Thổ Nhĩ Kỳ mạnh tay với phe đảo chính và đối lập
Sau sự kiện đảo chính rúng động, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng nhiều biện pháp mạnh tay với phe đảo chính và đối lập, khiến phương Tây lo ngại.
Hôm 18-7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố, nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ muốn tuyên bản án tử hình, vốn bị bãi bỏ tại nước này hơn 1 thập niên trước, với các đối tượng liên quan tới cuộc đảo chính quân sự bất thành hồi cuối tuần trước. Phát biểu trước những người ủng hộ tại Istanbul, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cam kết sẽ quét sạch "virus đảo chính", đồng thời tuyên bố nước này có thể sẽ tái áp dụng khung hình phạt tử hình. Ông Erdogan nêu rõ: "Việc khôi phục án tử hình sẽ được thảo luận tại Quốc hội. Tôi tin rằng, các đảng phái chính trị tại Quốc hội sẽ đưa ra những quyết định tốt nhất. Nếu Quốc hội phê chuẩn, thì tôi sẽ ký thành luật”.
Trong một loạt bước đi thể hiện sự cứng rắn sau vụ đảo chính quân sự bất thành xảy ra hồi cuối tuần qua khiến hơn 300 người thiệt mạng, hôm 18-7, Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, nước này đã sa thải gần 9.000 người, bao gồm cảnh sát, thị trưởng và các quan chức trên khắp đất nước. Trong một thông báo, Bộ này cho biết, trong số những người bị sa thải, có 1 tỉnh trưởng và 29 thị trưởng. Trong khi đó, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cũng thông báo đã bắt giữ hơn 7.500 đối tượng bị tình nghi có dính líu tới vụ đảo chính, trong đó gồm có 100 cảnh sát, 6.038 binh sĩ, 755 thẩm phán và công tố viên cùng 650 dân thường.
Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ hơn 7.000 binh sĩ, cảnh sát và dân thường sau cuộc đảo chính hôm 15-7. (Ảnh: DW) |
Hiện các lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang tiến hành thêm nhiều cuộc bao vây mới nhằm truy tìm những người tình nghi tham gia cuộc đảo chính vừa qua. Nhà chức trách cũng bắt giữ Tướng Mehmet Disli, người tiến hành vụ bắt cóc Tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar trong thời điểm xảy ra vụ đảo chính.
Theo Reuters, Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag ngày 19-7 cho biết Ankara đã yêu cầu Mỹ bắt giữ giáo sĩ Fethullah Gulen (đang sống ở Mỹ) vì tất cả bằng chứng đều cho thấy ông này là người lên kế hoạch cho vụ đảo chính quân sự bất thành hôm 15-7 vừa qua. Phát biểu với báo giới bên ngoài tòa nhà Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, ông Bozdag nói: "Chúng tôi có thừa bằng chứng mà các bạn (Mỹ) có thể yêu cầu về ông Gulen. Không cần thiết để chứng thực âm mưu đảo chính đó, tất cả bằng chứng cho thấy âm mưu đó do ông ta (Gulen) sắp xếp và chỉ đạo".
Cùng ngày, Tổng cục Các vấn đề Tôn giáo Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã sa thải 492 nhân viên thuộc cơ quan này vì tình nghi tham gia vụ đảo chính quân sự thất bại hôm 15-7 và bị cáo buộc liên quan đến "chủ nghĩa khủng bố". Hiện có hơn 100.000 nhân viên làm việc tại cơ quan trên.
Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ John Bass trong một tuyên bố hôm 18-7 cho biết, phía Mỹ đã sẵn sàng làm việc với Thổ Nhĩ Kỳ về việc dẫn độ Giáo sĩ Fethullah Gulen đang sống lưu vong tại Mỹ - người bị nghi ngờ có liên quan đến vụ đảo chính quân sự trong đêm 15-7 vừa qua. Theo Đại sứ John Bass, phía Mỹ sẽ hỗ trợ nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc điều tra về vụ đảo chính vừa qua. Theo đó, nếu Thổ Nhĩ Kỳ có yêu cầu dẫn độ một đối tượng đang sinh sống hợp pháp tại Mỹ thì Mỹ sẽ làm việc theo thỏa thuận dẫn độ giữa 2 nước. Nhà chức trách Mỹ và giới chức Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có đại diện Bộ Tư pháp Mỹ, đã sẵn sàng làm việc với những người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ về vụ dẫn độ này.
Những động thái cứng rắn này của Thổ Nhĩ Kỳ khiến nhiều nước phương Tây tỏ ra quan ngại. Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 18-7 đã kêu gọi Tổng thống Erdogan tôn trọng các quy định của nhà nước pháp quyền. Trong cuộc điện đàm, Thủ tướng Merkel bày tỏ quan ngại về hành động của Thổ Nhĩ Kỳ đối với những người được cho ủng hộ âm mưu đảo chính, trong đó làn sóng bắt bớ và sa thải đã dẫn tới "sự quan ngại sâu sắc". Thủ tướng Merkel kêu gọi Tổng thống Erdogan có phản ứng "trên nguyên tắc nhà nước pháp quyền và phù hợp". Nhà lãnh đạo Đức cũng nhấn mạnh việc tái áp đặt án tử hình ở Thổ Nhĩ Kỳ và mục tiêu trở thành thành viên Liên minh châu Âu (EU) là "không thể đi cùng nhau".
Người ủng hộ chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đánh đập binh lính bị bắt sau cuộc đảo chính bất thành. (Nguồn: Daily Mail) |
Phát biểu trong chuyến thăm Brussels (Bỉ) hôm 18-7, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng đã hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng luật pháp trong chiến dịch trấn áp sau vụ đảo chính bất thành vừa qua. Ngoại trưởng Kerry nói: "Chúng tôi kiên quyết kêu gọi Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ duy trì sự yên tĩnh và ổn định trên khắp đất nước, và chúng tôi cũng kêu gọi Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tuân thủ những chuẩn mực cao nhất về tôn trọng các thể chế dân chủ quốc gia và luật pháp".
Cùng chung quan điểm, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu Federica Mogherini cùng ngày đã gửi một "thông điệp mạnh mẽ" tới Thổ Nhĩ Kỳ". Bà Mogherini nói: “Không một quốc gia nào có thể trở thành thành viên của Liên minh châu Âu nếu vẫn sử dụng hình phạt tử hình. Thổ Nhĩ Kỳ là một phần quan trọng của Hội đồng châu Âu và họ phải tôn trọng Công ước Nhân quyền của châu Âu, Công ước này đã ghi rất rõ ràng về việc không áp dụng hình phạt tử hình.”
Liên hiệp quốc cũng lên tiếng kêu gọi Ankara phải tôn trọng trật tự hiến pháp.
Thổ Nhĩ Kỳ đã bãi bỏ án tử hình hồi năm 2004 nhằm đáp ứng những tiêu chuẩn gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và nước này không xử tử ai kể từ năm 1984.
Hồng Hải (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc