Multimedia Đọc Báo in

Syria trước nguy cơ bùng phát cuộc chiến đa chiều

16:09, 21/08/2016
Các máy bay của quân đội Syria ngày 20-8 tiếp tục oanh kích các mục tiêu là lực lượng người Kurd được Mỹ bảo trợ tại Đông Bắc Syria.
 
Cuộc không kích của quân đội Syria diễn ra trong bối cảnh liên quân do Mỹ đứng đầu đang triển khai máy bay để bảo vệ các cố vấn quân sự Mỹ trên mặt đất. Điều này đang tạo nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh đa chiều giữa các bên tại Syria.
 
Quân đội Syria cho biết, cuộc giao tranh tại thành phố Hasaka, Đông Bắc Syria giữa quân đội với lực lượng dân quân người Kurd bắt nguồn từ việc lực lượng này tìm cách chiếm đóng thành phố. Các lực lượng người Kurd đã bao vây Hasaka và gây thương vong cho dân thường cũng như quân đội bằng pháo kích. Tuyên bố nêu rõ động thái giáng trả của quân đội Syria là "thích đáng", đồng thời cảnh báo bất cứ cuộc tấn công mới nào cũng sẽ bị đáp trả bằng vũ lực. Một quan chức quân đội Syria tuyên bố: "Bất chấp nỗ lực nhằm chấm dứt giao tranh và tái lập ổn định trong thành phố, lực lượng vũ trang người Kurd vẫn tiếp tục gây chiến nhằm giành quyền kiểm soát thành phố Hasaka. Điều này buộc chúng tôi phải đáp trả. Lực lượng vũ trang người Kurd phải chịu trách nhiệm đối với những thương vong do họ gây ra”. 
 
Cậu bé Syria được cứu ra từ đống đổ nát. (Nguồn: AFP)
Cậu bé Syria được cứu ra từ đống đổ nát. (Nguồn: AFP)
 
Trong khi đó, các máy bay chiến đấu của quân đội liên minh do Mỹ dẫn đầu liên tục tuần tra bảo vệ các khu vực xung quanh Hasaka để ngăn chặn máy bay Syria tấn công lực lượng đặc biệt của Mỹ đang phối hợp hoạt động với đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG)-một đồng minh chủ chốt của Mỹ trong cuộc chiến chống IS tại Syria. Theo Người phát ngôn Lầu Năm Góc Jeff Davis, việc này "nhằm bảo vệ lực lượng liên minh". Ông Davis cho biết, lực lượng liên quân của Mỹ trên mặt đất đã cố liên lạc với máy bay Syria trong vụ việc trên, song không nhận được phản hồi.
 
Hasaka là thủ phủ của tỉnh cùng tên. Hầu hết diện tích thành phố này hiện đang do lực lượng người Kurd kiểm soát, trong khi phần nhỏ còn lại do các lực lượng của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad kiểm soát. Tuy nhiên, gần đây, người Kurd đòi giải tán các lực lượng quốc phòng (NDF) thân Chính phủ tại Hasaka.
 
Theo Tổ chức giám sát nhân quyền, trong hai ngày vừa qua, hai lực lượng đối đầu tại Hasaka đã đụng độ khiến 23 dân thường, trong đó có 9 trẻ em và 16 chiến binh thiệt mạng. Hàng nghìn người dân nơi đây đã bắt đầu đi sơ tán vì lương thực cạn kiệt trong khi không có điện.
 
Căng thẳng gia tăng vào tối 19-8, khi các tay súng thuộc đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) xung đột trực tiếp với quân đội Chính phủ Syria. Các cuộc không kích Hasaka từ ngày 19-8 đến ngày 20-8 là đợt không kích đầu tiên của quân đội Chính phủ nhằm vào các vị trí của người Kurd. Một nguồn tin Chính phủ Syria cho biết, các cuộc không kích này nhằm gửi đi một thông điệp tới người Kurd rằng họ "nên ngừng kiểu đòi hỏi đi ngược lại với chủ quyền dân tộc" nói trên.
 
Nhiều chuyên gia phân tích lo ngại các cuộc xung đột giữa quân đội Chính phủ với người Kurd sẽ xoay chuyển cục diện hiện tại ở Syria, ảnh hưởng đến cuộc chiến chống lại IS. Ngoài ra, chiến sự tại Hasaka có thể sẽ tác động đến các chiến dịch quân sự của quân đội Syria ở thành phố chiến lược Aleppo, nơi người Kurd đang phối hợp với quân đội Chính phủ để chống lại phiến quân do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
 
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga ngày 19-8 đã bác bỏ thông tin đăng trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng phương Tây về việc Không quân Nga ném bom vào khu vực Al-Qaterji tại thành phố Aleppo của Syria. Đại diện chính thức của Bộ Quốc phòng Nga, Tướng Igor Konashenkov, khẳng định các máy bay ném bom của Không quân Nga hoạt động tại Syria không bao giờ nhắm đến các mục tiêu nằm trong khu vực dân cư. Thêm vào đó, Al-Qaterji nằm sát hai hành lang nhân đạo mà Nga vừa mở để sơ tán người dân Syria khỏi vùng chiến sự. Tướng Konashenkov cũng nêu rõ những cảnh đổ nát tại khu vực này cho thấy đó không phải do bom không quân, mà do mìn và vũ khí nổ tự chế mà các tay súng nổi dậy sử dụng rộng rãi ở đây.
 
Đại diện Bộ Quốc phòng Nga còn cho biết thêm các sĩ quan Trung tâm hòa giải của Nga đặt tại Aleppo hằng ngày đều ghi nhận được các vụ bắn phá từ phía các tay súng nổi dậy, sử dụng các dàn pháo phản lực tự chế nhằm vào các con đường, phố xá và nhà ở bên cạnh hành lang nhân đạo. Mục đích là để người dân sống tại các khu vực phía Đông của thành phố Aleppo do các tay súng nổi dậy kiểm soát không thể nhận được hỗ trợ y tế và các trợ giúp khác.
 
Trước đó, nhiều báo phương Tây đăng tải hình ảnh cậu bé Omran, 5 tuổi, được cứu khỏi tòa nhà đổ nát ở khu vực bị phong tỏa tại Aleppo. Hình ảnh cậu bé với gương mặt bàng hoàng, đầy máu sau khi được cứu ra từ đống đổ nát ở Aleppo đủ cho thấy sự ác liệt của những cuộc giao tranh ở Syria. Theo Washingtonpost, một người đàn ông đã bế cậu bé khỏi đống đổ nát sau một cuộc không kích xuống khu Qaterji vốn bị quân nổi dậy chiếm đóng. Người đàn ông đã đặt cậu bé ngồi lên một chiếc ghế màu da cam. Khi người đàn ông đã đi khỏi, cậu bé đưa tay lên dụi mắt và mặt mũi. Cậu bé lau máu và bụi đất lên ghế ngồi, gương mặt đầy vẻ bàng hoàng. 
 
Cậu bé 4 tuổi Esraa và em trai Waleed, 3 tuổi, ngồi trên một đống đổ nát ở Aleppo, Syria. (ảnh: UNICEF).
Cậu bé 4 tuổi Esraa và em trai Waleed, 3 tuổi, ngồi trên một đống đổ nát ở Aleppo, Syria. (ảnh: UNICEF).
 
Sau vụ không kích được cho là đã làm rung chuyển thành phố Syria vào đêm thứ tư vừa qua vào giờ cầu nguyện, cậu bé đã được giải thoát khỏi đống đổ nát từng là nhà của cậu. Mahmoud Raslan, phóng viên ảnh chụp bức ảnh này tiết lộ với hãng tin AP rằng các nhân viên cứu hộ và phóng viên đã cố gắng giúp đỡ cho cậu bé được xác định là Omran Daqneesh, 5 tuổi, cùng với cha mẹ và 3 người anh chị em của cậu bé lần lượt là 1, 6 và 11 tuổi. 
 
Hình ảnh cậu bé Omran sau trận đánh bom đã được lan truyền trên mạng xã hội như một lời nhắc nhở về cuộc khủng hoảng hiện đang diễn ra tại thành phố Aleppo ở Syria. Hơn 250.000 người đã thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa trong bối cảnh cuộc xung đột ở Syria đã kéo dài nhiều năm. Aleppo từ lâu đã trở thành một mặt trận chủ chốt giữa chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad và lực lượng nổi dậy. Gần đây, thành phố Syria này đã thu hút được sự chú ý quốc tế khi cuộc khủng hoảng nhân đạo trở nên ngày một nghiêm trọng hơn. Vào đầu tháng này, nguồn nước phục vụ cho hàng triệu người dân tại đây đã bị cắt.
 
Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Anthony Lake ngày 19-8 đã hối thúc cộng đồng quốc tế cần hành động khẩn cấp để cứu giúp hơn 100.000 trẻ em đang "mắc kẹt trong cảnh tượng kinh hoàng" ở thành phố của Aleppo. 
 
Hồng Hải (Theo VOV, Vietnam+)
 

Ý kiến bạn đọc