Multimedia Đọc Báo in

Mỹ - Philippines và nỗ lực "cứu" quan hệ đồng minh

19:59, 25/10/2016
Ngày 24-10, ông Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương bắt đầu chuyến thăm tới Philippines, trạm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du 3 nước Đông Nam Á gồm Philippines, Thái Lan và Campuchia.
 
Chuyến thăm của nhà ngoại giao cấp cao Mỹ diễn ra trong bối cảnh có nhiều vấn đề “khó hiểu” đang bủa vây mối quan hệ Mỹ-Philippines, nhất là sau những chỉ trích nặng nề của Tổng thống Philippines nhằm vào cá nhân Tổng thống Mỹ và quan hệ hai nước.
 
Ngay khi đặt chân đến Manila, ông Daniel Russel đã có cuộc gặp Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay. Mặc dù nội dung chi tiết của cuộc gặp không được công bố, song hai bên đều nhấn mạnh đến mối quan hệ đồng minh giữa hai nước, bất chấp những sóng gió gần đây. 
 
Ông Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương trả lời phỏng vấn sau cuộc gặp Ngoại trưởng Philippines. (Ảnh: AFP)
Ông Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương trả lời phỏng vấn sau cuộc gặp Ngoại trưởng Philippines. (Ảnh: AFP)
 
Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp này, ông Russel khẳng định, Philippines vẫn là đồng minh quan trọng của Mỹ tại khu vực châu Á Thái Bình Dương. Ông nhắc lại cam kết của Mỹ trong việc ủng hộ mạnh mẽ đối với Philippines. “Chúng tôi vẫn duy trì những cam kết của mình, và tôi hy vọng vào Philippines như một đối tác tin cậy, đồng minh mạnh mẽ. Chúng tôi luôn vững tin vào những cam kết của mình trên cơ sở luật pháp quốc tế và đứng về phía Philippines. Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực chống lại tội phạm ma túy. Và tôi đã giải thích cách mà Mỹ có thể hỗ hợ Philippines bảo vệ cộng đồng của các bạn trước các mối nguy hiểm từ tội phạm ma túy”, ông Russel nói.
 
Ông Russel cũng cho biết, hai bên đã thảo luận nhiều về việc củng cố mối quan hệ song phương, đặc biệt là sau tuyên bố của Tổng thống Philippines Duterte muốn “chia tay” với Mỹ và thay vào đó bằng liên kết với Trung Quốc. Ông Russel nói: “Chúng tôi ủng hộ đối thoại trực tiếp, các cuộc đàm phán giữa Philippines và Trung Quốc, miễn là các cuộc đàm phán đó được Philippines chấp nhận và phù hợp với luật pháp quốc tế. Vì vậy, sẽ là một sai lầm khi nghĩ rằng việc cải thiện mối quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc sẽ tổn hại đến Mỹ”.
 
Trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tuần trước, Tổng thống Philippines Duterte liên tục tuyên bố “tạm biệt” Mỹ và thay vào đó sẽ liên kết với Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, khi về nước hôm 22-10, ông lại nói Mỹ vẫn là “người bạn gần gũi nhất” của Philippines. Ông Duterte khẳng định sẽ không cắt đứt quan hệ đồng minh với Mỹ, và rằng bình luận về việc "chia tách" với Washington trước đó chỉ có ý nghĩa là một dấu hiệu về một chính sách đối ngoại độc lập của Manila chứ không nhất thiết đi theo chính sách đối ngoại của Mỹ. Bên cạnh đó, ông cũng khẳng định sẽ không cắt đứt quan hệ đồng minh với Mỹ, bởi duy trì quan hệ với Washington là lợi ích tốt nhất của Philippines và rằng người dân nước này chưa sẵn sàng chấp nhận điều đó.
 
Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay ngày 22-10 cũng cho biết Mỹ vẫn là “đồng minh thân thiết nhất” của Philippines nhưng Manila lại muốn thoát khỏi “quan niệm phụ thuộc và phục vụ Mỹ” và thúc đẩy các mối quan hệ gần gũi hơn với các nước khác.
 
Trên trang Facebook, ông Yasay viết Tổng thống Duterte nhấn mạnh rõ ràng rằng duy trì các quan hệ với Washington không nằm trong lợi ích của quốc gia này. Tuy nhiên, tuyên bố “rời xa” Mỹ của Tổng thống Philippines ngụ ý “thoát khỏi quan niệm phụ thuộc và phục vụ cho Mỹ - xét về khía cạnh kinh tế và quân sự - điều khắc họa hình ảnh người em da vàng bé nhỏ (cách người Mỹ gọi người Philippines) đối với nước Mỹ nhưng lại kìm hãm sự phát triển và tiến bộ của chúng tôi.”
 
Ông Yasay còn cho biết Tổng thống Duterte đã nói với Chủ tịch Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo khác của Trung Quốc trong chuyến thăm Bắc Kinh rằng “nếu họ không sẵn lòng hỗ trợ..., người Philippines sẽ tự mình tạo nên vận mệnh, bất chấp những khó khăn lớn”. 
 
Đây không phải là lần đầu tiên ông Duterte có những phát ngôn “tiền hậu bất nhất” về mối quan hệ với Mỹ. Ông từng lăng mạ Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhưng sau đó lại tuyên bố rằng đó chỉ là “nói đùa”. 
 
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. (Nguồn: EPA/TTXVN)
 
Những phát ngôn gây tranh cãi của nhà lãnh đạo Philippines đang phủ bóng lên chiến lược xoay trục về phía châu Á của Tổng thống Mỹ Obama - chiến lược nhằm đối trọng với sự nổi lên của Trung Quốc.
 
Chuyến thăm Philippines lần này của ông Daniel Russel cũng là cơ hội để làm rõ mối quan hệ hiện nay và trong tương lai giữa hai nước. Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay cũng đã phải lên tiếng trấn an sau những “hiểu lầm” trước đó. “Có một điều chắc chắn rằng chúng ta vẫn có thể nói chuyện với nhau, cố gắng giải quyết bất cứ điều gì khác biệt và làm rõ những vấn đề sẽ phải làm. Bản thân tôi cam kết sẽ làm hết sức mình để chúng ta có thể tiếp tục đối thoại với nhau, để chắc chắn rằng sẽ không có những hiểu lầm trong mối quan hệ bạn bè của chúng ta. Mối quan hệ mạnh mẽ của chúng ta sẽ vẫn được tiếp tục”, ông Yasay nói.
 
Các nhà phân tích quốc tế cũng nhận định, Philippines sẽ không thể mở rộng cửa với Bắc Kinh và đóng sầm cánh cửa với Mỹ. Đó là cách mà Philippines sẽ tự đặt mình vào trò chơi đầy rẫy hiểm nguy, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.
Cho đến nay, kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều giữa Mỹ và Philippines đạt tới 18 tỷ USD trong năm 2015, trong khi thương mại giữa Philippines – Trung Quốc chỉ đạt ở mức gần 8 tỷ USD.
 
Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.