Hạ viện Nhật Bản thông qua các dự luật an ninh gây tranh cãi
07:48, 20/07/2015
Dự luật an ninh thừa nhận sử dụng có giới hạn quyền phòng vệ tập thể ngày 16-7 đã được thông qua tại Hạ viện Nhật Bản với sự tán thành của liên minh cầm quyền gồm đảng Dân chủ Tự do (LDP) và đảng Công minh Mới (NKP).
Phát biểu trước báo giới sau khi thông qua dự luật trên, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định dự luật này có ý nghĩa quan trọng để bảo vệ sinh mạng của các công dân Nhật Bản và ngăn chặn một cuộc chiến tranh trong bối cảnh môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản đang ngày càng nghiêm trọng.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Nguồn: ndtv.com) |
Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ phía các đảng đối lập và lo ngại ngày càng tăng của công chúng, LDP và NKP vẫn đưa dự luật vào bỏ phiếu tại phiên họp toàn thể của Hạ viện.
Sau phiên bỏ phiếu thông qua tại Hạ viện, dự luật trên dự kiến sẽ được gửi tới Thượng viện để tiếp tục thảo luận sau tổng cộng 116 giờ thảo luận tại Ủy ban luật an ninh của Hạ viện.
Đạo luật an ninh nêu trên sẽ cho phép Nhật Bản bảo vệ Mỹ và các quốc gia hữu hảo khác trước cuộc tấn công vũ trang nhằm đối phó với môi trường an ninh mới đầy thách thức. Đạo luật cũng tạo cơ sở để Tokyo gia tăng đóng góp cho nỗ lực gìn giữ hoà bình quốc tế.
Các nghị sỹ đối lập và các học giả hiến pháp cho rằng việc Nhật Bản thực thi quyền phòng vệ tập thể sẽ vi phạm Hiến pháp hoà bình. Tuy nhiên, Thủ tướng Abe đã bác bỏ những lập luận trên và bảo lưu quyết định quan trọng của Nội các Nhật Bản ban hành hồi tháng 7-2014 nhằm diễn giải lại Hiến pháp, cho phép Nhật Bản thực thi quyền phòng vệ tập thể. Thủ tướng Nhật Bản đã bày tỏ quyết tâm kích hoạt đạo luật trên vào ngày 27-9, thời điểm cuối kỳ họp quốc hội hiện nay.
Liên minh cầm quyền hiện kiểm soát hơn 2/3 Hạ viện và giữ đa số tại Thượng viện. Theo quy định của Quốc hội, ngay cả khi Thượng viện không bỏ phiếu thông qua dự luật, cuộc bỏ phiếu lần thứ hai tại Hạ viện có thể sẽ chính thức luật hoá dự luật trên với đa số 2/3 áp đảo.
Truyền thông Nhật Bản bình luận đây là một dấu ấn lớn trong việc thay đổi chính sách an ninh của Nhật kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2. Theo điều tra dư luận của các phương tiện truyền thông cho thấy, tỷ lệ ủng hộ của nhân dân Nhật Bản đối với dự luật không hề tăng. Điều này cũng được Thủ tướng Abe thừa nhận. Tuy việc phản đối dự luật mới vẫn tiếp tục, song đây có thể coi là bước tiến gần tới đích của chính quyền Shinzo Abe trong việc thực hiện Quyền phòng vệ tập thể dựa trên việc sửa đổi Hiến pháp.
Theo nhận định của các nhà nghiên cứu chính trị Nhật Bản, với việc liên minh cầm quyền kiểm soát đa số ghế tại hai viện của quốc hội, việc chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhận được sự ủng hộ của các nghị sỹ quốc hội đối với các điều luật trên là tương đối đơn giản. Tuy nhiên, điểm gai góc nhất chính là việc lý giải cho người dân sự cần thiết của việc ban hành các điều luật này bởi đến thời điểm hiện tại, rất nhiều người dân Nhật Bản vẫn còn tỏ ra hoài nghi về việc Nhật Bản cần áp dụng biện pháp phòng vệ tập thể.
Dự luật an ninh mới được cho là sẽ nâng cấp vai trò của quân đội Nhật Bản. (Nguồn: asianews.it) |
Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh kêu gọi Nhật Bản tôn trọng những quan ngại an ninh lớn của các nước láng giềng và không có những hành động gây phương hại tới chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc cũng như đối với sự ổn định và an ninh trong khu vực. Theo người phát ngôn này, việc Hạ viện Nhật Bản phê chuẩn dự luật trên là một động thái “chưa từng có” kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai và sẽ dẫn tới một sự thay đổi lớn trong chính sách an ninh và quân sự của nước này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh rằng điều này gây nghi ngờ về việc liệu Nhật Bản sẽ từ bỏ chính sách phòng vệ hay thay đổi con đường phát triển hòa bình mà Tokyo đã ủng hộ trong thời gian dài.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng lên tiếng kêu gọi Nhật Bản cần minh bạch trong việc thúc đẩy chính sách quốc phòng mới theo hướng duy trì tinh thần của bản hiến pháp hòa bình đồng thời đóng góp cho an ninh và hòa bình ở khu vực. Bộ trên còn tái khẳng định rằng Hàn Quốc sẽ "không dung thứ" cho các động thái quân sự của Nhật Bản mà không được Hàn Quốc đồng ý nếu điều đó ảnh hưởng đến an ninh trên bán đảo Triều Tiên hay làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Hàn Quốc.
H.T (Tổng hợp từ TTXVN, VOV)
Ý kiến bạn đọc