NASA công bố phát hiện thấy "Trái đất thứ hai"
17:26, 27/07/2015
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) ngày 23-7 tuyên bố, tàu thăm dò vũ trụ Kepler đã phát hiện "Trái đất thứ hai". "Trái đất thứ hai" được đặt tên là Kepler-452b, cách chúng ta khoảng 1.400 năm ánh sáng, trong chòm sao Cygnus.
Theo NASA, hành tinh Kepler-452b to hơn địa cầu 60%, và quay quanh ngôi sao mẹ ở khoảng cách phù hợp, khiến nước có thể duy trì ở trạng thái lỏng. Các nhà khoa học dự đoán nó có lực hấp dẫn gấp hai lần Trái Đất, và khả năng nó có bề mặt đá là rất cao. Hành tinh Kepler-452b mất 385 ngày để quay quanh ngôi sao mẹ, tương tự như Trái Đất quay quanh Mặt Trời trong 365 ngày. Hành tinh này đã bay trong quỹ đạo này 6 tỷ năm, đủ thời gian để hình thành sự sống.
"Trái đất thứ hai" được đặt tên là Kepler-452b, cách chúng ta khoảng 1.400 năm ánh sáng, trong chòm sao Cygnus.(ảnh: NASA) |
Trong số 521 hành tinh mới được phát hiện ra, có 11 hành tinh có kích thước và tính chất tương tự như Kepler-452b, tức là lớn gần gấp 2 lần so với Trái đất và nằm trong vùng “có khả năng có sự sống” xung quanh ngôi sao của các hành tinh này. Đến nay, tàu vũ trụ Kepler đã phát hiện ra khoảng 4.700 hành tinh có sự tương đồng với Trái đất, nhưng chỉ có 1.030 hành tinh được NASA xác nhận. Mặc dù vậy, các nhà khoa học cho rằng, độ chính xác trong các khám phá của tàu vũ trụ Kepler là 90%, tức là có tới 4.230 hành tinh có thể có tính chất giống như Kepler-452b.
Trong giai đoạn đầu, tàu vũ trụ Kepler phải theo dõi cùng một lúc 150.000 ngôi sao để tìm kiếm những đốm sang li ti là những hành tinh bay qua các ngôi sao này. Chính vì thế, kho dữ liệu của Kepler là cực kỳ rộng lớn và các nhà khoa học phải mất rất nhiều thời gian để phân tích và đánh giá về độ phổ biến của các hành tinh có điều kiện giống như Trái đất trên khắp Dải Ngân hà.
Các nhà khoa học ước tính, khoảng 20% các ngôi sao trong Dải Ngân hà có một hành tinh có bề mặt là núi đá nằm trong khu vực có thể có sự sống của mình. Tuy nhiên, họ cũng thận trọng cho rằng, con số này sẽ cần phải được xem xét kỹ lưỡng hơn. “Việc điều tra các “ứng cử viên khác” trong ngôi sao Kepler-452 sẽ giúp chúng tôi phát hiện ra những hành tinh dù là nhỏ nhất có sự tương đồng với Trái đất. Việc làm này sẽ giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về những nơi có sự sống khác trong vũ trụ”, ông Joseph Twicken, một chuyên gia tham gia vào chương trình Kepler tuyên bố.
Những quan sát ban đầu của ống kính thiên văn vũ trụ Kepler đòi hỏi sự chính xác cực cao và ống kính này đã thất bại chỉ vì vài giây sao nhãng vào tháng 5-2013. Tuy vậy, ống kính thiên văn vũ trụ Kepler vẫn chưa hoàn tất sứ mệnh quan sát bầu trời của mình. Một năm sau, NASA đã thông qua một sứ mệnh mới mang tên K2, trong đó, kính thiên văn này có nhiệm vụ nghiên cứu các vật thể và hiện tượng trong vũ trụ, bao gồm các vụ nổ của câc siêu tân tinh, các sao chổi, thiên thạch trong và ngoài hệ Mặt trời. Thậm chí, trước đó, ống kính thiên văn Kepler đã phát hiện ra những nơi có thể có người ngoài hành tinh sinh sống. NASA đã công bố việc phát hiện ra hành tinh gần giống Trái đất đầu tiên trong sứ mệnh K2 vào tháng 12-2014. Theo đó, hành tinh này được tìm ra vào năm 1992 và các nhà khoa học sau đó còn khám phá ra khoảng 2.000 hành tinh tương tự trong suốt 23 năm sau đó và ống kính thiên văn Kepler đã giúp tìm ra hơn một nửa trong số các hành tinh này.
Có lẽ vì cái tên có phần thiếu sáng tạo của mình mà Kepler 452b đã được mệnh danh là Trái Đất 2.0. Có điều, những người đang tìm kiếm một thế giới mới và hiện đại hơn có thể sẽ phải chờ đợi một thời gian rất dài.
Kepler 452b cách Trái Đất 1.400 năm ánh sáng, điều này có nghĩa là những người muốn tới Trái Đất 2.0 nếu bắt đầu đi từ thời điểm này trên con tàu vũ trụ có thể đạt tới vận tốc ánh sáng (dù con tàu này vẫn chưa được phát minh ra) thì phải đến năm 3.415 mới tới nơi. Mặc dù các nhà khoa học cho biết hành tinh này có thể có khoảng cách vừa đủ tới Mặt Trời để duy trì sự sống, song nó cũng cách Trái Đất của chúng ta tới 10.000 triệu triệu kilômét.
Theo số liệu tính toán của nhà thiên văn học Brendan Owens thuộc Đài thiên văn Hoàng gia Greenwich, tàu con thoi có tốc độ cao nhất đang hoạt động trong vũ trụ có thể di chuyển 38.000 dặm/giờ, và kể từ ngày khởi hành đến nay, tàu mới chỉ vừa mới rời khỏi hệ Mặt Trời. “Đó là tàu con thoi nhanh nhất chúng ta có. Nếu được đặt trong hành trình trực tiếp, tàu sẽ mất 24 triệu năm để tới đích,” Owens chia sẻ với IBTimes UK. “Điều này giúp chúng ta nhận thức được về quy mô rộng lớn của vũ trụ. Khoảng cách giữa các ngôi sao là rất lớn và đây thực ra là một ngôi sao rất xa”.
Nếu không phát minh được một loại tàu theo kiểu Star Trek với tốc độ di chuyển nhanh hơn vận tốc ánh sáng, thì chúng ta cần phải làm ra một tàu con thoi có kích thước cực kỳ lớn nhằm duy trì cuộc sống cho nhiều thế hệ người trên tàu để bắt đầu chuyến hành trình. Owens chia sẻ: “Nếu chúng ta có thể di chuyển giữa các vì sao trong tương lai, bạn sẽ hiểu được sự dịch chuyển thế hệ: bạn không phải là người tới đích, mà là những họ hàng xa, những đứa cháu hoặc chắt của bạn. Chúng ta sẽ cần có một con tàu cực kỳ lớn để có thể hỗ trợ cho sự sống của nhiều thế hệ con người trong không gian”.
(Nguồn: NASA) |
Chiến lược tối ưu nhất hiện nay đối với khoảng 1.000 hành tinh mà NASA đã tìm ra, với khoảng cách từ hành tinh tới Mặt Trời của chúng phù hợp cho việc duy trì sự sống chính là gửi đi một thông điệp, thay vì đáp tàu con thoi.
Nhà thiên văn học Brendan Owens cho biết rất nhiều thử nghiệm khác nhau đang được thực hiện nhằm tìm ra cách truyền tải thông điệp tới những thiên hà khác. Tuy nhiên, khoảng cách quá lớn vẫn là một rào cản khó vượt qua. Ngay cả khi Trái Đất có thể gửi đi một thông điệp với vận tốc ánh sáng tới Kepler 452b - hoặc nhiều khả năng Kepler 452b sẽ gửi thông điệp cho chúng ta, vì hành tinh này có tuổi đời lớn hơn, thì cũng phải 1.400 năm tới, thông điệp này mới được truyền tới nơi. “Chúng ta có thể nhận được một thông điệp có tuổi đời 1.400 năm từ họ, nhưng họ có thể đã rất khác biệt so với lúc mới gửi đi thông điệp,” Owens nói.
H.T (Tổng hợp từ TTXVN, VOV)
Ý kiến bạn đọc