Multimedia Đọc Báo in

Bầu cử Tổng thống Mỹ: Trump-Clinton cạnh tranh quyết liệt trước giờ G

17:29, 04/11/2016
Theo New York Times, dù chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, cục diện cuộc cạnh tranh giữa ông Trump và bà Clinton vẫn rất gay cấn dù bà Clinton được cho là có chút lợi thế so với đối thủ của mình.
 
Theo một cuộc thăm dò mới nhất do New York Times/CBS News thực hiện và công bố ngày 3-11, các cử tri Mỹ đã có quyết định cuối cùng của mình và những gì mà họ thu thập được cũng cho thấy, những cử tri này cũng sẽ không thay đổi quyết định vào phút chót. Theo đó, trong số những người tham gia cuộc thăm dò, 45% trả lời sẽ bỏ phiếu cho bà Clinton, trong khi đó, con số này đối với ông Trump là 42%. Đây được coi là con số rất sít sao do có thể có sai số so với thực tế.
 
Hiện đã có 22 triệu cử tri Mỹ đã tham gia bỏ phiếu sớm và cứ 5 người tham gia cuộc thăm dò do New York Times/CBS News tiến hành thì có một người cho biết đã đi bỏ phiếu sớm. 
 
Ông Trump và bà Clinton đang cạnh tranh quyết liệt từng điểm phần trăm sự ủng hộ của cứ tri, nhất là những người còn phân vân chưa biết sẽ bỏ phiếu cho ai. Ảnh: AP
Ông Trump và bà Clinton đang cạnh tranh quyết liệt . (Ảnh: AP)
 
Các cuộc thăm dò trước đó cho thấy, đến giữa tháng 10, sau bê bối dùng lời lẽ khiếm nhã đối với phụ nữ của ông Trump, bà Clinton đã nới rộng được khoảng cách đáng kể với tỷ phú Mỹ. Trong khi đó, uy tín của ông Trump xuống đến mức thấp kỷ lục và nhiều người đã dự đoán về “một chiến thắng dễ dàng” cho bà Clinton.
 
Tuy nhiên, chỉ chưa đầy vài tuần sau đó, tình thế đã đảo ngược, ngày càng nhiều người muốn ủng hộ ông Trump bất chấp bê bối nói trên của tỷ phú Mỹ, trong khi đó, sự ủng hộ dành cho bà Clinton dù không giảm nhưng vẫn khiến bà “đứng ngồi không yên”. Ở khía cạnh giới, cuộc đua giữa 2 ứng viên cũng rất sít sao khi bà Clinton dẫn trước ông Trump 14 điểm phần trăm sự ủng hộ của nữ giới. Trong khi đó, ông Trump dẫn trước và Clinton 11 điểm phần trăm sự ủng hộ của nam giới.
 
Tuần trước, khi giám đốc FBI James Comey gửi thư đến Quốc hội Mỹ để yêu cầu mở lại cuộc điều tra về bê bối sử dụng email vào việc công của bà Clinton, ông Trump đã có cơ hội để “lật ngược tình thế” và tập trung công kích đối thủ về cách hành xử “cực kỳ bất cẩn” của bà Clinton khi bà còn là Ngoại trưởng Mỹ. Cuộc thăm dò do New York Times/CBS News tiến hành diễn ra chỉ vài giờ sau khi bức thư của ông Comey được công bố và hầu hết các cử tri tham gia đều cho biết, họ đã biết về thông tin này.
 
Dù vậy, 6 trong số 10 cử tri tham gia cuộc thăm dò khẳng định, việc FBI mở lại cuộc điều tra đối với bà Clinton không ảnh hưởng gì nhiều đến quyết định bỏ phiếu của họ. Những người này còn cho rằng, bê bối dùng lời lẽ thô tục của ông Trump đối với phụ nữ còn tác động đến quyết định của họ nhiều hơn.
Ở phía ngược lại, 4 trong số 10 cử tri tham gia cuộc thăm dò cho biết, hành vi đó của ông Trump cũng không khiến họ “ngã lòng” không ủng hộ tỷ phú Mỹ nữa. Trong khi đó, khoảng 1/3 cử tri tham gia cuộc thăm dò cho rằng, bê bối sử dụng email cá nhân vào việc công của bà Clinton có ảnh hưởng rất lớn đến quyết định của họ.
 
Những người ủng hộ nhiệt thành cho bà Clinton là những người Mỹ gốc Phi, phụ nữ và những người da trắng có bằng đại học cũng như các cử tri trẻ tuổi. Trong khi đó, những cử tri sẽ bỏ phiếu cho ông Trump chủ yếu là nam giới và những người da trắng không có bằng đại học, người da trắng theo đạo Tin Lành hoặc đạo Cơ đốc cùng với các cử tri lớn tuổi.
 
Chỉ có 1 trong tổng số 10 người tham gia cuộc thăm dò do New York Times/CBS News thực hiện cho biết, có thể họ sẽ thay đổi quyết định của mình vào phút chót. Hiện cả hai ứng viên đều nhận được sự ủng hộ gần như ngang nhau trong số các các cử tri thuộc đảng của mình.
 
Trong khi đó, những cử tri độc lập, những người ủng hộ Tổng thống Barack Obama (thuộc đảng Dân chủ) năm 2008 và ứng viên Tổng thống Mitt Romney (thuộc đảng Cộng hòa) năm 2012 vẫn phân vân chưa biết sẽ phải bỏ phiếu cho ai. Cũng tại thời điểm này này năm 2012, cả Tổng thống Obama và ông Romney cũng đều “bất phân thắng bại” trong các cuộc thăm dò ngay trước thềm bầu cử. Tuy nhiên, sau đó, ông Obama đã giành chiến thắng áp đảo với 4 điểm phần trăm vượt mức cần thiết.
 
Trong một động thái giáng vào nỗ lực của ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump, thẩm phán liên bang Gerald Pappert ngày 3-11 đã ủng hộ một đạo luật của bang Pennsylvania, theo đó sẽ khiến những người ủng hộ tỷ phú này gặp khó khăn trong việc giám sát hoạt động bầu cử tại các khu vực có thiên hướng ủng hộ đảng Dân chủ.
 
Trước đó, ông Trump đã nhiều lần tuyên bố rằng cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 8-11 tới có thể sẽ bị gian lận và kêu gọi những người ủng hộ theo dõi chặt các dấu hiệu gian lận tại thành phố Philadelphia (thủ phủ bang Pennsylvania) và các khu vực khác chịu ảnh hưởng mạnh của Đảng Dân chủ. Những người thuộc phe Dân chủ lo ngại rằng điều này có thể khuyến khích những người ủng hộ ông Trump gây khó dễ cho các cử tri nói tiếng Tây Ban Nha, cử tri Mỹ gốc Phi và các cộng đồng thiểu số khác tại Philadelphia, vốn được coi là có thể quyết định khả năng ông Trump hay đối thủ Hillary Clinton bên đảng Dân chủ đắc cử Tổng thống Mỹ.
 
Theo luật pháp bang Pennsylvania, những người giám sát bầu cử lưỡng đảng chỉ được làm công việc này ở những nơi họ đăng ký bỏ phiếu. Điều này gây khó khăn cho việc tuyển mộ những người giám sát ở những khu vực bầu cử như Philadelphia, nơi những người ủng hộ Đảng Dân chủ vượt trội so với phe Cộng hòa với tỷ lệ 8-1. 
 
Tổng thống Obama cho biết, ông sẽ không ủng hộ ứng cử viên Tổng thống Hillary Clinton nếu như không tuyệt đối tin tưởng vào bà. (Ảnh: Getty)
Tổng thống Obama dành sự ủng hộ rất lớn cho ứng cử viên Hillary Clinton. (Ảnh: Getty)
 
Đảng Cộng hòa tại bang Pennsylvania đã tìm cách chấm dứt áp dụng yêu cầu này để những người ủng hộ từ khu vực ngoại ô và nông thôn, nơi ông Trump có tỷ lệ ủng hộ cao hơn, có thể đến Philadelphia giám sát quá trình bỏ phiếu. Tuy nhiên, thẩm phán Pappert đã bác bỏ yêu cầu này vì cho rằng việc sửa đổi luật vào thời điểm chỉ còn cách ngày bầu cử chưa đầy 1 tuần là không chắc chắn.
Thêm một lợi thế cho bà Hillary Clinton khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng kêu gọi các cử tri nước này cân nhắc kỹ trước khi bỏ phiếu cho ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump, nhấn mạnh rằng tương lai của nước Mỹ nói chung và đảng Cộng hòa nói riêng phụ thuộc vào sự lựa chọn của họ.
 
Phát biểu tại thành phố Chapel Hill, bang North Carolina, một trong số các bang "chiến địa" tập trung nhiều cộng đồng người da màu, Tổng thống Obama một lần nữa kêu gọi cử tri Mỹ tin tưởng và bỏ phiếu cho ứng cử viên Dân chủ Hilary Clinton, nhấn mạnh rằng nữ chính khách này xứng đáng trở thành vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Ông không quên nhấn mạnh tầm quan trọng của cộng đồng người Mỹ gốc Phi, đặc biệt là người da màu tại North Carolina đã hậu thuẫn ông trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ cũng quan ngại rằng lá phiếu của người da màu ủng hộ bà Clinton "đã không mạnh mẽ như mong đợi," đồng thời nhấn mạnh chỉ có bà Clinton mới là người đấu tranh vì quyền lợi của họ.
 
Trong bối cảnh nhiều cử tri vẫn còn do dự và tỷ lệ ủng hộ ông Trump có xu hướng tăng, thu hẹp cách biệt với bà Clinton trong giai đoạn nước rút này, Tổng thống Obama nhấn mạnh "số phận của đảng Cộng hòa" đang phụ thuộc vào quyết định của họ. Mô tả tỷ phú Trump "không thích hợp" với vai trò người đứng đầu chính phủ Mỹ, ông cho rằng bản chất phân biệt đối xử của vị tỷ phú bất động sản sẽ không thay đổi. 
 
Trong cuộc bầu cử ngày 8-11, đảng Dân chủ còn đặt mục tiêu giành lại kiểm quyền soát tại Thượng viện, nơi phe Cộng hòa chiếm đa số đã gây không ít khó khăn cho các chính sách của chính quyền trong hai năm cuối nhiệm kỳ vừa qua. Tổng thống Obama nêu rõ cử tri cần sáng suốt với lá phiếu của mình và sự công bằng, sự đúng đắn, lẽ phải, sự tiến bộ và nền dân chủ của nước Mỹ đều phụ thuộc vào phiếu bầu của họ.
 
Hồng Hải (Theo VOV, TTXVN)
 

Ý kiến bạn đọc