giới sau khi xuất viện, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh: “Tôi hoàn toàn cam kết chặt chẽ và đầy đủ với các cuộc đàm phán này. Tôi đã không bỏ lỡ một thông tin nào. Tôi sẽ tiếp tục công du vào thời điểm thích hợp trong vài ngày tới để thúc đẩy tiến trình đàm phán đang trong giai đoạn hết sức quan trọng này”.
 
Tuyên bố đưa ra trong bối cảnh đồng minh Israel, vốn phản đối Mỹ thúc đẩy thỏa thuận hạt nhân với Iran, đang vướng vào nghi án do thám tiến trình đàm phán giữa Tehran với nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và Đức.
 
Ngày 10-6 vừa qua, tập đoàn an ninh mạng Kaspersky Lab của Nga công bố báo cáo cho biết, họ vừa phát hiện sâu máy tính được dùng để do thám các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran với các cường quốc thế giới. Các chuyên gia của Kaspersky và tập đoàn an ninh mạng của Mỹ Symantec cho rằng, sâu máy tính này được lập trình tương tự với Duqu, một phần mềm gián điệp nghi là do Israel phát triển nhưng phiên bản được coi là Duqu 2.0 lần này lợi hại hơn rất nhiều. Người đồng sáng lập và là Tổng giám đốc Kaspersky Lab, ông Eugene Kaspersky cho biết, những vụ tấn công của sâu máy tính này “hết sức phức tạp” và “hầu như vô hình”.
 
Theo Kaspersky Lab, Duqu 2.0 bắt đầu các cuộc đột nhập từ cuối năm 2014 và vẫn tiếp tục cho tới bây giờ, trong đó có hoạt động do thám ba khách sạn ở châu Âu vốn là địa điểm tổ chức các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1. Cơ quan chức năng Áo và Thụy Sỹ, nơi diễn ra các cuộc đàm phán hạt nhân Iran, đã lục soát và tịch thu các máy tính có thể liên quan đến các vụ do thám này và đang điều tra vụ việc.
 
Phản ứng trước thông tin này, Đại sứ Iran tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Reza Najafi cho biết: “Các bạn đều biết có những kẻ thù đối với tiến trình đàm phán này và họ sẽ làm tất cả những gì có thể. Vì thế chúng tôi không bất ngờ trước vụ việc này. Tất nhiên trong tiến trình đàm phán vẫn đang tiếp diễn này, chúng tôi có các biện pháp phòng ngừa không để bất cứ chi tiết nào lọt ra ngoài. Theo tôi, chúng tôi đã thành công trong việc giữ kín các cuộc thảo luận bởi vì trong suốt tiến trình đó, các bên đều cam kết chặt chẽ với việc bảo mật và đó là lý do vì sao truyền thông không nghe ngóng được gì nhiều ngoại trừ một số vụ việc nhỏ lẻ”.
 
Israel đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc này. Thứ trưởng Ngoại giao Israel Tzipi Hotovely hôm 11-6 vừa qua tuyên bố rằng, những báo cáo về việc nước này do thám đàm phán hạt nhân giữa Iran và các cường quốc thế giới là “hoàn toàn vô căn cứ”. Trong khi đó, chuyên gia của Israel, Thiếu tướng Yitzhak Ben-Israel, người sẽ chủ trì một hội thảo về an ninh mạng có sự tham dự của Thủ tướng Benjamin Netanyahu vào tuần tới, cho biết: “Tôi không phản đối các siêu giả thuyết rằng vụ việc này do chính các nước phương Tây hoặc Mỹ tiến hành để do thám Iran bởi vì ai cũng muốn biết đối phương thảo luận gì sau cánh cửa phòng họp kín trước khi bước vào vòng thương lượng.”
 
Đây không phải lần đầu tiên Israel bị nghi ngờ liên quan đến các hoạt động do thám các cuộc thương lượng về vấn đề hạt nhân Iran. Hồi cuối tháng 2, Mỹ lên tiếng cáo buộc Israel đã làm ảnh hưởng đến cuộc đàm phán hạt nhân của họ với Iran thông qua việc rò rỉ có ý đồ các thông tin sai lệch. Tiếp đó, hồi tháng 3, Mỹ lại cáo buộc Israel do thám các cuộc đàm phán bí mật với Iran và để lộ tin tức ra Quốc hội Mỹ nhằm cản phá thỏa thuận hạt nhân giữa Nhóm P5+1 với Tehran.
 
Các quan chức Mỹ luôn cho rằng, đồng minh thân cận này lâu nay lại đứng đầu danh sách những nước do thám nhiều nhất đối với Mỹ. Theo Tạp chí Phố Wall của Mỹ, các hoạt động do thám đàm phán hạt nhân Iran chỉ là một phần trong chiến dịch rộng lớn hơn mà Thủ tướng Bengiamin Netanyahu tiến hành nhằm tác động gián tiếp vào tiến trình đàm phán và ngăn cản một thỏa thuận tổng thể cuối cùng vào thời hạn chót ngày 30-6 tới.
 
H.T (Tổng hợp từ VOV, TTXVN)
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.