Multimedia Đọc Báo in

"Bóng ma" khủng bố đẫm máu vẫn chưa buông tha nước Pháp

15:55, 16/11/2015

Sau nhiều sự kiện liên quan đến khủng bố quốc tế trong vài ngày qua, thủ đô của nước Pháp lại rung chuyển vì các cuộc tấn công đẫm máu.

Bất cứ kết luận vội vã nào về thảm kịch đang diễn ra ở Paris đều là quá sớm vào thời điểm này, khi mà các lực lượng an ninh mới giải cứu xong con tin ở một nhà hát giữa trung tâm Paris và đang thu thập các chứng cứ đầu tiên từ hiện trường các vụ tấn công bằng súng và bom. Tuy nhiên có một điều chắc chắn là, cuộc tấn công này được điều phối kỹ càng, liên quan tới 7 địa điểm ở Paris và bên ngoài sân vận động quốc gia cho tới phía bắc thủ đô Pháp. Một loạt vụ tấn công phối hợp như vậy chỉ có thể được thực hiện bởi một tổ chức có thời gian chuẩn bị, tích trữ súng và thuốc nổ, cũng như lên kế hoạch.

Sự lựa chọn các địa điểm như nhà hát Bataclan, sân vận động Stade de France và một số nhà hàng ở Paris làm địa điểm tấn công không phải là điều ngẫu nhiên mà là sự lựa chọn có chủ đích của các đối tượng khủng bố.

Một nạn nhân may mắn thoát chết. (Nguồn: Reuters)
Một nạn nhân may mắn thoát chết. (Nguồn: Reuters)

Sân vận động Stade de France rất nổi tiếng là biểu tượng của thể thao Pháp. Nhà hát Bataclan cũng là nhà hát nổi tiếng bậc nhất ở thủ đô Paris, có thể xem như một biểu tượng văn hóa và đêm 13-11 vé xem biểu diễn ở nhà hát này đã ở trong tình trạng "cháy vé", tức là nhóm khủng bố đã chọn đúng lúc lượng người ở nhà hát này đông nhất là 1.500 người để hành động. Trận cầu Pháp-Đức và buổi diễn ở Bataclan đã trở thành "hai nam châm" thu hút số lượng lớn khán giả và sự quan tâm của người dân Paris đêm 13-11 khi mà mọi sự chú ý đã bị tập trung mạnh về một số điểm và sự phân tán tập trung bắt đầu xảy ra vào tối thứ sáu, các tên khủng bố bắt đầu ra tay.

Việc tấn công vào tối thứ sáu và nhằm cả vào một số nhà hàng cũng nằm trong chuỗi lựa chọn của những kẻ thủ ác. Ở các nước Tây Âu, người dân và nhất là giới trẻ có xu hướng chọn tối thứ sáu là lúc để xả stress sau khi trải qua cả một tuần làm việc. Những nhà hàng, quán bar, quán bia thường đông kỷ lục vào tối thứ sáu (và tối thứ 7). Các vụ tấn công đêm 13/11 nhằm vào những biểu tượng thể thao và văn hóa đang thu hút rất đông người theo dõi, cũng như vào tối thứ 6 khi người dân có tâm lý xả hơi còn cơ quan công quyền như cảnh sát, an ninh có phần phân tán sự tập trung cho thấy mức độ theo dõi lịch các sự kiện ở Paris của các đối tượng khủng bố để lựa chọn thời gian và địa điểm tấn công là rất sát sao và có tính toán vô cùng kỹ lưỡng.

Cuối cùng, con số thứ sáu lại ngày 13 cũng có thể lại nằm trong lựa chọn của các đối tượng khủng bố bởi "thứ sáu ngày 13" được xem là những "ngày xấu" và việc chọn ngày này để ra tay sẽ càng làm hiệu ứng của những hành động chúng gây ra và phát tán tâm lý sợ hãi cho người dân.

Một câu hỏi khác cũng được đặt ra: Pháp coi việc sở hữu súng là bất hợp pháp, vậy số súng AK-47 được các tay súng sử dụng trong thảm kịch này đến từ đâu?

Câu trả lời là, số súng này có thể đến từ vùng Đông Âu, nơi hoạt động buôn bán các loại vũ khí sát thương cỡ nhỏ rất phổ biến và chính quyền địa phương rất khó can thiệp quản lý. Năm 2009, cảnh sát Pháp đã thu giữ hơn 1.500 loại vũ khí trái phép và con số này tăng lên 2.700 vào năm 2010. Số liệu của Cơ quan Giám sát Tội phạm Quốc gia Pháp cho thấy số phần trăm súng bất hợp pháp tại quốc gia này tăng mỗi năm không dưới hai con số.

Tuy nhiên các vụ thu giữ chỉ phản ánh một lượng rất nhỏ số vũ khí được sở hữu trái phép tại Pháp. Europol, cục thi hành pháp luật tại châu Âu nhận định: “Việc một khẩu Kalashnikov hay súng phóng rocket có thể được mua dễ dàng với giá từ 300-700 euro tại một số nơi ở châu Âu cho thấy các nhóm tội phạm có tổ chức, các băng nhóm đường phố hoàn toàn có thể lập ra những kế hoạch tấn công tinh vi với thương vong lớn”.

Cảnh sát Pháp có mặt tại hiện trường khủng bố ở Paris. Ảnh: AFP.
Cảnh sát Pháp có mặt tại hiện trường khủng bố ở Paris. Ảnh: AFP.

Nhiều loại vũ khí được tuồn vào châu Âu, trong đó có Pháp từ Nga qua vùng Balkan. Các nhà máy tại Nga đã sản xuất súng rồi bán chúng cho các nhóm vũ trang đang giao tranh với nhau ở Bosnia, Serbia và Kosovo. Khi những vụ xung đột này chấm dứt vào khoảng giữa đến cuối những năm 90, vẫn còn tới 6 triệu khẩu súng thuộc sở hữu của các nhóm vũ trang này. Súng nhanh chóng trở thành một mặt hàng xuất khẩu chủ lực của vùng Balkan, với Tây Âu là thị trường mục tiêu.

Ngày 6-3-2012, các nhà lập pháp tại Pháp đã thông qua một điều luật nhằm thắt chặt các quy định về quản lý súng, cũng như gia tăng hình phạt cho việc sở hữu súng trái phép. Chỉ 5 ngày sau đó, Mohammed Merah, một chiến binh thánh chiến người Pháp gốc Algeria đã thực hiện ba vụ xả súng quanh vùng Toulouse, làm 7 người thiệt mạng, trước khi bị một cảnh sát bắn hạ. Số vũ khí Merah khi đó mang theo bao gồm một khẩu AK-47, một khẩu Uzi, một khẩu Sten, một khẩu súng hoa cải và vài khẩu sủng ngắn - tất cả đều là sở hữu bất hợp pháp. Tháng 10-2014, cảnh sát Pháp đã lục soát nhiều nơi trên cả nước, triệt phá một đường dây buôn lậu súng trên Internet, bắt 48 nghi phạm và thu giữ hàng trăm khẩu sủng. Ba tháng sau đó, vào ngày 7-1-2015, những tay súng thánh chiến mang AK-47 đã ập vào tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo ở Paris, giết chết 12 người.

Các vụ tấn công đẫm máu vừa xảy ra giữa lòng Paris rõ ràng đã đặt ra vô số câu hỏi cho nước Pháp và các lực lượng an ninh toàn châu Âu. Người ta sẽ đặt ra những câu hỏi nghiêm túc cho tất cả các chính phủ Tây Âu, như là họ đã làm gì cho đến nay để đối phó với bóng ma khủng bố và họ còn phải làm gì tiếp nữa. Một vấn đề “tiến thoái lưỡng nan” khác là phải làm thế nào để có thể thắt chặt an ninh mà lại không cản trở các quyền tự do dân chủ thiết yếu (điều mà Tây Âu vẫn rất coi trọng).

H.T (Tổng hợp từ VOV, TTXVN)
 


Ý kiến bạn đọc