Multimedia Đọc Báo in

Ukraine tưởng niệm 30 năm thảm họa hạt nhân Chernobyl

09:07, 27/04/2016

Ngày 26-4, Ukraine đã tổ chức lễ tưởng niệm 30 năm xảy ra thảm họa Chernobyl, thảm họa hạt nhân nghiêm trọng nhất trong lịch sử.

Cách đây đúng 30 năm, vào lúc 1 giờ 30 sáng (theo giờ địa phương) ngày 26-4-1986, lò phản ứng số 4 của nhà máy điện nguyên tử Chernobyl ở Pripyat, cách Kiev khoảng 100km về phía Bắc, bỗng nhiên phát nổ trong quá trình thử nghiệm an toàn.

Trong suốt 10 ngày, các thanh nhiên liệu hạt nhân vẫn tiếp tục cháy, thải ra không khí các phần tử chứa phóng xạ. Theo các chuyên gia, những thành phần phóng xạ này gây ô nhiễm tới 3/4 lãnh thổ châu Âu, nghiêm trọng nhất là tại Ukraine, Belarus và Nga, lúc đó vẫn nằm trong Liên bang Xô Viết. Tổng cộng 116.000 người đã được sơ tán vào năm 1986 trong phạm vi 30km xung quanh khu vực nhà máy điện nguyên tử.

Xây dựng nhà mái vòm ngăn chặn mới tại khu vực Nhà máy Hạt nhân Chernobyl. (Nguồn: Sputnik)
Xây dựng nhà mái vòm ngăn chặn mới tại khu vực Nhà máy Hạt nhân Chernobyl. (Nguồn: Sputnik)

Trong những năm tiếp theo, 230.000 người khác cũng được sơ tán. Hiện vẫn có khoảng 5 triệu người Ukraine, Belarus và Nga sống trong những vùng bị nhiễm xạ với các mức độ khác nhau. Trong vòng 4 năm, khoảng 600.000 “người dọn dẹp”, chủ yếu là binh lính quân đội, cảnh sát, nhân viên cứu hỏa và nhân viên của nhà máy, đã được huy động tới những khu vực bị thảm họa với trang bị bảo hộ thô sơ để dập tắt hỏa hoạn, tiếp theo là xây một vỏ bọc lớn bằng bê tông để cách ly lò phản ứng bị tai nạn và dọn dẹp những khu vực xung quanh.

Theo số liệu của Liên hiệp quốc công bố vào năm 2005, có khoảng 4.000 trường hợp tử vong được xác nhận tại ba nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của thảm họa Chernobyl. Tuy nhiên, tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) sau này đã thẩm định lại số người chết do thảm họa lên tới gần 100.000 người.

Sau tai nạn, nhà máy điện nguyên tử Chernobyl tiếp tục sản xuất điện cho đến năm 2000, khi lò phản ứng còn hoạt động cuối cùng bị buộc ngừng hoạt động do sức ép của cộng đồng quốc tế.

Sau 30 năm, hậu họa từ sự cố hạt nhân Chernobyl vẫn rất khủng khiếp - phải mất từ 3.000-20.000 năm nữa mới khắc phục được hoàn toàn. Báo cáo năm 2016 của Tổ chức Hòa bình Xanh nêu rõ: “Thảm họa hạt nhân Chernobyl gây hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường kéo dài đến hàng nghìn năm. Chưa bao giờ lịch sử nhân loại lại chứng kiến số lượng lớn đồng vị phóng xạ phát tán ra môi trường lâu dài như vậy chỉ trong một thảm họa duy nhất”.

Dù 3 thập kỷ đã trôi qua kể từ sau thảm họa hạt nhân Chernobyl, thị trấn Pripyat giờ không có người sinh sống và cũng không thể có người sinh sống trở lại trong một thời gian dài.  Các nhà khoa học ước tính, thị trấn nằm ngay gần nhà máy điện hạt nhân Chernobyl này sẽ vẫn trong cảnh không người sinh sống trong ít nhất 3.000 năm bởi mức độ nhiễm xạ cực cao tại đây. Đây cũng là bằng chứng cho thấy nguy cơ lâu dài của năng lượng hạt nhân.

“Bất chấp việc nhiều người lên tiếng rằng, năng lượng hạt nhân là an toàn, lịch sử về năng lượng hạt nhân đã trải qua một số thảm họa và cận thảm họa nghiêm trọng”, Tổ chức Bác sĩ vì Trách nhiệm Xã hội của Mỹ nhận định. “Thảm họa Chernobyl năm 1986 ở Ukraine là một trong những ví dụ kinh hoàng nhất về hậu quả tàn khốc của một vụ tai nạn hạt nhân. Ít nhất 220.000 người đã bị mất nhà cửa và chất phóng xạ trong vụ nổ hạt nhân Chernobyl khiến 4.440km2 diện tích đất nông nghiệp và 6.820km2 rừng tại Belarus và Ukraine không thể sử dụng được nữa”, vẫn theo tổ chức này.

Ông Sergiy Parashyn một kỹ sư làm việc tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl từ năm 1977 cho đến khi xảy ra thảm họa kinh hoàng năm 1986 chia sẻ: “Chúng tôi cho rằng, mình biết chắc, thậm chí rất chắc về khả năng kiểm soát nguồn năng lượng hạt nhân tại nhà máy Chernobyl. Chúng tôi tin rằng, mình có thể buộc thiên nhiên phải cúi mình trước ý chí của chúng tôi. Không có gì chúng tôi không thể làm được. Cho đến ngày hôm ấy (ngày 26-4-1986) chúng tôi mới biết mình quá sai lầm”.

Các khu vực an toàn được giới hạn bên ngoài Khu 4 của nhà máy Chernobyl. (Nguồn: Sputnik)
Các khu vực an toàn được giới hạn bên ngoài Khu 4 của nhà máy Chernobyl. (Nguồn: Sputnik)

Các chuyên gia hạt nhân đang làm nhiệm vụ dọn dẹp hiện trường ước tính, sớm nhất phải 3.000 năm nữa con người mới có thể quay lại đây sinh sống. Khi được hỏi bao giờ thì khu vực quanh lò phản ứng hạt nhân mới có thể có người sinh sống trở lại, Giám đốc nhà máy điện hạt nhân Chernobyl Ihor Gramotkin trả lời: “Ít nhất phải 20.000 năm”.

Theo Sputnik, Tướng Không quân Nga Nikolai Antoshkin, Anh hùng Liên Xô từng tham gia xử lý tai nạn Chernobyl, cho biết những người trước đây từng tham gia xử lý hậu quả nhà máy điện hạt nhân Chernobyl lo ngại rằng trong điều kiện khủng hoảng chính trị và kinh tế ở Ukraine, có thể xảy ra những sự cố mới tại cơ sở hạt nhân này.

Ông Antoshkin lý giải: "Tại đó chưa hoàn tất công việc làm hố để chôn phóng xạ, thậm chí họ còn muốn đưa chất thải hạt nhân từ khắp châu Âu đến đó. Họ muốn thay nhiên liệu hạt nhân tại các lò phản ứng. Nhưng ở Ukraine bây giờ, chính phủ không kiểm soát được, khủng bố khắp nơi...". Theo ông Antoshkin, một quốc gia hùng mạnh như Liên Xô trước đây đã có thể tổ chức bảo vệ các đối tượng đặc biệt nguy hiểm như vậy, nhưng tình hình Ukraine bây giờ đáng quan ngại hơn nhiều. Ông nói: "Nhà nước suy yếu Ukraine bây giờ có thể thực hiện được điều đó hay không? Bất kỳ hành động khiêu khích nào trong vùng lân cận cơ sở hạt nhân đều gây hậu quả khôn lường. Nếu xảy ra điều gì, sau đó tất cả mọi nơi trên thế giới phải hứng chịu".

Dương Hà (Theo VOV, TTXVN)
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.