Multimedia Đọc Báo in

Nhà Trắng cấm nhiều hãng truyền thông lớn dự họp báo thường kỳ

19:23, 25/02/2017

Hàng loạt các hãng truyền thông lớn đã không được tham dự một cuộc họp báo thường kỳ ở Nhà Trắng vào ngày 24-2, làm dấy lên lo ngại chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phân biệt đối xử với các hãng tin tức. 

Khác với thường lệ, cuộc họp báo lần này được ghi hình và diễn ra tại văn phòng của Thư ký Nhà Trắng Sean Spicer chứ không phải phòng họp báo của Nhà Trắng.

Trong số các cơ quan báo chí bị cấm tham dự có CNN, Politico, The New York Times, The Los Angeles Times và BuzzFeed. Một số hãng truyền thông được mời tham dự có Reuters, Bloomberg, CBS, NBC, Fox News và ABC News. 

Spicer phủ nhận Nhà Trắng không cho CNN và New York Times dự họp báo vì không thích cách họ đưa tin. (Ảnh: Reuters).
Thư ký Nhà Trắng Sean Spicer phủ nhận Nhà Trắng không cho CNN và New York Times dự họp báo vì không thích cách họ đưa tin. (Ảnh: Reuters).

Riêng các phóng viên của hãng tin AP và Times dù được mời song đã bỏ ra ngoài phòng họp báo để thể hiện phản đối quyết định gây tranh cãi trên. 

Trong buổi họp báo, Thư ký Nhà Trắng Spicer không đề cập đến lý do một số hãng truyền thông bị cấm tham dự, một quyết định làm dấy lên sự phản đối mạnh mẽ. Ông cho biết việc quyết định tổ chức họp báo tại văn phòng cá nhân thay vì phòng họp báo Nhà Trắng để tránh quá đông phóng viên tham dự nhằm  bảo đảm có thể trả lời mọi câu hỏi của phóng viên. Ông nêu rõ: "Chúng tôi không nhất thiết phải ghi hình hằng ngày".

Quyết định của ông Spicer đã phải hứng chịu những chỉ trích gay gắt từ một số tờ báo không được tham dự. Tổng biên tập tờ The New York Times Dean Baquet nhấn mạnh chưa bao giờ trong lịch sử đưa tin các đời chính quyền Mỹ lại xảy ra sự việc như trên. Nhà báo này nhấn mạnh việc tự do tiếp cận thông tin với một chính phủ minh bạch là vì lợi ích quốc gia. 

Hãng CNN cũng đăng lời chỉ trích lên mạng xã hội Twitter khi nhấn mạnh quyết định trên là "không thể chấp nhận", đồng thời cho rằng đây là cách mà Nhà Trắng "trả đũa khi một hãng truyền thông đưa những thông tin mà họ không thích".

Trong khi đó, Hiệp hội báo chí Nhà Trắng cũng "phản đối mạnh mẽ" quyết định trên, đồng thời cho biết sẽ thảo luận thêm về vấn đề này với đội ngũ Nhà Trắng. 

"Cuộc chiến" giữa Tổng thống Trump và giới truyền thông dường như chưa có dấu hiệu lắng xuống khi vị chủ nhân Nhà Trắng liên tục chỉ trích ngành báo chí "không trung thực". Ông từng gọi các hãng truyền thông đưa tin tức giả mạo là "kẻ thù của người dân Mỹ", cho rằng sự thiếu trung thực của giới truyền thông đã "vượt ngoài tầm kiểm soát".

Trong khi đó, một cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy người dân Mỹ đang rất chia rẽ về việc liệu truyền thông Mỹ có nhìn nhận chính quyền của Tổng thống Donald Trump một cách công bằng hay không.

Theo một cuộc điều tra dư luận do Viện thăm dò dư luận lớn nhất thế giới Gallup có trụ sở tại Mỹ thực hiện, hơn một phần ba người dân Mỹ, tương đương 36% số người được hỏi cho rằng, truyền thông Mỹ đã quá khắt khe đối với Tổng thống Trump.

Trong khi đó, gần một phần ba dân số Mỹ cho rằng, truyền thông nước này đã có nhận định đúng về vị Tổng thống mới. Khoảng 28% số người được hỏi nói rằng, truyền thống Mỹ vẫn chưa đủ khắt khe.

Khuôn viên Nhà Trắng (Ảnh: article.wn.com)
Khuôn viên Nhà Trắng (Ảnh: article.wn.com)

Kết quả điều tra cũng cho thấy, đa phần những người ủng hộ Đảng Cộng hòa của ông Trump tin rằng, truyền thông Mỹ đã quá khắt khe với ông Trump. Trong khi có đến một nửa số người ủng hộ Đảng Dân chủ cho rằng, giới truyền thông nên khắt khe hơn với ông Trump.

Kết quả điều tra của Gallup cũng cho thấy, chính quyền của ông Trump đang phải vất vả đối phó với một số vấn đề được gọi là những thông tin đăng tải không công bằng của giới truyền thông đối với chính sách của ông, trong đó có không ít phương tiện truyền thông đã gọi chính sách cấm nhập cư của tân Tổng thống là sắc lệnh cấm Hồi giáo, đồng thời cho rằng, số người tham dự lễ nhậm chức của ông Trump là quá ít.

Kết quả điều tra của Gallup công bố cuối tháng 1 vừa qua khác xa so với kết quả điều tra mà Gallup từng công bố vào tháng 1-2009 đối với chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, với chỉ 11% người Mỹ cho rằng, truyền thông Mỹ đã quá khắt khe với ông Obama.

Như Hà (Theo VOV, TTXVN)


Ý kiến bạn đọc