Multimedia Đọc Báo in

Thổ Nhĩ Kỳ rúng động vì đảo chính quân sự bất ngờ

21:55, 16/07/2016

Đêm 15-7, một nhóm tướng lĩnh trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã bất ngờ tiến hành đảo chính.

Cuộc đảo chính diễn ra nhanh chóng, bắt đầu bằng việc giành quyền kiểm soát đối với các đài truyền hình và cuộc đối đầu vũ trang giữa một bên là lực lượng trung thành và các đám đông ủng hộ chính phủ với một bên là nhóm quân đội tự xưng là Hội đồng Hòa bình trong nước.

Rắc rối bắt đầu rõ khi các khách lữ hành thông báo qua Twitter rằng các chuyến bay đã bị hủy ở sân bay Istanbul trong khi máy bay quân sự Thổ bay rất thấp bên trên thành phố này. Các xe quân sự đã chặn 2 cây cầu bắc qua eo biển Bosporus chia đôi thành phố Istanbul. Hãng tin Dogan cho biết, các binh sĩ đã bắn vào những người cố vượt cầu khiến một số người bị thương. Tin tức cho hay, các đơn vị quân sự đã chiếm lĩnh các phòng tin tức tại các đài truyền hình nhà nước. Theo Hãng tin Andolu, sau đó một máy bay trực thăng quân sự nã đạn vào một trụ sở của lực lượng cảnh sát đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ ở Ankara, cướp đi sinh mạng của 17 nhân viên cảnh sát. Một chiến đấu cơ F-16 của quân đội Thổ đã bắn hạ một trực thăng Sikorsky.

Khung cảnh hỗn loạn trên đường phố Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh AP
Khung cảnh hỗn loạn trên đường phố Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh AP

Kênh CNN tiếng Thổ cho biết cuộc đảo chính diễn ra ở Ankara khi 2 xe ô tô chở đầy lính lao vào trụ sở hãng tin TRT của nhà nước. Sau đó kênh này bắt đầu phát một loạt bản tin dự báo thời tiết, theo Hurriet. Trên Twitter, kênh CNN tiếng Thổ cho hay các binh sĩ đã có mặt ở Trung tâm Truyền thông Dogan nơi đặt đại bản doanh của hãng Dogan. Sau đó những binh sĩ này xông vào trường quay. Sau khi binh lính vào được phòng tổng khống chế, MC chương trình CNN tiếng Thổ nói trên sóng: “Chúng tôi giờ phải đi”. Trong khi đó một người dẫn chương trình của kênh TRT1 TV đọc một văn bản của nhóm quân nhân đã chiếm phòng tin tức của MC này, với nội dung gọi Tổng thống Erdogan là kẻ phản bội. Hãng tin tư nhân Dogan cho biết, nhóm trên tuyên bố họ hành động như thế “để vãn hồi trật tự hiến pháp, dân chủ, nhân quyền và tự do, nhằm bảo đảm chế độ pháp trị ở đất nước này, vì pháp luật và trật tự”.

Hãng tin Anadolu thì cho biết một quả bom đã đánh trúng trụ sở Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ở Ankara. Đài CNN tiếng Thổ đưa tin, một số cảnh sát và nhân viên văn phòng quốc hội đã bị thương trong vụ tấn công bằng bom. Trong khi đó Tổng thống Erdogan đang đi nghỉ mát ở bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ. Thông qua ứng dụng FaceTime và điện thoại iPhone cá nhân, ông Erdogan đã liên lạc với đài NTV và gửi đi thông điệp thách thức nhóm đảo chính. Khi ấy ông Erdogan tuyên bố đảo chính đã thất bại và chính quyền của ông vẫn kiểm soát tình hình. Ông kêu gọi những người ủng hộ tập hợp lực lượng trên các quảng trường và đổ xuống phố để đối mặt với những kẻ chủ mưu của cuộc đảo chính.

Tờ nhật báo Hurriet cho biết Thủ tướng Thổ Binali Yildirim tuyên bố đây chỉ là “một cuộc phiến loạn” và phủ nhận việc nhóm quân nhân này kiểm soát được tình hình.

Vụ đảo chính đã khiến ít nhất 181 người thiệt mạng và giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ gần 2.800 tướng lĩnh và binh sĩ được cho là có liên quan đến vụ đảo chính.

Một quan chức cao cấp của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, đến sáng 16-7, cuộc đảo chính đã bị dập tắt và mọi quan chức Chính phủ đã đi làm việc trở lại. Người phát ngôn Cơ quan Tình báo Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ Nuh Yilmaz cũng xác nhận thông tin nói trên và dẫn lời Tổng tham mưu trưởng quân đội Hulusi Akar nhấn mạnh, quân đội đã giành lại quyền kiểm soát và “mọi chuyện đã trở lại bình thường”.

Cuộc đảo chính cho thấy chính trường Thổ Nhĩ Kỳ đang bị khủng hoảng khi nhiều quan chức cáo buộc ông Erdogan tìm cách thâu tóm mọi quyền lực thông qua việc bổ nhiệm lại nội các và mạnh tay trấn áp những người bất đồng với mình. Ngoài ra, ông Erdogan còn bị chỉ trích vì đường lối cứng rắn chống lại phiến quân người Kurd sau khi các nỗ lực đàm phán hòa bình thất bại dẫn đến các cuộc đụng độ khiến quân đội chịu tổn thất nặng nề về nhân sự. Chính phủ của ông Erdogan cũng bị cho là đã tìm cách tuồn vũ khí và đưa các chiến binh sang Syria để chống lại Chính phủ của ông Bashar al-Assad dẫn đến sự trỗi dậy của IS trong khu vực. Chính sách nói trên của Thổ Nhĩ Kỳ đã phản tác dụng khi Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào liên quân của Mỹ chống lại IS và các nhóm cực đoan khác được cho là đã gây ra rất nhiều vụ đánh bom đẫm máu tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Các nguồn tin an ninh cho biết cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16-7 đã bắt khoảng 100 sĩ quan quân đội tại một căn cứ không quân ở Diyarbakir, Đông Nam nước này, sau vụ đảo chính. Căn cứ không quân này đã hoạt động như một trung tâm chính trong các chiến dịch không quân năm 2015 chống đảng Công nhân người Kurd (PKK). Trong ngày 16-7, không có máy bay cất cánh hoặc hạ cánh tại căn cứ này. Một số vụ bắt giữ cũng được tiến hành tại các căn cứ quân sự khác ở các tỉnh Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, gồm Sanliurfa, Hakkari và Bingol.

Trong khi đó, cùng ngày, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã cách chức 2.745 thẩm phán. Đây là quyết định của Hội đồng thẩm phán và công tố viên tối cao (HSYK). Theo hãng tin Anadolu, 5 thành viên trong HSYK cũng bị cách chức đợt này.

Liên quan tới các cáo buộc của chính giới Ankara về vai trò của giáo sỹ Fehullah Gulen trong vụ đảo chính này, hiện đang sống lưu vong tại Mỹ, chính quyền Washington đã đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ các bằng chứng liên quan.  Trước đó, chính giới Thổ Nhĩ Kỳ cho biết những kẻ ủng hộ giáo sỹ Gulen - người đã sống lưu vong ở Mỹ trong nhiều năm - là thủ phạm đứng sau vụ đảo chính do một nhóm trong quân đội nước này tiến hành. Chính phủ cũng cáo buộc giáo sỹ Gulen đang tìm cách xây dựng một "cấu trúc song song" trong hệ thống tư pháp, giáo dục, truyền thông và quân đội như một cách nhằm lật đổ đất nước. Tuy nhiên, ông Gulen đã lên án mạnh mẽ vụ đảo chính và phủ nhận những cáo buộc dính líu đến âm mưu này.

Theo Hãng tin Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, thủ lĩnh cuộc đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ là Muharrem Kose, cựu Đại tá quân đội có liên hệ với phong trào tôn giáo và xã hội do giáo sỹ Gulen đứng đầu. Hồi tháng 3 vừa qua, Đại tá Kose bị sa thải do bị cáo buộc là thành viên của phong trào Gulen. Sau đó, nhân vật này muốn thành lập một tổ chức mang tên "Hội đồng Hòa bình" nhằm thay thế chính phủ hiện tại của Thổ Nhĩ Kỳ.

Cảnh sát bắt giữ các binh sỹ tham gia đảo chính tại Quảng trường Taksim ở Istanbul. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Cảnh sát bắt giữ các binh sĩ tham gia đảo chính tại Quảng trường Taksim ở Istanbul. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Lãnh đạo nhiều nước trên thế giới tiếp tục phản ứng trước vụ đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ. Phát biểu tại nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEM tại Mông Cổ, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho rằng, hậu quả của cuộc đảo chính sẽ ảnh hưởng xấu tới toàn bộ khu vực. Theo ông, tình hình căng thẳng tại Thổ Nhĩ Kỳ không thể giải quyết bằng súng đạn: “Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác quan trọng của Liên minh châu Âu và chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chính phủ cũng như các cơ quan được bầu một cách dân chủ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Căng thẳng và những thách thức của Thổ Nhĩ Kỳ không thể được giải quyết bằng súng đạn. Các cuộc đảo chính quân sự sẽ không có chỗ trong một đất nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại. Không có sự thay thế nào khác đối với nền dân chủ và các quy tắc pháp luật”.  

Hãng PTI đưa tin, Ấn Độ hôm nay đã kêu gọi tất cả các bên ở Thổ Nhĩ Kỳ, đất nước đang phải chứng kiến tình trạng bạo lực sau âm mưu đảo chính quân sự, ủng hộ dân chủ và tránh đổ máu, đồng thời khuyến cáo công dân nước mình đang ở Thổ Nhĩ Kỳ hãy ở trong nhà. Trên trang mạng xã hội Twitter, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Vikas Swarup nói rằng, Ấn Độ vẫn đang theo dõi sát sao những diễn tiến ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ấn Độ kêu gọi tất cả các bên ủng hộ dân chủ, tôn trọng lá phiếu bầu và tránh tình trạng đổ máu.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết, nước này sẵn sàng hợp tác mang tính xây dựng với ban lãnh đạo hợp pháp của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cho rằng, vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ làm gia tăng đe dọa đối với ổn định khu vực. Theo Bộ Ngoại giao Nga, tình trạng chính trị ngày càng xấu đi (ở Thổ Nhĩ Kỳ) trong bối cảnh đang xuất hiện những mối đe dọa khủng bố ở nước này cộng với một cuộc xung đột vũ trang trong khu vực đang làm gia tăng đe dọa đối với ổn định khu vực và quốc tế.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố, trật tự dân chủ ở Thổ Nhĩ Kỳ cần phải được tôn trọng và cần phải triển khai tất cả các biện pháp để bảo đảm sự an toàn cho người dân nước này. Trung Quốc cũng kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ khôi phục ổn định và trật tự trong thời gian sớm nhất có thể.

Hồng Hải (Theo VOV, TTXVN)
 


Ý kiến bạn đọc