Multimedia Đọc Báo in

Nhiều nước phản đối đề nghị cải cách chính sách tị nạn của EC

20:24, 10/04/2016
Những đề xuất cải cách mới của Ủy ban châu Âu EC đối với quy chế xin tị nạn Dublin nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư hiện nay đang vấp phải sự phản đối gay gắt của các nước Trung và Đông Âu.
 
Ngày 8-4 Thủ tướng Ba Lan Beata Szydło khẳng định nhóm bốn nước Trung-Đông Âu (Visegrad) bao gồm Cộng hòa Séc, Hungary, Slovakia và Ba Lan sẽ không đồng ý với bất cứ một sự thay đổi nào liên quan tới quy định hiện nay của Ủy ban châu Âu EC về phân bổ người tị nạn. 
 
Cuộc khủng hoảng người tị nạn vẫn là bài toán khó với châu Âu. (Ảnh: The Times)
Cuộc khủng hoảng người tị nạn vẫn là bài toán khó với châu Âu. (Ảnh: The Times)
 
Phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Cộng hòa Séc Bohuslap Sobotka tại thủ đô Warsaw, Thủ tướng Szydło nói rằng lập trường trước sau như một của nhóm Visegrad là phản đối cơ chế phân bổ hạn ngạch người di cư vĩnh viễn của Ủy ban châu Âu cho các nước thành viên. Bà Szydło cùng chung quan điểm với Thủ tướng Cộng hòa Séc cho rằng tình hình cuộc khủng hoảng người di cư vào châu Âu có cải thiện trong thời gian gần đây, nhưng điều quan trọng vẫn phải giải quyết nguyên nhân gốc rễ của làn sóng di cư này. Theo bà Szydło, ưu tiên hiện nay vẫn là bảo vệ biên giới ngoại biên của EU, thực hiện đầy đủ thỏa thuận đạt được gần đây giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời hỗ trợ các nước Tây Balkan đang đối mặt với sức ép của làn sóng người di cư.    
 
Còn Thủ tướng Cộng hòa Séc Sobotka nhấn mạnh, Ủy ban châu Âu không nên thực hiện chính sách phân bổ người tị nạn vĩnh viễn dựa trên cơ chế cấp hạn ngạch cho các nước thành viên, và cho rằng những đề xuất mới của Ủy ban châu Âu đang làm giảm ưu thế quyền lực của các nước thành viên.   
 
Cộng hòa Séc, nước hiện đang là chủ tịch của nhóm Visegrad, là nước đầu tiên phản đối đề xuất này. Sau Ba Lan, Thủ tướng Cộng hòa Séc Sobotka dự kiến sẽ có chuyến công du tới Slovakia và Hungary vào tuần tới nhằm tìm kiếm sự hậu thuẫn của hai nước này đối với quan điểm nhóm Visegrad phản đối đề xuất cải cách mới của Ủy ban châu Âu.
 
Trước đó, vào ngày 6-4, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Frans Timmermans và Ủy viên phụ trách di cư của Liên minh châu Âu (EU) Dimitris Avramopoulos đã công bố gói đề xuất mới của EC về việc cải cách hệ thống tiếp nhận người tị nạn của EU.
 
Theo đề xuất mới, EC đưa ra hai phương án cải cách, trong đó phương án một là tạo ra một cơ chế công bằng, theo đó có thể tái bố trí những người tị nạn đã đến các quốc gia nằm ở tuyến đầu tới một khu vực nào đó trong EU. Phương án hai có thể tạo ra một hệ thống mới, theo đó những người xin tị nạn sẽ được phân chia về các nước EU theo một tỷ lệ và tiêu chuẩn nhất định.
 
Phó Chủ tịch EC Frans Timmermans cho rằng hệ thống tiếp nhận người tị nạn theo quy tắc Dublin, được áp dụng từ trước đến nay trong EU, trong đó quy định những quốc gia đầu tiên người tị nạn đặt chân đến phải có trách nhiệm tiếp nhận, đã trở nên lỗi thời và bộc lộ nhiều bất cập khi đương đầu với cuộc khủng hoảng người di cư trong thời gian qua. Italy và Hy Lạp là hai nước chịu sức ép quá tải do dòng người di cư luôn đổ đến hai nước này đầu tiên. Chính sự bất hợp lý của hệ thống Dublin đã tạo ra nhiều mâu thuẫn lớn trong nội bộ EU thời gian qua. Vì vậy, EU cần một hệ thống bền vững trong tương lai dựa trên những nguyên tắc chung, phân bổ người tị nạn có hiệu quả hơn và nâng cao trách nhiệm hơn nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng di cư được coi là lớn nhất kể từ Đại chiến thế giới lần thứ hai. 
 
Trong một diễn biến liên quan, vào ngày 8-4, Liên minh châu Âu (EU) cho rằng việc tài trợ phát triển bền vững cho các quốc gia láng giềng của Syria và hỗ trợ quản trị hành chính khu vực là những biện pháp then chốt để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư hiện nay.
 
Trong một báo cáo được thông qua ngày 8-4, các chính trị gia của Nghị viện châu Âu (EP) kêu gọi EU giúp đỡ nâng cao điều kiện sống của những người tị nạn tại Trung Đông và các vùng có xung đột khác. Việc hỗ trợ tài chính dài hạn kết hợp với viện trợ khẩn cấp là những biện pháp quan trọng để làm giảm làn sóng người tị nạn tới châu Âu.
 
Tác giả bản báo cáo trên đồng thời là thành viên của EP, ông Hans Janssen cho rằng EU đã cung cấp nhiều tiền để giúp người tị nạn trong khu vực Trung Đông, tuy nhiên EU cần quan tâm hơn tới chất lượng các dịch vụ bảo đảm đời sống cho những đối tượng này. Ông cho biết cuộc chiến Syria đã đẩy hàng triệu người phải chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Liban, nơi những người tị nạn chiếm khoảng 1/4 dân số nước sở tại.
 
Hồng Hải (Theo VOV, Vietnam+)
 

Ý kiến bạn đọc