Thủ tướng Nhật Bản thăm Trân Châu Cảng: Sức mạnh của sự hòa giải
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 26-12 đã tới Trân Châu Cảng trong chuyến thăm 2 ngày quần đảo Hawaii, Mỹ.
Đây là sự kiện được đánh giá là mang tính lịch sử khi là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Nhật Bản tới địa điểm này, nơi diễn ra trận Trân Châu Cảng cách đây 75 năm.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm 2 ngày này, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama, 7 tháng sau chuyến thăm của nhà lãnh đạo Mỹ tới Hiroshima.
Địa điểm đầu tiên Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đặt chân tới ngay khi đến Hawaii là Nghĩa trang Quốc gia Thái Bình Dương, nơi tưởng nhớ những nạn nhân thiệt mạng trong trận Trân Châu Cảng cách đây đúng 75 năm. Cùng đi với ông có Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida, Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada và Đại sứ Mỹ ở Nhật Bản Caroline Kennedy.
Cách đây 75 năm, ngày 7-12-1941, phát xít Nhật đã tiến hành cuộc tấn công bất ngờ nhằm vào lực lượng Hải quân Mỹ tại Hawaii, còn gọi là trận Trân Châu Cảng, dẫn đến việc Mỹ sau đó quyết định tham gia vào Chiến tranh thế giới thứ hai. Bốn năm sau đó, tháng 8-1945, quân đội Mỹ đã ném bom nguyên tử xuống 2 thành phố của Nhật Bản là Hiroshima và Nagasaki.
Theo các nhà phân tích, giữa Nhật Bản và Mỹ có một lịch sử phức tạp cần phải vượt qua và tấm gương phản chiếu rõ nhất chính là chuyến thăm Hiroshima của Tổng thống Mỹ Barack Obama cách đây 7 tháng và chuyến thăm Trân Châu Cảng của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Trước khi lên đường tới Hawaii, Thủ tướng Abe cho biết ông muốn tới thăm khu tưởng niệm sự kiện này vì theo ông, thế giới không bao giờ được phép lặp lại sự kinh hoàng của chiến tranh một lần nữa.
Cùng với Tổng thống Obama, ông Abe muốn bày tỏ với thế giới về cam kết cho tương lai và giá trị của hòa giải. Bà Marianne Peron-Doise, chuyên gia phân tích thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược của Trường quân sự Pháp cho biết: “Chuyến thăm Hawaii của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong bối cảnh 70 năm quan hệ Nhật Bản- Mỹ, một mối quan hệ được đánh giá là rất chặt chẽ, song cũng khó dự đoán đối với cả với Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Nhật Bản Abe. Bản thân ông Obama cũng không thể nào biết trước được liệu người kế nhiệm của mình có tiếp tục chính sách xoay trục tại châu Á-Thái Bình Dương hay không. Còn đối với Thủ tướng Nhật Bản Abe, đó là sự nổi lên của Trung Quốc tại khu vực, cũng như những vấn đề tại Đông Bắc Á”.
Thủ tướng Abe đã tới đặt hoa tại Nghĩa trang Quốc gia Thái Bình Dương. (Nguồn: Reuters) |
Cuộc gặp mặt tại Trân Châu Cảng là động thái mới nhất của ông Abe trong việc củng cố hệ thống liên minh bên ngoài nước Nhật để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Bởi theo các nhà phân tích, 4 năm trên cương vị Thủ tướng, ông Abe hiểu rằng, ông có thể nắm giữ một cơ hội để bảo đảm cho sự thay đổi Hiến pháp mang tính bước ngoặt của Nhật Bản về chủ nghĩa hòa bình thời hậu chiến, điều có thể giúp Nhật Bản hội nhập quốc tế, nhưng có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc.
Chính vì thế, cũng giống như những gì ông Obama đã làm ở Hiroshima, Thủ tướng Abe nhấn mạnh ông sẽ không đưa ra lời xin lỗi tại Trân Châu Cảng, mà thay vào đó, ông Abe sẽ coi cuộc gặp gỡ nhằm để “an ủi linh hồn các nạn nhân” và “cho thấy sức mạnh của sự hòa giải đã biến những kẻ thù cố hữu thành những đồng minh thân thiết”.
Trong một diễn biến khác, vào ngày 27-12, Chính phủ Nhật Bản đã nối lại việc xây dựng một căn cứ không quân chủ chốt của Mỹ tại một khu vực mới thuộc tỉnh Okinawa, sau khi đình chỉ công trình này hồi tháng 3 do bất đồng với chính quyền địa phương về việc tái bố trí căn cứ.
Động thái trên diễn ra sau khi Tỉnh trưởng Okinawa Takeshi Onaga ngày 26-12 rút lại quyết định ngăn cản việc tái bố trí này sau thất bại gần đây trong vụ kiện chính quyền trung ương liên quan kế hoạch tái bố trí căn cứ không quân Futenma của lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ.
Trước đó, hồi tháng 10-2015, ông Onaga đã huỷ bỏ quyết định của người tiền nhiệm là ông Hirokazu Nakaima hồi năm 2013 chấp thuận kế hoạch của chính quyền trung ương, theo đó cho san lấp đất để di dời căn cứ không quân Futenma từ khu vực đông dân cư tại Ginowan tới khu vực duyên hải thưa dân ở Nago. Tuy nhiên, chính quyền trung ương Nhật Bản đã kiện ông Onaga về động thái trên, và ngày 20-12 vừa qua Tòa án Tối cao Nhật Bản đã phán quyết việc ông Onaga hủy bỏ quyết định của người tiền nhiệm là trái luật.
Sau nhiều thập kỷ là nơi đồn trú của các căn cứ Mỹ tại Nhật Bản, nhiều người dân ở Okinawa muốn tái bố trí các căn cứ này ở ngoài địa phận tỉnh này. Họ tức giận vì những tiếng ồn do máy bay gây ra, các vụ tai nạn và phạm tội liên quan tới binh sĩ Mỹ cũng như mối quan ngại về an ninh sau vụ một máy bay vận tải Osprey của Mỹ rơi ngày 13-12 vừa qua ở ngoài khơi Nago cũng thuộc tỉnh Okinawa.
Tuy nhiên, chính quyền trung ương Nhật Bản duy trì quan điểm rằng kế hoạch tái bố trí hiện nay là giải pháp duy nhất để loại bỏ những nguy hiểm do căn cứ Futenma hiện nằm gần các trường học và nơi cư trú của người dân. Trong khi đó, khoảng 250 người đã tụ tập gần công trường xây dựng ở Henoko để phải đối kế hoạch tái bố trí trên.
Hồng Hà (Theo VOV, Vietnam+)
Ý kiến bạn đọc