Multimedia Đọc Báo in

Dư luận quốc tế hoan nghênh phán quyết của PCA về Biển Đông

17:04, 15/07/2016
Trong sự chờ đợi của dư luận toàn thế giới, chiều 12-7, Tòa Trọng tài (PCA) thành lập theo Phụ lục VII Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển 1982 đã công bố phán quyết gồm 497 trang về vụ kiện giữa Philipines và Trung Quốc. Theo đó tòa tuyên bố "đường chín đoạn" của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, đồng thời Trung Quốc "không có chủ quyền lịch sử" tại Biển Đông.
 
Trong nhiều nội dung mà Tòa ra phán quyết, dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm tới 2 nội dung đó là “đường chín đoạn” (hay còn gọi là “đường lưỡi bò”) và quy chế pháp lý cúa các cấu trúc tại quần đảo Trường Sa. Về “đường chín đoạn”, Tòa khẳng định “không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên trong vùng biển nằm trong “đường 9 đoạn”. Đối với quy chế pháp lý các thực thể tại quần đảo Trường Sa, phán quyết nêu rõ: các đảo nhân tạo mà Trung Quốc ráo riết bồi đắp thành trong các năm gần đây không có khả năng duy trì dân cư trú trên đó và vì vậy theo các hiệp ước quốc tế các “đảo” này không hưởng “vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý” dành cho các đảo có người cư trú.
 
Tòa cũng đồng thời khẳng định rằng, các hành động của Trung Quốc như lấn đất quy mô lớn và xây dựng đảo nhân tạo là không phù hợp với nghĩa vụ của các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp. Các hành động này đã gây ra tác hại không thể khắc phục đối với môi trường biển, phá hủy bằng chứng về điều kiện tự nhiên ở Biển Đông. Các hành động của Trung Quốc trong việc xây dựng đảo cùng với việc ngăn chặn tàu đánh cá và tàu thăm dò của Philipines là vi phạm quyền chủ quyền của Philipines. Tòa cũng khẳng định Trung Quốc đã “gây hại không thể khắc phục môi trường biển”, xây đảo nhân tạo ở vùng đặc quyền kinh tế của nước khác, và phá huỷ bằng chứng về điều kiện tự nhiên ở Biển Đông bằng hoạt động xây dựng đảo của mình.  
Các nhà hoạt động Philippines vui mừng sau khi có phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế.  Ảnh: Renters
Các nhà hoạt động Philippines vui mừng sau khi có phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế. Ảnh: Renters
Ngay sau khi PCA ra phán quyết về vụ kiện, Philippines ngay lập tức ra tuyên bố hoan nghênh phán quyết của Tòa, đồng thời kêu gọi người dân kiềm chế và bình tĩnh để tránh phản ứng quá khích. Bộ Ngoại giao Philippines gọi đây là một “quyết định lịch sử”. Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay phát biểu trong một cuộc họp báo trong chiều 12-7 cho biết: “Giới chuyên gia Philippines đã nghiên cứu kỹ lưỡng phán quyết này và đây là một phán quyết hoàn toàn xứng đáng. Philippines tôn trọng phán quyết của Tòa trọng tài thường trực, đồng thời kêu gọi “kiềm chế” trên Biển Đông sau phán quyết này”.
 
Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon ngày 12-7 đã kêu gọi các bên có tranh chấp tại Biển Đông tuân thủ luật pháp quốc tế và tránh các hành động làm gia tăng căng thẳng. 
 
Về phía Liên minh châu Âu (EU), phát biểu bên lề Hội nghị Thượng đỉnh EU-Trung Quốc diễn ra tại Bắc Kinh ngày 13-7, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk đã bày tỏ hy vọng phán quyết của PCA sẽ có ý nghĩa quan trọng tích cực trong việc giải quyết các vấn đề nổi cộm ở vùng biển này. Ông khẳng định EU "hoàn toàn tin tưởng" vào PCA và tiến trình vụ kiện, đồng thời bày tỏ hy vọng phán quyết trên sẽ được sử dụng để "tạo ra một động lực tích cực" trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp đối với tranh chấp trên Biển Đông. Chủ tịch EC cũng cho biết EU sẽ tiếp tục ủng hộ việc duy trì luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
 
Trong phản ứng chính thức đầu tiên về phán quyết của PCA, Mỹ đã hối thúc các bên liên quan tránh những tuyên bố hoặc hành động mang tính khiêu khích. Trong một tuyên bố đưa ra vào tối 12-7 (theo giờ Việt Nam), người  phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nêu rõ quyết định của Toà Trọng tài là một đóng góp quan trọng vào mục tiêu chung trong việc giải quyết một cách hoà bình những tranh chấp tại Biển Đông. Theo ông Kirby, khi tham gia Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển, các bên đều nhất trí với quy trình giải quyết tranh chấp bắt buộc được quy định trong Công ước. Quyết định của Toà Trọng tài là cuối cùng, mang tính ràng buộc pháp lý và có thể tạo cơ hội mới cho các nỗ lực giải quyết các tranh chấp biển một cách hoà bình. Mỹ hy vọng các bên tuân thủ nghĩa vụ của mình và khuyến khích các bên làm rõ những đòi hỏi chủ quyền theo luật pháp quốc tế cũng như cùng nhau phối hợp quản lý và giải quyết tranh chấp. Những bước đi này sẽ tạo cơ sở cho những thảo luận tiếp theo nhằm thu hẹp phạm vi địa lý tranh chấp trên biển, đặt ra tiêu chuẩn đối với cách hành xử tại khu vực tranh chấp và cuối cùng là giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, không ép buộc, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực.
 
Chính phủ các nước trong khu vực như Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan… cũng ra tuyên bố kêu gọi các bên tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế ở  La Hay và kiềm chế, không để căng thẳng leo thang trong khu vực.
 
Phán quyết của Tòa PCA cũng trở thành tâm điểm của Hội thảo Biển Đông lần thứ 6 vừa diễn ra tại Washington DC (Mỹ). Cũng giống như tuyên bố của chính phủ các nước, các học giả quốc tế đều ủng hộ phán quyết của Tòa và cảnh báo Trung Quốc sẽ tiếp tục bị cô lập hơn nữa nếu không tuân thủ phán quyết này. Trước việc Trung Quốc tuyên bố bác bỏ phán quyết từ Tòa PCA, giới chuyên gia cho rằng, Trung Quốc sẽ khó có thể thay đổi lập trường trong một sớm một chiều nhưng với phán quyết vừa được PCA công bố thì tình hình Biển Đông sẽ được cải thiện.   
 
Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)

Ý kiến bạn đọc