Multimedia Đọc Báo in

Các nước châu Âu nơm nớp nỗi lo bị khủng bố trong mùa Giáng sinh

17:35, 21/12/2016

Ngày 20-12, nhiều quốc gia châu Âu đã đồng loạt tăng cường an ninh sau vụ Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ bị ám sát và vụ tấn công bằng xe tải nhằm vào một khu chợ Giáng sinh ở Berlin (Đức) tối 19-12 làm ít nhất 12 người thiệt mạng.

Tại Rome, các biện pháp chống khủng bố đã được tăng cường trên khắp Italy.

Tân Bộ trưởng Nội vụ Italy Marco Minniti sáng 20-12 đã làm việc với Tư lệnh cảnh sát Franco Gabrielli, bàn các biện pháp đối phó trong trường hợp xảy ra tấn công khủng bố. Ủy ban Chống khủng bố Italy cũng nhóm họp để đánh giá nguy cơ tấn công khủng bố ở nước này.

Cũng như nhiều nước châu Âu khác, các thành phố lớn của Italy là nơi thường có những khu chợ Giáng sinh sầm uất, nhất là ở khu vực miền Bắc. Tại thành phố Bolzano, nơi có khu chợ Giáng sinh đông đúc và nổi tiếng bậc nhất miền Bắc Italy, các đơn vị an ninh, cùng nhiều lực lượng hỗ trợ khác, đã được đặt trong tình trạng báo động cao.

Hiện trường vụ tấn công chợ Giáng sinh tại Berlin. Ảnh: Reuters
Hiện trường vụ tấn công chợ Giáng sinh tại Berlin. (Ảnh: Reuters)

Italy hiện vẫn đang áp dụng mức báo động an ninh ở cấp độ 2, cấp độ cao nhất trong tình huống chưa xảy ra tấn công khủng bố, kể từ sau loạt vụ tấn công khủng bố ở Paris hồi tháng 11 năm ngoái. Italy và đặc biệt là thủ đô Rome, lâu nay luôn là mục tiêu đe dọa bị tấn công khủng bố.

Tại Anh, nguồn tin cảnh sát thành phố London ngày 20-12 cho biết họ đang xem xét lại kế hoạch bảo đảm an ninh tại các sự kiện lớn diễn ra trong mùa Giáng sinh, sau hai vụ tấn công kể trên. Tuyên bố của cơ quan trên nêu rõ: "Cảnh sát thủ đô London đã có kế hoạch chi tiết về bảo đảm an ninh tại các sự kiện lớn trong mùa Giáng sinh và Năm mới. Như một biện pháp đề phòng thông thường, chúng tôi xem xét lại các kế hoạch an ninh sau khi xảy ra những vụ tấn công ở nước ngoài, và hiện chúng tôi đang làm như vậy sau hai vụ việc tồi tệ tại Berlin và Ankara vào tối qua".

Trong khi đó, Bộ Nội vụ Đức cho biết các khu chợ Giáng Sinh ở Berlin sẽ đóng cửa trong ngày 20-12 để tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ đâm xe tải tối 19-12. Các khu chợ Giáng sinh cùng nhiều sự kiện lớn khác sẽ vẫn diễn ra trên toàn nước Đức.

Theo AFP/Reuters, ngày 20-12, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết nhà chức trách nước này tin rằng vụ đâm xe tải tại khu chợ Giáng Sinh ở thủ đô Berlin là "một vụ tấn công khủng bố" do một người xin tị nạn thực hiện. Phát biểu trước báo giới trong một bộ đồ màu đen, Thủ tướng Merkel nêu rõ: "Theo như những gì chúng ta đã biết, chúng ta phải thừa nhận đây là một vụ tấn công khủng bố. Tôi biết là chúng ta sẽ rất khó chấp nhận nếu đúng là kẻ thực hiện vụ tấn công này đang xin tị nạn tại Đức".

Báo Die Welt của Đức dẫn báo cáo từ cảnh sát cho thấy nghi phạm vụ tấn công trên có giấy phép tạm trú từ tháng 6-2016.

Cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ bang Saarland Klaus Bouillon cho rằng nước Đức đang ở trong tình trạng chiến tranh, sau khi xảy ra vụ tấn công ở Berlin khiến 12 người thiệt mạng và 48 người bị thương. Bộ trên cũng cho rằng những biện pháp phù hợp nhằm tăng cường an ninh cần phải được quyết định ngay tại chỗ.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere, hiện đã xuất hiện những tuyên bố gián tiếp ám chỉ rằng tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đứng sau vụ tấn công bằng xe tải ở Berlin, song IS vẫn chưa chính thức thừa nhận.

Vụ tấn công tại Berlin đã một lần nữa gây rúng động châu Âu. Kể từ sau vụ tấn công nhằm vào tòa soạn báo Charlie Hebdo của Pháp hồi đầu năm 2015, một châu Âu vốn nổi tiếng yên bình lại phải đứng trước những mối nguy cơ lớn về an ninh.

Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ đâm xe tải vào khu chợ Giáng Sinh đông đúc ở trung tâm thủ đô Berlin của Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ đâm xe tải vào khu chợ Giáng Sinh đông đúc ở trung tâm thủ đô Berlin của Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một loạt biện pháp tăng cường an ninh đã được đưa ra như tăng cường trao đổi thông tin tình báo giữa các nước thành viên, tăng cường vai trò của lực lượng cảnh sát châu Âu. Những biện pháp này cũng đã bắt đầu phát huy hiệu quả, song dường như chỉ thế thôi là chưa đủ. Bởi có thể nói châu Âu hiện là một trong những châu lục dễ bị tổn thương nhất bởi chủ nghĩa khủng bố, một phần là do sự bất lực của các nhà lãnh đạo khu vực trước cuộc khủng hoảng nhập cư hiện nay, cùng với những chính sách tự do về đi lại đã tạo cơ hội cho những kẻ khủng bố trà trộn và gieo rắc tư tưởng cực đoan ngay chính trong lòng châu Âu.

Vụ tấn công tại Đức một lần nữa cho thấy những lỗ hổng an ninh không dễ lấp đầy tại châu Âu. Thực tế là các nhà chức trách không chỉ của Đức mà của tất cả các nước châu Âu khác đều đã được cảnh báo về nguy cơ khủng bố trong dịp Giáng Sinh và Năm mới, từ nguy cơ, cách thức, cho đến những địa điểm tiềm tàng nhất... Thậm chí, một báo cáo mới đây của Cơ quan cảnh sát châu Âu còn đặc biệt nhấn mạnh tới cách thức tấn công mới bằng ô tô của những kẻ khủng bố.

Song có một điều chắc chắn là các vụ tấn công tại Pháp hồi tháng 1 và tháng 11-2015, tại Brussels và Zaventem của Bỉ tháng 3-2016, tại Nice tháng 7-2016 và tại Đức vừa qua càng tăng cường quyết tâm của 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu phối hợp hành động chống chủ nghĩa khủng bố. Một điều tra mới đây của Ủy ban châu Âu đã cho thấy, cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố là mối quan tâm lớn thứ 2 của người dân châu Âu sau nhập cư và còn cao hơn cả tình hình kinh tế của các quốc gia thành viên.

Dương Hà (Theo VOV, TTXVN)


Ý kiến bạn đọc