Multimedia Đọc Báo in

Các nước tìm cách ứng phó với quyết sách của Chính phủ Mỹ

08:49, 10/02/2017

Theo Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến sẽ đề xuất các cuộc đàm phán mới giữa Mỹ và Nhật Bản (ở cấp nội các) để bàn thảo về thương mại, an ninh và các vấn đề kinh tế vĩ mô (trong đó có tiền tệ) khi có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 10-2.

Trong khi đó, theo Đại sứ Honduras tại Mexico Alden Rivera, Bộ trưởng Ngoại giao các nước Mexico, Honduras, El Salvadorvà Guatemala sẽ nhóm họp tại Mexico trong tuần tới để thảo luận về chính sách nhập cư nhằm "ứng phó" với các quyết định liên quan của tân chính quyền Mỹ. Ông Rivera cho biết lo ngại chính của ông là một sự thay đổi về chính sách nhập cư của Mỹ và cách thức phản ứng của Mexico đối với vấn đề này. 

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (phải) và người đồng cấp Canada Chrystia Freeland (trái) tại cuộc gặp ở Washington, DC, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (phải) và người đồng cấp Canada Chrystia Freeland (trái) tại cuộc gặp ở Washington, DC, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hồi tháng 11-2016, hãng Reuters (Anh) đưa tin Honduras , El Salvador và Guatemala đã nhất trí cùng nỗ lực tìm kiếm sự hỗ trợ từ Mexico để xây dựng biện pháp chung của nhóm nước này nhằm đối phó với những thay đổi về chính sách của Mỹ.

Một sự kiện đáng chú ý khác là Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã có cuộc gặp với những quan chức đồng nhiệm của Canada và Mexico vào ngày 8-2 trong bối cảnh xuất hiện nhiều lo ngại về chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump. 

Canada, Mexico và Mỹ là thành viên Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) mà ông Trump coi là “thảm họa” đối với việc làm của người dân Mỹ và đe dọa sẽ tiến hành đàm phán lại về hiệp định này.

Còn trong cuộc phỏng vấn của hãng tin AP (Mỹ), cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter cho hay hàng triệu việc làm có thể tạo ra tại Mỹ nếu Tổng thống Donald Trump ủng hộ phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như địa nhiệt, năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Ông Carter, Tổng thống đầu tiên của Mỹ cho phép lắp đặt các tấm thu năng lượng Mặt trời tại Nhà trắng, hy vọng ông Trump sẽ “cân nhắc kỹ càng” vấn đề trên.

Trong khi đó, các nước Trung Đông rơi vào tình trạng chia rẽ sau lệnh cấm nhập cảnh của Mỹ. Theo New York Times, thủ lĩnh tinh thần tối cao Iran - Đại giáo chủ Ali Khamenei ngày 7 - 2 đã kêu gọi người dân Iran tham gia tuần hành vào ngày 10-2 nhân kỷ niệm cách mạng Hồi giáo năm 1979 để thể hiện họ không sợ hãi những mối đe dọa từ Mỹ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cấm công dân Iran cùng 6 quốc gia Trung Đông khác (Iraq, Libya, Syria, Sudan, Yemen và Somalia) vào Mỹ, đồng thời liệt Iran “vào diện phải để ý” sau các vụ thử tên lửa.

Không chỉ có Iran, ngay tại Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng lên án sắc lệnh được xem là mang tính chất kỳ thị. Theo các chuyên gia, danh sách 7 nước này không có ý nghĩa ngăn chặn các đe dọa khủng bố như chủ trương của ông Trump. Ông Trump nhiều lần khẳng định, rõ ràng có các liên hệ giữa các vụ khủng bố mới đây tại châu Âu và việc tiếp nhận người tị nạn theo đạo Hồi, đặc biệt là chính sách mở rộng cánh cửa với người tị nạn của Đức. Tuy nhiên, theo chuyên gia an ninh Mỹ David Ibsen, phần lớn thủ phạm các vụ khủng bố tại châu Âu và Mỹ không phải là công dân của 7 nước trong danh sách cấm. Thủ phạm 2 vụ tấn công mới đây ở Berlin (Đức) và Nice (Pháp) là 2 công dân Tunisia. Phần lớn các kẻ khủng bố nhắm vào các nước châu Âu đều gốc Bắc Phi, như Algeria, Tunisia, Morocco. Còn kẻ khủng bố nhắm vào cuộc chạy đua marathon Boston (Mỹ) năm 2013 là 2 người gốc Cộng hòa Chechnya thuộc Nga...

Một nhóm người Hồi giáo biểu tình phản đối sắc lệnh cấm nhập cảnh của Chính phủ Mỹ - See more at: http://www.sggp.org.vn/thegioi/2017/2/448803/#sthash.15EhRbbh.dpuf
Một nhóm người Hồi giáo biểu tình phản đối sắc lệnh cấm nhập cảnh của Chính phủ Mỹ  

Công luận đặt câu hỏi: Vì sao chính quyền Tổng thống Trump, trong khi tỏ ra khắc khe với 7 quốc gia Hồi giáo nói trên, lại tỏ ra hết sức nương nhẹ với rất nhiều quốc gia Hồi giáo khác, trong đó có Saudi Arabia, nơi “xuất khẩu” 15/19 thủ phạm trong vụ khủng bố ngày 11-9-2001 nhắm vào Mỹ? Lý giải về điều này, một số nhà phân tích cho rằng, chính quyền Tổng thống Trump cũng như các chính quyền Mỹ lâu nay vẫn coi Saudi Arabia là đồng minh. Ngoài ra, gia đình ông Trump còn có cơ sở làm ăn tại quốc gia vùng Vịnh này khi năm 2015, ông đăng ký 8 công ty kinh doanh khách sạn tại Saudi Arabia. 

Tại Iraq, lệnh cấm sẽ làm suy yếu vị thế của Chính phủ Iraq thân Mỹ, tạo cơ hội cho phe đối lập thân Iran. Quốc hội Iraq kêu gọi chính phủ nước này trả đũa Mỹ bằng cách cấm công dân Mỹ, động thái có thể tạo ra sự bất lợi đối với hơn 5.000 quân nhân Mỹ đang hỗ trợ các lực lượng Iraq chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tại Iran, sắc lệnh của ông Trump sẽ giúp phe không ủng hộ việc thỏa hiệp và đàm phán với Mỹ thêm cứng rắn hơn.

Việc Iran, vốn không phải là nước “xuất khẩu” khủng bố lại bị lọt vào danh sách cấm, theo giáo sư chính trị học Pháp Mathieu Guidere, điều này có thể giải thích bởi thế đối địch tại khu vực Trung cận Đông, giữa Iran (Hồi giáo dòng Shiite) với Israel và Saudi Arabia (Hồi giáo dòng Sunni). Chính quyền Tổng thống Trump chọn đứng về phía Israel và Saudi Arabia thông qua sắc lệnh cấm nhập cảnh trên sẽ càng đẩy mạnh sự đối đầu trong khu vực Trung Đông giữa các ông lớn trong khu vực này.

Dương Hà (Theo TTXVN, SGGP)
 


Ý kiến bạn đọc