Đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ: "Đến hẹn lại lên"
Sau cuộc đảo chính bất thành đêm 15-7 vừa qua, dư luận mới vỡ lẽ rằng trong nửa thế kỷ trở lại đây tại Thổ Nhĩ Kỳ đã có ít nhất 5 cuộc đảo chính quân sự xảy ra.
Cuộc đảo chính diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ đêm 15-7 vừa qua là cú sốc đối với người dân Thổ Nhĩ Kỳ nói chung và hai thành phố Istanbul, Ankara nói riêng khi binh lính từ đâu tràn ra, chặn 2 cây cầu vắt qua eo biển Bosphorus nối liền hai châu lục thế giới. Cuộc đảo chính bất thành này làm cho Chính phủ Tổng thống Erdogan "không bại mà cũng chẳng hại", nhưng đến ngày 17-7 đã có ít nhất 265 người chết, 1.440 người bị thương. Số người tham gia đảo chính bị bắt đã lên đến 2.839 người, buộc Hội đồng Hòa bình Quốc gia phải tuyên bố áp dụng thiết quân luật cho tới khi có thông báo mới. Ngay sau khi cuộc đảo chính tạm ngưng, người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã tràn ra các đường phố để tuần hành ủng hộ Tổng thống Tayyip Recep Erdogan sau khi ông kêu gọi người dân bình tĩnh "không manh động" nhằm đẩy lùi các cuộc đảo chính.
Tuy nhiên, sau khi cuộc đảo chính xảy ra, người ta thống kê lại mới thấy đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ không phải là “chuyện hiếm”; ngoài cuộc đảo chính nói trên, từ năm 1960 đến nay tại nước này đã xảy ra 4 cuộc đảo chính nữa.
Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường an ninh sau cuộc đảo chính bất thành. (Nguồn: Sputnik) |
-Ngày 27-5-1960, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành cuộc đảo chính vào đúng lúc mối quan hệ giữa Chính phủ với phe đối lập tăng cao, đặc biệt là sau khi xuất hiện một số nới lỏng về tôn giáo và siết chặt kiểm soát báo chí. Đây là cuộc đảo chính đầu tiên ở Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào đảng cầm quyền của Thủ tướng Adnan Mendere. Chính phủ bị chỉ trích vì thả lỏng các hoạt động tôn giáo, xây dựng hàng trăm nhà thờ và cho phép cầu nguyện bằng tiếng Arab. Dưới sự lãnh đạo của tướng Cemal Gursel, quân đội đã tiến hành đảo chính “nhằm đưa đất nước trở lại nền dân chủ công bằng và trong sạch”. Kết thúc đảo chính, Tổng thống Celal Bayar, Thủ tướng Adnan Menderes và các quan chức Chính phủ đã bị bắt và xét xử về tội phản quốc. Thủ tướng Adnan Menderes bị xử tử, còn tướng Gursel lên làm Thủ tướng kiêm Tổng thống, nắm quyền cho tới năm 1966, khi chính phủ dân chủ mới được dân bầu lên nắm quyền.
- Năm 1971, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ lâm vào tình cảnh khó khăn về kinh tế, chính trị lẫn xã hội nên đã quyết định thực hiện cuộc đảo chính mang tính "ôn hòa" hay còn gọi là đảo chính bằng "bản ghi nhớ" do tướng Memduh Tagmac đưa ra cho Thủ tướng Suleyman Demirel, ép Chính phủ từ chức. Kết quả, ngay sau khi Demirel từ chức, quân đội đã thành lập "nhóm chăm sóc Chính phủ". Thực chất vụ đảo chính này quân đội không nắm quyền nhưng đã tiến hành giám sát Chính phủ chuyển tiếp cho đến năm 1973 khi tổng tuyển cử diễn ra.
- Năm 1980, bất ổn chính trị, khủng hoảng kinh tế ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa được giải quyết kể từ cuộc đảo chính năm 1971 nên quân đội lại quyết định can thiệp. Vào ngày 12-9-1980, phía quân đội tuyên bố tiến hành đảo chính trên truyền hình, thiết quân luật trên toàn lãnh thổ, đồng thời bãi bỏ Hiến pháp và xây dựng một Hiến pháp mới, quy định tổ chức trưng cầu dân ý vào năm 1982. Những người đảo chính đã bắt giữ hàng trăm nghìn người, hành quyết hàng chục người và tra tấn nhiều người khác. Đây là cuộc tiếp quản quân sự đẫm máu nhất trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ nhưng lại được công chúng đánh giá cao, và coi đây là sự can thiệp quân sự cần thiết nhằm khôi phục sự ổn định cho quốc gia. Kết thúc, Kenan Evren, một trong những tướng đứng đầu đã trở thành Tổng thống trong vòng 7 năm tiếp theo.
-Sau 17 năm kể từ cuộc đảo chính năm 1980, trong cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia tổ chức ngày 27-2-1997, phía quân sự do tướng Ismail Hakki Karadayi đứng đầu đã đưa bản kiến nghị lên Thủ tướng đề nghị một số cải cách. Bản kiến nghị đưa ra gồm nhiều điểm, trong đó có kiến nghị đóng cửa các trường học tôn giáo và duy trì giáo dục bắt buộc 8 năm... Do vậy, đây được xem là cuộc đảo chính “mềm” nhằm lật đổ Đảng cầm quyền Islamic Welfare Party (IWP). Lựa chọn duy nhất của Chính phủ đương thời lúc đó là Thủ tướng Necmettin Erbakan đã phải chấp nhận yêu sách của phía quân sự và phải ra đi. Hậu đảo chính, quân đội đã lên nắm quyền thay cho đảng IWP vào năm 1998.
- Cuộc đảo chính năm 2007 còn được gọi là cuộc đảo chính E - Coup, phía quân đội đã đưa ra tối hậu thư trên trang web để cảnh báo đảng Công lý và Phát triển (AKP) đã phản đối ủng hộ Abdullah Gul lên làm Tổng thống vì Abdullah Gul thuộc về Chính phủ Hồi giáo. Theo Tiến sĩ Gonul Tol viết trên tạp chí Foreign Affairs: “Công chúng và đảng AKP đã bị xúc phạm và cuối cùng Gul đã được bầu làm Tổng thống. Nỗ lực của quân đội can thiệp bằng E- Coup đã làm cho uy tín Đảng AKP tăng vọt, với kết quả phiếu bầu tăng thêm 13%”.
Duy Hùng
(Theo Wearethemighty/Time - 7/2016)
Ý kiến bạn đọc