Multimedia Đọc Báo in

Bà Theresa May chính thức trở thành Thủ tướng Anh

11:36, 14/07/2016
Thủ lĩnh đảng Bảo thủ cầm quyền Theresa May đã chính thức được Nữ hoàng Elizabeth II chỉ định làm Thủ tướng tiếp theo của nước Anh.
 
Theo hãng tin Reuters, bà May đã chính thức được bổ nhiệm làm Thủ tướng Anh sau cuộc tiếp kiến Nữ hoàng Elizabeth II tại Cung điện Buckingham. Nữ hoàng đã yêu cầu bà May, lãnh đạo đảng Bảo thủ hiện chiếm đa số tại Hạ viện, thành lập Chính phủ mới. 
Tân Thủ tướng Anh Theresa May. (Ảnh: Reuters)
Tân Thủ tướng Anh Theresa May. (Ảnh: Reuters)
Bà Theresa May sinh năm 1956 tại thị trấn Eastbourne bên bờ biển miền nam nước Anh với tên khai sinh là Theresa Brasier. Cha bà May, ông Hubert là một mục sư. Đây cũng là một trong những điểm khiến bà hay được so sánh với Thủ tướng Đức Angela Merkel. Bà theo học tại những trường công và trường tư ít tiếng, một sự trái ngược hoàn toàn với ông Cameron và nhiều lãnh đạo thuộc "vòng tròn Notting Hill" của ông - những người theo học tại các trường danh tiếng như Eton. Cũng như ông Cameron, bà May đã ghi danh vào Đại học Oxford, nhưng không thu hút sự chú ý về mình. Tại đây, bà đã gặp người sau này trở thành chồng mình - ông Philip, một chủ ngân hàng. Có tin cho rằng bà Benazir Bhutto, cố Thủ tướng Pakistan bị ám sát là người đã mai mối cho hai người. Họ lấy nhau năm 1980, nhưng không thể có con. Bà May từng làm việc trong ngành tài chính ở Ngân hàng Anh trước khi được bầu làm nghị sĩ Quốc hội đại diện thị trấn Maidenhead ở London năm 1997.
 
Là Chủ tịch đảng Bảo thủ năm 2002, bà đã tạo ra nhiều làn sóng phản đối khi cho rằng đảng Bảo thủ được coi là "đảng khó chịu" và cần "đại tu" hình ảnh của họ - mặc dù sau đó dưới sự lãnh đạo của ông Cameron, đảng Bảo thủ đã làm như vậy. Khi đảng Bảo thủ chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2010, bà May được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, công việc khó khăn nhất trong chính phủ từng hủy hoại một chuỗi những sự nghiệp chính trị của các chính khách khác. Nhưng bà May đã giữ chức vụ này được 6 năm - và là Bộ trưởng Nội vụ có thời gian tại vị lâu nhất từ năm 1892. Những người ủng hộ nói rằng những thành tựu của bà bao gồm việc trục xuất giáo sĩ cực đoan Abu Qatada tới Jordan - nơi ông ta sau đó được thả tự do sau một thập kỷ xét xử các vụ án pháp lý - và đối đầu với Liên đoàn Cảnh sát, công đoàn quyền lực của các sĩ quan cảnh sát để giải quyết một chuỗi các vụ bê bối.
 
Trong phát biểu đầu tiên sau khi chính thức được bổ nhiệm, tân Thủ tướng Anh Theresa May cho biết bà sẽ tiếp tục điều hành Chính phủ theo tinh thần của người tiền nhiệm David Cameron, phục vụ lợi ích của đa số người dân Anh. Bà May cũng cam kết giữ cho nước Anh có một vai trò tích cực mới và quan trọng “bên ngoài EU”.
 
Tân Thủ tướng Anh từng tuyên bố nước Anh sẽ không thực hiện bất kỳ nỗ lực nào để ở lại "mái nhà chung châu Âu" và càng không nỗ lực để tái gia nhập liên minh này. Bà Theresa May là một người theo chủ nghĩa thực tế nên đã vượt qua những hỗn loạn trong cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề Brexit một cách bình yên vô sự. Bà mô tả bản thân là người sẽ đưa đất nước ra khỏi EU.
 
Là lãnh đạo nữ thứ hai của nước Anh sau "bà đầm thép" Margaret Thatcher - một thành viên đảng Bảo thủ, cũng là người phản đối EU, bà May đã chính thức - nhưng không thực sự nhiệt tình - ủng hộ Anh ở lại với EU. Theo AFP, bà May không gây nhiều chú ý trong suốt chiến dịch, và khi cuộc trưng cầu ý dân hôm 23-6 dẫn tới kết quả gây sốc là "rời EU", bà đã đặt chân bước vào khoảng trống chính trị mà ông David Cameron để lại sau quyết định từ chức. Bà khẳng định: "Brexit nghĩa là Brexit".
 
Mặc dù đã đánh bại các đối thủ để giành được vị trí thủ tướng, bà May lại đang phải đối mặt với cuộc đấu tranh khó khăn nhằm đoàn kết lại một đất nước và một chính đảng đã bị chia rẽ sâu sắc do cuộc trưng cầu dân ý. Lãnh đạo cấp cao của đảng Bảo thủ, ông Kenneth Clarke đã gọi bà May là "một phụ nữ cứng rắn” và bà May cho biết đó chính là phẩm chất sẽ giúp bà đứng vững trong những trận chiến sắp tới.
 
Ngay sau khi nhậm chức, tân Thủ tướng Anh Theresa May đã bổ nhiệm một loạt vị trí cấp cao trong Nội các mới. Theo đó, ông Philip Hammond, 60 tuổi sẽ đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Tài chính thay cho ông George Osborne đã từ chức trước đó. Trước khi nhận vị trí này, ông Hammond đã giữ chức Ngoại trưởng kể từ năm 2014 và tham gia nhiều cuộc đàm phán liên quan đến cuộc khủng khoảng tại Ukraine, cuộc nội chiến tại Syria, đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1. Với cương vị mới, ông Hammond sẽ phải chèo lái nền kinh tế Anh có nguy cơ rơi vào suy thoái sau cuộc trưng cầu ý dân về Brexit vừa qua, thiết lập các mục tiêu ngân sách mới, ngăn chặn sự sụt giá của đồng bảng Anh, thuyết phục các ngân hàng nước ngoài ở lại London…
 
Trong khi đó, cựu Thị trưởng London Boris Johnson – người đi đầu trong việc ủng hộ Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu- được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Anh. Tiếp đến ông David Davis – nghị sĩ đảng Bảo thủ Anh, cũng là người ủng hộ mạnh mẽ Brexit, nắm giữ chức vụ Bộ trưởng phụ trách Brexit, đảm đương các cuộc đàm phán về việc Anh rời khỏi khối này. Nhiệm vụ trọng tâm của ông David Davis là tìm câu trả lời cho những nghi vấn xoay quanh các cuộc đàm phán, chẳng hạn như làm thế nào để Anh có thể tiếp cận với thị trường chung của Liên minh Châu Âu trong khi giành được quyền hạn chế sự di chuyển tự do của các nhân công trong khối này. 
Bà Theresa May  bên ngoài Phủ Thủ tướng Anh. (Nguồn: AP)
Bà Theresa May bên ngoài Phủ Thủ tướng Anh. (Nguồn: AP)
Bà Theresa May cũng đã có một loạt các cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Ireland Enda Kenny.
 
Theo người phát ngôn Chính phủ Anh: “Trong tất cả các cuộc điện đàm, Thủ tướng Theresa May nhấn mạnh cam kết tôn trọng ý chí của người dân Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Thủ tướng giải thích rằng, chúng tôi sẽ cần phải có thời gian để chuẩn bị cho các cuộc đàm phán về Brexit. Thủ tướng cũng bày tỏ hy vọng tiến trình này được thực hiện trên tinh thần xây dựng và hiệu quả”.
 
Trong cuộc điện đàm với  Thủ tướng Đức, bà Merkel mời Thủ tướng Anh Theresa May tới thăm Đức và dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào tháng 9 tới. Bà Merkel khẳng định, Đức muốn thiết lập một mối quan hệ mang tính xây dựng, đồng thời công nhận tầm quan trọng của sự hợp tác chặt chẽ giữa Đức và Vương quốc Anh.
 
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Anh Theresa May nhấn mạnh đến tầm quan trọng của mối quan hệ song phương, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng và kiểm soát khu vực biên giới ở Calais.
 
Hồng Hải (Theo VOV, TTXVN)
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Chủ động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động
Tỉnh Đắk Lắk luôn tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề để người dân có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.