Multimedia Đọc Báo in

Anh lâm vào rối loạn chính trị sau Brexit

11:07, 29/06/2016

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Anh đang có dấu hiệu trầm trọng hơn khi lãnh đạo Công đảng đối lập Anh đang phải đối mặt với áp lực rời bỏ vị trí này.

Những diễn biến trên (sau khi các cử tri quyết định Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) diễn ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đang nỗ lực thúc ép Anh đẩy nhanh thủ tục “chia tay”.

Nước Anh hiện nay đang rối bời vì Brexit. (ảnh: Getty).
Nước Anh hiện nay đang rối bời vì Brexit. (ảnh: Getty).

Hai ngày sau khi Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố từ chức do phe ủng hộ Anh ở lại Liên minh châu Âu không giành chiến thắng trong cuộc trưng cầu ý dân hôm 23-6 vừa qua, vào hôm 26-6, lãnh đạo Công đảng đối lập Anh Jeremy Corbyn – người phản đối Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu) cũng đang phải đối mặt với áp lực phải rời bỏ vị trí này. Tuy nhiên, ông Corbyn khẳng định sẽ không từ chức, bất chấp tới nay đã có 11 thành viên Công đảng tuyên bố phản đối ông. Lãnh đạo Công đảng Corbyn được cho là đã thất bại trong việc thuyết phục người dân Anh ở lại Liên minh châu Âu khi có tới 1/3 cử tri của Công đảng bỏ phiếu ủng hộ Brexit. Một số thành viên nói rằng họ nghi ngờ ông Corbyn có khả năng dẫn dắt Công đảng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới. Tuy nhiên, ông Corbyn cũng nhấn mạnh sẽ không phụ sự tin tưởng của các thành viên Công đảng khi bầu chọn ông, đồng thời cam kết sẽ bắt tay vào việc tái thiết đảng này kể từ ngày 27-6: “Chính sách của chúng tôi về thương mại, kinh tế và di cư sẽ có thay đổi sau cuộc trưng cầu ý dân. Công đảng sẽ chiến đấu để đảm bảo những chương trình của chúng tôi nằm trong trung tâm các cuộc đàm phán về việc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu, trong đó bao gồm vấn đề duy trì sự ổn định xã hội, việc làm”.

Cũng trong ngày 26-6, các cường quốc thuộc Liên minh châu Âu kêu gọi nhanh chóng tiến hành đàm phán về thủ tục Brexit do lo ngại “hiệu ứng domino” đòi rời khỏi liên minh này đối với các nước thành viên có tư tưởng hoài nghi châu Âu có thể đe dọa tới tính thống nhất của Liên minh châu Âu. Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz cảnh báo, việc Liên minh châu Âu rơi vào một giai đoạn “lấp lửng” thậm chí còn có thể dẫn tới tình trạng bất ổn an ninh lớn hơn và đe dọa tới thị trường lao động. Theo ông Schulz, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu ngày 28-6, trong đó có sự tham dự của cả Thủ tướng Cameron, sẽ là thời điểm thích hợp để bắt đầu tiến trình đàm phán về vấn đề Brexit. Tuy nhiên, Thủ tướng Anh cho rằng các cuộc đàm phán về quyết định ra đi của nước này chỉ nên được tiến hành sau khi người kế nhiệm mới của ông được bầu ra, dự kiến vào khoảng tháng 10 tới.

Thủ tướng Anh David Cameron cũng đã bác bỏ khả năng tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai về tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU) của nước này.

Trong bối cảnh kiến nghị thư trực tuyến kêu gọi tiến hành lại cuộc trưng cầu ý dân giành được hơn 3 triệu chữ ký ủng hộ cùng những đồn đoán rằng chính phủ có thể tổ chức cuộc trưng cầu ý dân lần nữa sau khi nhất trí được về các điều khoản quan hệ mới với EU, người phát ngôn của Thủ tướng Anh nêu rõ đây không phải là một lựa chọn được tính đến.

Trưa 27-6, Thủ tướng Cameron đã chủ trì cuộc họp nội các đầu tiên kể từ sau cuộc trưng cầu ý dân cho kết quả đa số người dân Anh chọn rời khỏi EU hôm 23-6 vừa qua. Các bộ trưởng đã nhất trí về việc thành lập một cơ quan dân sự mới trực thuộc chính phủ để hoạch định các lựa chọn trong các cuộc tái thương lượng của Anh với EU. Tuy nhiên, các cuộc thương lượng chính thức sẽ không bắt đầu cho tới khi Anh kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon - đánh dấu tiến trình kéo dài 2 năm về các thủ tục rút khỏi EU.

Anh và châu Âu giờ là 2 mảnh ghép rời nhau. (ảnh: KT).
Anh và châu Âu giờ là 2 mảnh ghép rời nhau. (ảnh: KT).

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Anh David Cameron đã kêu gọi Quốc hội nước này không ngăn cản ý nguyện rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) của người dân. Trong bài phát biểu tại Hạ viện, ông Cameron nói: "Mặc dù rời khỏi EU không phải là con đường tôi đề xuất nhưng tôi là người đầu tiên ca ngợi sức mạnh đáng tin cậy của đất nước chúng ta. Khi chúng ta xúc tiến việc thực hiện quyết định này và đối mặt với những thách thức mà nó mang đến, tôi tin rằng chúng ta nên nhận thức rõ tầm nhìn về một nước Anh muốn được tôn trọng ở nước ngoài, có lòng khoan dung ở trong nước và được kết nối trong thế giới".

Trong khi đó, các chuyên gia Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs của Mỹ cảnh báo, việc Anh quyết định rời Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Brexit), nhiều khả năng sẽ không chỉ đẩy nước này rơi vào suy thoái trong năm 2016 mà còn cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Hai chuyên gia kinh tế hàng đầu Jan Hatzius và Sven Jari Stehn thuộc Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs nêu rõ nền kinh tế Anh "sẽ bắt đầu rơi vào suy thoái nhẹ trước đầu năm 2017". Ngoài ra, kết quả của cuộc trưng cầu ý dân ngày 23-6 vừa qua sẽ khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh trong 18 tháng tới giảm 2,75%, và sẽ có tác động dây chuyền đối với nền kinh tế Mỹ và châu Âu.

Các chuyên gia Goldman Sachs cũng nhấn mạnh 3 nguy cơ chủ yếu đối với nền kinh tế Anh trong thời kỳ hậu Brexit, đó là: các quy định thương mại sẽ không còn giá trị, các công ty cắt giảm vốn đầu tư do tình hình bất ổn kinh tế hậu Brexit và các điều kiện tài chính sẽ phải thắt chặt do sự biến động thất thường của tỷ giá hối đoái cũng như sự rủi ro khi đầu tư vào chứng khoán và trái phiếu.

Hồng Hải (Theo VOV, TTXVN)
 


Ý kiến bạn đọc