Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị An ninh Munich phác họa tương lai quan hệ xuyên Đại Tây Dương

17:45, 22/02/2017

Trong thời gian từ 17 đến 19-2, Hội nghị An ninh quốc tế - một trong những diễn đàn về chính sách đối ngoại và an ninh quan trọng nhất thế giới - đã được tổ chức tại Munich (Đức). Các đại biểu tham dự hội nghị tập trung thảo luận về tương lai quan hệ xuyên Đại Tây Dương, NATO và Liên minh châu Âu (EU), cuộc khủng hoảng tại Ukraine, mối quan hệ với Nga cũng như cuộc xung đột ở Syria. 

Hội nghị cũng đã chứng kiến những phác thảo đầu tiên trong bức tranh ngoại giao mới của Mỹ.

Mặc dù Chính phủ mới tại Mỹ tiếp tục trấn an các đồng minh truyền thống của mình trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng những bất đồng giữa hai bên khá sâu sắc, dự báo các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sẽ không dễ dàng trong thời gian tới.

hủ tướng Đức Angela Merkel và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tại Hội nghị An ninh Munich diễn ra từ ngày 17 đến 19-2-2017. (Ảnh: AP)
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tại Hội nghị An ninh Munich diễn ra từ ngày 17 đến 19-2-2017. (Ảnh: AP)

Kết thúc Hội nghị An ninh Munich, điều khiến các nhà lãnh đạo châu Âu có thể yên tâm, đó là Mỹ sẽ vẫn tiếp tục những cam kết mạnh mẽ với châu lục vì một nền quốc phòng chung. Thông điệp này đã được nhiều nhân vật cấp cao trong chính quyền mới của Mỹ khẳng định trong suốt 3 ngày diễn ra Hội nghị, xóa bỏ những nghi ngờ về một kịch bản mà nước Mỹ sẽ bỏ rơi các đồng minh truyền thống của mình.

Với khẳng định “số phận của Mỹ và châu Âu luôn song hành cùng nhau, khó khăn của châu Âu cũng là khó khăn của Mỹ”, Washington đã giúp các nước châu Âu tham gia hội nghị Munich bớt lo ngại hơn. Tuy nhiên, Phó Tổng thống Mỹ vẫn khẳng định, các đồng minh cần có sự chia sẻ công bằng trong việc gánh vác trách nhiệm chung của NATO.

Đáp ứng lời kêu gọi của Mỹ, tại Hội nghị an ninh Munich cũng chứng kiến một loạt cam kết của các nước NATO khẳng định tăng chi tiêu quốc phòng. Thủ tướng Đức Angela Merkel - quốc gia đang phải đối mặt với sức ép từ phía Mỹ về việc tăng chi tiêu quốc phòng cũng khẳng định, chính phủ nước này sẽ làm mọi điều có thể để đáp ứng mục tiêu chi tiêu 2% tổng sản lượng kinh tế cho quốc phòng đến năm 2024. Thủ tướng Merkel cho biết: “Đức là một quốc gia có trách nhiệm, giống như các nước khác đã đưa ra cam kết tăng chi tiêu quốc phòng tại hội nghị NATO năm 2014. Chính phủ Đức sẽ làm mọi điều có thể để thực hiện được mục tiêu này”.

Không chỉ là những cam kết ủng hộ NATO, Phó Tổng thống Mỹ Pence cũng mang theo những thông điệp cứng rắn nhằm vào Nga, trong bối cảnh nhiều nước châu Âu lo ngại Mỹ có thể nới lỏng lập trường với Nga. Ông Pence tuyên bố Nga phải tôn trọng Thỏa thuận hòa bình Minsk ký từ năm 2015 và chấm dứt tình trạng bạo lực ở miền Đông Ukraine.

Mặc dù vậy, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức an ninh cũng như vai trò ngày càng tăng của Nga trong các vấn đề quốc tế, các nhà lãnh đạo châu Âu và Mỹ cũng không thể phủ nhận sự cần thiết trong mối quan hệ hợp tác với Nga. Phó Tổng thống Pence khẳng định, chính quyền mới tại Mỹ vẫn đang tìm kiếm các biện pháp mới để thống nhất lập trường chung với Nga. 

Hội nghị An ninh Munich được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1963 tại một địa điểm có nhiều ý nghĩa đối với quan hệ Đức - Mỹ, hai trụ cột trong các chính sách an ninh của phương Tây. Đây là một trong những sự kiện đáng chú  ý nhất về chính sách đối ngoại và an ninh thế giới, với mục tiêu hướng tới giải quyết xung đột hòa bình, hợp tác quốc tế và thúc đẩy đối thoại.

Tuy nhiên, Hội nghị An ninh Munich năm nay được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm bởi diễn ra trong bối cảnh quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang gặp sóng gió, nhất là từ sau khi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã lỗi thời và không ngần ngại chỉ trích các chính sách của Liên minh châu Âu.

Song tại lần tham dự đầu tiên này, các phái viên của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những phát biểu được đánh giá là làm hài lòng các đồng minh châu Âu. Trong tràng vỗ tay của các đại biểu tham dự, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã khẳng định sự ủng hộ của Mỹ với NATO:  “Tôi có mặt tại đây là để gửi đi thông điệp của Tổng thống Mỹ rằng: Mỹ luôn ủng hộ mạnh mẽ NATO. Mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương là không thể phá vỡ. Đối với Mỹ, châu Âu vẫn là đồng minh lớn nhất", ông Pence nói.

Vậy liệu sau tuyên bố này, mọi thứ có thể quay trở lại quỹ đạo vốn có của nó hay không, tức là liệu nền quốc phòng chung còn có thể trụ vững sau khi đã trải qua 70 năm thử thách hay không?

Câu trả lời vẫn còn cần thời gian. Bởi tại Munich, đằng sau những cái bắt tay và nụ cười của các nhà lãnh đạo châu Âu và Mỹ, tương lai NATO cũng như các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương còn phụ thuộc vào những thay đổi của chính quyền tại các nước. Nếu như Mỹ, Anh và Ba Lan về một mức độ nào đó sẽ hài lòng với một tổ chức mang bản chất phòng thủ như vẫn tồn tại lâu nay và thậm chí còn coi đây là trục duy nhất cho hợp tác giữa các nước, thì những nước như Đức, Pháp hay Hà Lan lại nhấn mạnh tới tầm quan trọng của NATO, cho rằng, công cụ quốc phòng này vẫn là chưa đủ.

Trong một thế giới đa cực ngày càng không chắc chắn, chủ nghĩa đa phương mà Liên minh châu Âu và Liên hiệp quốc vẫn luôn coi là ưu tiên hàng đầu lại không nằm trong các kế hoạch của chính quyền mới tại Mỹ. Sự khác biệt này cũng cho thấy 2 cách nhìn về trật tự thế giới, giữa một bên là dựa trên sự răn đe và khả năng quân sự của các quốc gia với một bên là ưu tiên cho ngoại giao và các công cụ đối thoại.

Điều này thể hiện rõ ở cuộc tranh luận về vấn đề chi tiêu của NATO. Tại hội nghị thượng đỉnh hồi năm 2014, 28 nước thành viên NATO đã cam kết nâng ngân sách dành cho quốc phòng của mình lên 2% GDP từ nay đến năm 2014. Song tới nay chỉ có 5 nước tôn trọng cam kết này và từ nhiều năm nay, Mỹ luôn yêu cầu châu Âu phải chi tiêu nhiều hơn nữa cho quốc phòng.

Lãnh đạo Mỹ cho rằng việc thành viên NATO không tăng chi tiêu quốc phòng có thể làm xói mòn những giá trị cốt lõi của khối hiệp ước quân sự này. (Ảnh: usnews.com)
Lãnh đạo Mỹ cho rằng việc thành viên NATO không tăng chi tiêu quốc phòng có thể làm xói mòn những giá trị cốt lõi của khối hiệp ước quân sự này. (Ảnh: usnews.com)

Theo Thủ tướng Đức Angela Merkel, cần phải đánh giá an ninh trong tổng thể của nó. Nước Đức nói riêng, Liên minh châu Âu nói chung và một số quốc gia châu Âu cũng nằm trong số những nước đóng góp lớn nhất cho các chiến dịch hòa bình của Liên hiệp quốc. “Tôi xin nhấn mạnh rằng, Đức là một quốc gia có trách nhiệm, giống như các nước khác đã đưa ra cam kết tăng chi tiêu quốc phòng tại hội nghị NATO năm 2014. Chính phủ Đức sẽ làm mọi điều có thể để thực hiện được mục tiêu này”, bà Merkel nói.     

Có thể nói, tại Hội nghị An ninh Munich lần này đã diễn ra rất nhiều cuộc thảo luận về giá trị. Dù có những vấn đề không dễ tìm tiếng nói chung, song Hội nghị lần này cũng chứng kiến những tín hiệu tích cực từ cả hai bờ Đại Tây Dương sau những căng thẳng gần đây. Tất cả các nước tham dự đều nhất trí rằng, cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và Hồi giáo cực đoan là một ưu tiên, cần phải khôi phục đối  thoại với Nga.

Theo Chủ tịch Hội nghị An ninh Munich Wolfgang Ischinger, trong bối cảnh môi trường an ninh quốc tế mong manh nhất kể từ thời Chiến tranh Thế giới thứ 2, sự ổn định của phương Tây “ngày càng bị đe dọa từ bên trong lẫn bên ngoài”, các bên phải “tìm ra cách thức để bảo vệ và củng cố các giá trị căn bản".

Ông Wolfgang Ischinger cũng cảnh báo các nước châu Âu sắp tổ chức bầu cử cần cẩn trọng, tránh thể hiện những chính sách thể hiện lập trường ủng hộ hoặc phản đối chính quyền mới tại Mỹ. Bên cạnh đó, ông Ischinger cũng đề xuất các quốc gia châu Âu là thành viên NATO chi 3% GDP cho quốc phòng, hỗ trợ phát triển, cứu trợ nhân đạo cũng như thiết lập cơ chế giải quyết khủng hoảng trên toàn thế giới. Ông Ischinger cho rằng đây sẽ là một kế hoạch toàn diện và phù hợp hơn với yêu cầu dành 2% GDP riêng cho chi tiêu quốc phòng mà Mỹ đề ra.

Hồng Hải (Theo VOV, TTXVN)


Ý kiến bạn đọc