Tranh chấp Biển Đông "nóng" đến phút cuối cùng ở Đối thoại Sangri-La
Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 tại Singapore đã bế mạc ngày 5-6 với phiên toàn thể cuối cùng mang chủ đề “Theo đuổi mục tiêu an ninh chung”. Đến những phút cuối của Đối thoại Sangri-La vấn đề tranh chấp Biển Đông vẫn rất nóng bỏng khi đại diện các nước đưa ra quan điểm rất khác nhau.
Đối thoại Shangri-La là diễn đàn an ninh quan trọng hàng đầu của khu vực, quy tụ hơn 20 Bộ trưởng quốc phòng, các quan chức cũng như đông đảo giới học giả trên thế giới.
Trước đó, phiên thảo luận về chủ đề “Những thách thức trong giải quyết xung đột” đã thu hút sự chú ý đặc biệt của báo giới với cuộc thảo luận sôi nổi của giữa các diễn giả là Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean Yves Le Drian, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và Phó Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc - Đô đốc Tôn Kiến Quốc với các học giả khu vực và thế giới.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh (thứ hai, trái) sau cuộc gặp các quan chức Trung Quốc bên lề Đối thoại Shangri-La lần thứ 15. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Trong bài phát biểu của mình tại Đối thoại Shangri La lần này, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đánh giá tình hình an ninh khu vực vẫn tiềm ẩn những nhân tố phức tạp, không thể xem thường, dù chưa đến mức bùng phát xung đột, nhưng đã xuất hiện nhiều dấu hiệu tiềm tàng cần được dự báo, ngăn chặn và hóa giải kịp thời. Theo Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên nhân của những nguy cơ này là do những khác biệt về lợi ích, những tham vọng, cạnh tranh chiến lược diễn biến theo chiều hướng tiêu cực, bất chấp luật pháp quốc tế. Đó là sự không nhất quán trong lời nói và việc làm; sự khác biệt và bất bình đẳng trong cách thức giải quyết tranh chấp. Hơn nữa đó còn là cách hành xử áp đặt; sự theo đuổi lợi ích vị kỷ, hẹp hòi, không tính đến lợi ích của nước khác, lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế. Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh, tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ đều không muốn xung đột xảy ra, nhưng thách thức đối với an ninh khu vực vẫn đang tồn tại là vì vẫn còn sự khác biệt trong nhận thức chung về lợi ích, sự thiếu lòng tin chiến lược giữa các quốc gia, sự không tuân thủ luật pháp quốc tế…
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cũng lên tiếng kêu gọi, tất cả các quốc gia cần phải “Hợp tác và đấu tranh để giải quyết bất đồng, ngăn ngừa xung đột”, tăng cường hợp tác cùng phát triển, xây dựng lòng tin, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau. Đồng thời, thẳng thắn đấu tranh để tìm ra tiếng nói chung, lợi ích chung trong giải quyết tranh chấp, bất đồng. Sự hợp tác hay đấu tranh này trước hết phải trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, coi đó là chuẩn mực để các bên liên quan giải quyết các tranh chấp, bất đồng, giảm thiểu nguy cơ xung đột; kiên trì, bình tĩnh xử lý bằng các biện pháp hòa bình, tuyệt đối không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực. Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh chỉ ra rằng, mỗi quốc gia đều bảo vệ lợi ích của dân tộc nhưng điều đó cần được nhìn nhận một cách khách quan, phù hợp, có cơ sở vững chắc và được đặt trong mối quan hệ hài hòa với lợi ích của các quốc gia khác và của cộng đồng quốc tế, tránh đơn phương áp đặt, không tôn trọng lợi ích của các quốc gia khác cũng như hòa bình, ổn định khu vực và trên toàn thế giới. Từ đó, Thứ trưởng kêu gọi tăng cường hợp tác trong các tổ chức đa phương như các cơ chế hợp tác Liên hợp quốc, những cấu trúc an ninh khu vực như ARF, EAS, ADMM, ADMM+… để giải quyết tranh chấp, bất đồng, đẩy lùi nguy cơ xung đột.
Về vấn đề Biển Đông, hiện nay Việt Nam và một số nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền còn tồn tại những tranh chấp và khác biệt với Trung Quốc. Vấn đề không chỉ dừng lại ở đó mà kéo theo nó là những hành động đơn phương áp đặt, làm thay đổi hiện trạng và đang có nguy cơ quân sự hóa nhằm tạo ra sức mạnh răn đe. Điều này làm ảnh hưởng xấu đến an ninh an toàn trên không, trên biển và dưới đáy biển, hủy hoại môi trường, cản trở các hoạt động lao động hòa bình trên biển… kéo theo sự can dự của các quốc gia trong và ngoài khu vực. Nếu không được giải quyết kịp thời sẽ dẫn đến chạy đua vũ trang, đối đầu chiến lược với những hậu quả hết sức nghiêm trọng và khó lường. “Việt Nam chủ trương kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ an ninh, an toàn hàng hải, hàng không bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Trong khi đó vẫn phải tăng cường hợp tác với Trung Quốc và các nước có liên quan nhằm xây dựng và củng cố lòng tin, tìm ra những điểm chung trong lợi ích chiến lược, đồng thời thẳng thắn đấu tranh trên tinh thần xây dựng. Chỉ có như vậy mới có thể cùng tìm ra những giải pháp mà các bên liên quan chấp nhận, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế và cũng sẽ được cộng đồng quốc tế đón nhận như một đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định tại khu vực và thế giới”, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh kết luận.
Trong khi đó, Trưởng đoàn Trung Quốc, Đô đốc Tôn Kiến Quốc cho biết, nước này cũng đang tìm kiếm sự hiểu biết và nhượng bộ lẫn nhau trong tranh chấp với các nước, bao gồm tranh chấp trên Biển Đông. Ông Tôn Kiến Quốc nhấn mạnh: “Trong giải quyết điểm nóng tại khu vực, các bên phải hết sức bình tĩnh, gìn giữ hòa bình, hòa hợp, lòng tin, giải quyết khủng hoản bằng biện pháp chính trị”.
Tuy nhiên, đại diện của Trung Quốc cho rằng tình hình Biển Đông tương đối ổn định những năm qua và chỉ nóng lên khi Mỹ can dự sâu vào khu vực này. Ông Tôn Kiến Quốc kêu gọi các nước bên ngoài phải đóng vai trò xây dựng thay vì khiến tình hình an ninh khu vực phức tạp hơn. Ông Tôn Kiến Quốc cũng cho rằng vấn đề hiện nay ở Biển Đông là tranh chấp lãnh thổ nên nằm ngoài phạm vi của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), vì thế Tòa Trọng tài thường trực không thể phân xử trong vụ Philippines kiện Trung Quốc. Theo ông Tôn Kiến Quốc, một số quốc gia lợi dụng luật pháp quốc tế khi có lợi cho họ và phớt lờ khi điều đó không có lợi.
Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean Yves Le Drian khẳng định hiệu lực mạnh mẽ của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, một văn bản mà theo ông là được áp dụng ở tất cả các nới trên thế giới. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp nhấn mạnh rằng, điều quan trọng nhất trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông là cần phải xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Ông Le Drian bày tỏ hy vọng các bên có liên quan thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) trong thời gian tới và thúc đẩy mạnh mẽ đàm phán COC đạt tiến bộ thực chất.
Trước đó, vào chiều 4-6, phát biểu tại phiên họp đặc biệt về "Kiểm soát căng thẳng trên Biển Đông", Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam Bùi Văn Nam nhấn mạnh Việt Nam đã thể hiện phương pháp và cách xử lý những vấn đề phức tạp ở Biển Đông rất rõ ràng đồng thời đề nghị các nước có liên quan đến khu vực Biển Đông, bao gồm các nước trong khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nước trên thế giới tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt tôn trọng Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, tôn trọng Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký các nước ASEAN và tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC) một cách cụ thể và thiết thực.
Hình ảnh vệ tinh về việc Trung Quốc cải tạo phi pháp bãi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành đảo nhân tạo. Ảnh AP |
Thứ trưởng Bùi Văn Nam cũng khẳng định Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý và lịch sử, có sự đồng thuận của các nước về những về những vấn đề liên quan đến biển và lãnh thổ. Các hành động đơn phương đang làm thay đổi nguyên trạng tình hình ở Biển Đông, trái với DOC cũng như luật pháp quốc tế, làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Nam, Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ các nỗ lực hành động tích cực hợp pháp của tất cả các nước, góp phần duy trì hòa bình, an ninh khu vực đảm bảo tự do đi lại trên biển, an toàn hàng hải, an ninh khu vực, an toàn hàng không, an toàn không gian mạng trên không, an toàn dưới mặt nước biển và an toàn môi trường biển. Trên cơ sở đó, Việt Nam cam kết tham gia tích cực cùng các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế nhằm tăng cường bảo đảm an ninh khu vực thông qua các diễn đàn khu vực và quốc tế như EAS, ADMM, ADMM+, ARF; tiếp tục phát huy sự đồng thuận có tính trung tâm của ASEAN trong vấn đề Biển Đông.
Thứ trưởng Bùi Văn Nam cũng đề nghị các bên cần tích cực tìm kiếm các công cụ giúp hạn chế nguy cơ và va chạm trên biển như thiết lập các đường dây nóng, thống nhất các quy tắc ứng xử trong tình huống đột xuất, bất ngờ, đáng lưu ý gần đây là ý tưởng đề xuất cơ chế phối hợp tuần tra chung giữa các lực lượng hải quân, chấp pháp của các nước ASEAN. Việt Nam nhấn mạnh việc tuân thủ các quy tắc nhằm tránh xảy ra va chạm vũ trang trên biển, trên vùng trời ngoài biển, ở tầng dưới mặt nước biển, lòng biển, môi trường biển, hoạt động của tàu ngầm quân sự; coi trọng hơn nữa các cơ chế hình thức hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển nhất là hoạt động nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường biển, ứng phó với thảm họa, thiên tai, hợp tác cứu hộ, cứu nạn trên biển, phối hợp phòng chống các loại tội phạm trên biển đang nổi lên ở khu vực... Việt Nam ủng hộ việc trao đổi, chia sẻ thông tin tích cực, chủ động mạnh mẽ trong nội bộ các nước ASEAN, với các đối tác và các bên có liên quan, với các nước như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ … nhằm duy trì hòa bình, an ninh tại Đông Nam Á cũng như khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trước ý kiến của một số học giả Trung Quốc tại diễn đàn về việc tranh chấp trên Biển Đông là vấn đề lãnh thổ, không liên quan đến an ninh hàng hải cũng như việc giải quyết các tranh chấp cần theo cơ chế song phương, Thứ trưởng Bùi Văn Nam cho biết Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý và lịch sử cũng như sự đồng thuận của các nước về những vấn đề liên quan đến vấn đề biển, lãnh thổ.
Hồng Hải (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc