Multimedia Đọc Báo in

Đàm phán hòa bình Syria: Bất đồng lớn về tương lai Tổng thống Assad

17:04, 22/03/2016

Ngày 21-3, vòng đàm phán hòa bình Syria tại Geneva (Thụy Sĩ) bước sang tuần thứ hai, tuy nhiên chưa có nhiều tiến triển do lập trường của các bên vẫn khác biệt.

Tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad vẫn là chủ đề gây bất đồng lớn giữa các bên trong cuộc đàm phán hòa bình tại Geneva. Đại diện Chính phủ Syria đang phải chịu áp lực gia tăng khi các bên đề cập đến vai trò của Tổng thống Assad trong tiến trình chuyển tiếp dân chủ tại quốc gia Trung đông đầy bất ổn này.

Đặc phái viên của Liên hiệp quốc về Syria Staffan de Mistura nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của quá trình chuyển đổi chính trị của Syria khi mô tả đây “chìa khóa” để giải quyết mọi vấn đề của đất nước này. Chính vì thế, ông Mistura hối thúc các bên liên quan, đặc biệt là Mỹ và Nga phát huy hơn nữa vai trò trung gian và hậu thuẫn cho tiến trình hòa đàm này bằng cách khuyến khích các bên xung đột Syria ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp.

Theo ông Mistura, sau gần 7 ngày đàm phán, phe đối lập đã thể hiện được thiện chí khi đã đưa ra những ý tưởng cho quá trình chuyển tiếp. Tuy nhiên, Chính phủ Syria lại bị chỉ trích vì không có những sáng kiến rõ ràng cho kế hoạch chuyển tiếp chính trị mà chỉ tập chung vào những nguyên tắc suông. Và dường như đại diện chính quyền Damascus cố tình "lảng tránh" vấn đề về tương lai của ông Assad.

Có thể thấy, dù chưa có dấu hiệu của sự đổ vỡ song vòng đàm phán này vẫn đang bị bế tắc do liên quan đến tranh cãi về tương lai của Tổng thống Assad. Đây từng là nguyên nhân chính dẫn tới sự thất bại của những vòng đàm phán do Liên hiệp quốc chủ trì năm 2012 và 2014.

Đến nay, phe đối lập Syria do phương Tây hậu thuẫn vẫn cương quyết yêu cầu ông Assad phải rời khỏi quyền lực và không có vị trí trong tiến trình chuyển giao dân chủ. Tuy nhiên, chính phủ Syria, Nga, Iran lại cho rằng không có điều khoản nào như vậy trong các điều ước quốc tế của tiến trình hòa bình. Theo các nhà phân tích, kể cả sau khi Nga bất ngờ tuyên bố chấm dứt chiến dịch không kích ở Syria nhưng Tổng thống Assad vẫn đang ở thế có lợi và an toàn hơn bao giờ hết trong các cuộc đàm phán hiện nay.

Hình ảnh cuộc đàm phán về hòa bình của Syria tại Geneva. Ảnh Reuters
Hình ảnh cuộc đàm phán về hòa bình của Syria tại Geneva. Ảnh Reuters

Ủy ban đàm phán cấp cao (HNC) - đại diện cho liên minh gồm nhiều nhóm đối lập ở Syria, ngày 20-3 khẳng định phản đối bất kỳ kế hoạch nào của Chính phủ Syria trì hoãn vòng hòa đàm tiếp theo cho tới sau cuộc bầu cử Quốc hội dự kiến diễn ra vào ngày 13-4 tới. HNC cũng kêu gọi Nga hối thúc chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad tiến hành các cuộc đàm phán nghiêm túc về tiến trình chuyển giao chính trị tại Syria.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva, đại diện HNC Yahya Qadamani nói rằng họ nhận được thông tin chính quyền Damacus mới đây đã đề nghị hoãn tổ chức vòng hòa đàm tiếp theo, dự kiến diễn ra sau 2 tuần nữa. HNC tuyên bố không chấp nhận kế hoạch trì hoãn như vậy và vòng hòa đàm tiếp theo sẽ phải diễn ra đúng thời gian đã được ấn định là vào ngày 4-4.

Đại diện HNC cũng bày tỏ hy vọng Nga sẽ sử dụng uy tín đối với chính quyền của Tổng thống Assad để hối thúc Damascus tham gia các cuộc đàm phán nghiêm túc về tiến trình chuyển giao chính trị có liên quan tới tương lai của ông al-Assad.

Tuần trước, phái đoàn Chính phủ Syria và phe đối lập đã có các cuộc gặp riêng rẽ với Đặc phái viên Liên hiệp quốc về Syria Staffan de Mistura. Theo thông báo của ông Staffan de Mistura, vòng hòa đàm đang diễn ra tại Geneva từ ngày 14-3 dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 24-3 và sẽ được nối lại vào đầu tháng Tư.

Tại vòng đàm phán hòa bình Syria đang diễn ra ở Geneva, bên cạnh rào cản lớn nhất liên quan tới tương lai của Tổng thống al-Assad do HNC liên tục yêu cầu ông này phải rút lui trước khi đi đến thỏa thuận thành lập chính phủ chuyển tiếp, các bên còn phải đối mặt với những thách thức mới khi cộng đồng người Kurd ở Syria tuyên bố liên kết thành lập “hệ thống liên bang” tại nhiều tỉnh của Syria.

Đây thực sự là một thách thức mới khiến hy vọng xây dựng một chính phủ thống nhất và tìm kiếm giải pháp hòa bình tại Syria trở nên mong manh bởi người Kurd hiện kiểm soát hơn 10% lãnh thổ Syria và 3/4 biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuộc nội chiến Syria sắp bước vào năm thứ 6 đã cướp đi sinh mạng của hơn 250.000 người và gây ra một cuộc khủng hoảng tị nạn tồi tệ nhất trong lịch sử ở khu vực Trung Đông.

Hà Như (Tổng hợp từ VOV, Vietnam+)

 


Ý kiến bạn đọc