Multimedia Đọc Báo in

Giao tranh tại Syria vẫn tiếp diễn bất chấp hòa đàm được nối lại

12:18, 26/02/2017

Đặc phái viên Liên hiệp quốc về Syria De Mistura thông báo các phe phái ở Syria đã chấp thuận các bước đàm phán trực tiếp. Thời gian do phe đối lập đưa ra khi thực hiện các bước chuyển tiếp chính trị ở Syria.

Tuyên bố này được đưa ra ngày 24-2 sau 2 ngày đàm phán riêng rẽ giữa đại diện phe đối lập và đại diện Chính phủ Syria với đại diện của Liên hiệp quốc tại Geneva, Thụy Sỹ.

Tại vòng đàm phán này, đại diện Liên hiệp quốc đã chuyển cho các bên một văn bản, trong đó đề cập tới các bước đàm phán tiếp theo và ý nghĩa của cuộc đàm phán đối với tương lai của Syria.

Vòng đàm phán hòa bình Syria ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 23/2. (Ảnh: Tân Hoa xã)
Vòng đàm phán hòa bình Syria ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 23-2. Ảnh: Tân Hoa xã

Đặc phái viên của Liên hiệp quốc De Mistura thừa nhận không thể mong đợi các bước đột phá nhanh chóng trong các cuộc đàm phán, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực. Ông cũng nhấn mạnh, Nghị quyết của Liên hiệp quốc số 2254 là cơ sở cho các cuộc đàm phán, trong đó có các điều khoản liên quan tới quá trình chuyển tiếp chính trị.

Thực tế, vòng đàm phán tại Geneva lần này diễn ra khi mà thành phần đoàn đàm phán của phe đố lập vẫn còn nhiều tranh cãi. Phe đối lập chưa thể thành lập được một đoàn đàm phán thống nhất, đại diện cho tất cả các phe phái đối lập ở Syria.

Trong khi đó ở trong nước, bạo lực vẫn xảy ra do các phần tử khủng bố IS thực hiện. Giao tranh ác liệt giữa các phe phái đối địch tại Syria vẫn tiếp tục diễn ra, đe dọa nghiêm trọng nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc tìm ra giải pháp chính trị lâu dài cho cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông này.

Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), có trụ sở ở Anh, cho biết các máy bay chiến đấu của quân đội Chính phủ Syria ngày 23-2 đã tiến hành không kích các khu vực do lực lượng nổi dậy kiểm soát ở các tỉnh Deraa, Hama và Aleppo, trong khi phiến quân nổi dậy nã rocket vào các mục tiêu của quân chính phủ.

Tại tỉnh miền Nam Deraa, nơi giao tranh bùng phát dữ dội trong tuần qua, lực lượng phiến quân đã cho nổ tung 1 xe ô tô chứa bom, trong khi các máy bay trực thăng của lực lượng chính phủ ném bom thùng xuống mục tiêu của quân nổi dậy. Lực lượng chính phủ cũng nã pháo vào những khu vực ngoại ô phía Tây thành phố Aleppo.

Theo một đơn vị tuyên truyền của phong trào Hezbollah, lực lượng đồng minh của chính quyền Syria, các máy bay chiến đấu của Nga và Syria đã tiến hành các đợt không kích chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở thành phố miền Đông Deir al-Zor - nơi vẫn đang bị IS kiểm soát gần như hoàn toàn.

Trong khi đó, dù mức độ bạo lực ở miền Tây Syria đã giảm hơn so với vài ngày trước, song những diễn biến mới nhất có thể đe dọa vòng hoà đàm vừa được nối lại tại Thụy Sĩ, gần hai tháng sau khi một thỏa thuận ngừng bắn mong manh giữa quân chính phủ Syria và các phiến quân nổi dậy đổ vỡ, với các bên cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận.

Đánh giá về triển vọng của vòng hòa đàm đang diễn ra tại Geneva, giới phân tích tại khu vực Trung Đông cho rằng không có nhiều kỳ vọng về một kết quả khả quan, coi đây chỉ là sự khởi đầu cho một tiến trình đàm phán có thể còn kéo dài. 

Hiện trường vụ đánh bom ở thị trấn gần Al-bab ở miền Bắc Syria. (Ảnh: AFP)
Hiện trường vụ đánh bom ở thị trấn gần Al-bab ở miền Bắc Syria. (nh: AFP

Kể từ vòng đàm phán hòa bình gần nhất tháng 4-2016, vị thế của phe đối lập đã yếu đi đáng kể cả về mặt quân sự và ngoại giao. Quân đội Syria đã giành lại thành phố chiến lược Aleppo ở phía Bắc Syria, trong khi đó, Mỹ tuyên bố đang xem xét lại chính sách về Syria dưới thời của tân Tổng thống Donald Trump. Đây đều là những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến đàm phán.

Theo đánh giá của giới phân tích, vấn đề mấu chốt của các vòng đàm phán hòa bình về Syria vẫn là tương lai chính trị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Trong khi phe đối lập yêu cầu ông al-Assad phải từ bỏ quyền lực trước khi thành lập một chính phủ chuyển tiếp, Chính phủ Syria lại kiên định với lập trường rằng số phận của ông al-Assad không thể được đưa ra thảo luận.

Đây là vấn đề khó nhượng bộ và thỏa hiệp giữa các phe phái đối địch tại Syria, trong bối cảnh xung đột và chiến tranh tại quốc gia Trung Đông này sắp bước sang năm thứ 7. Bất ổn chính trị và an ninh đã khiến hơn 310.000 người thiệt mạng tại Syria, hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán, kéo theo một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiệm trọng tại nước này.

Hà Dương (Theo VOV, Vietnam+)


Ý kiến bạn đọc