Multimedia Đọc Báo in

Diễn đàn châu Á Bác Ngao: Nhìn thẳng vào tương lai của toàn cầu hóa

16:13, 24/03/2017

Diễn đàn châu Á Bác Ngao năm 2017 sẽ chính thức khai mạc vào ngày 25-3. Tuy nhiên, từ hôm 23-3, bên cạnh việc hoàn thiện công tác chuẩn bị đã bắt đầu diễn ra các phiên thảo luận và đối thoại chính thức trong khuôn khổ Diễn đàn.

Diễn đàn châu Á Bác Ngao năm nay sẽ tập trung thảo luận xoay quanh chủ đề: “Nhìn thẳng vào tương lai của toàn cầu hóa và tự do thương mại”. 

Diễn đàn châu Á Bác Ngao diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới trên đà phục hồi chậm, tăng trưởng theo xu thế ổn định, mức độ phân hóa được thu hẹp nhưng vẫn đối diện với nhiều khó khăn và rủi ro tiềm ẩn như tốc độ tăng trưởng về lao động sản xuất thấp, chênh lệch trong mức thu nhập ngày càng lớn dẫn đến mất ổn định xã hội, nợ công tăng cao, thị trường ngoại hối nhiều biến động, chủ nghĩa bảo hộ không ngừng gia tăng, nhân tố không xác định trong chính sách của các nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn khó nắm bắt.

Chủ đề của Diễn đàn năm nay là “Toàn cầu hóa trực diện và tương lai của thương mại tự do". Xoay quanh chủ đề này sẽ có 13 nội dung như toàn cầu hóa, tăng trưởng kinh tế, vấn đề cải cách, kinh tế mới, hợp tác khu vực, kinh tế vĩ mô, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, an ninh chính trị, bảo đảm an sinh xã hội... với 42 diễn đàn nhỏ, 12 cuộc trao đổi kín. Diễn đàn sẽ tiến hành thảo luận tất cả các góc độ khác nhau của tình hình kinh tế thế giới và châu Á, trong đó đi sâu thảo luận xoay quanh 4 nội dung chính là toàn cầu hóa, tăng trưởng, cải cách và hình thái kinh tế mới.

Lãnh đạo cấp cao các nước tại lễ khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2016. (Nguồn: THX/TTXVN)
Lãnh đạo cấp cao các nước tại lễ khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2016. (Ảnh: THX/TTXVN)

Với hình thức đa dạng, nội dung phong phú, diễn đàn năm nay thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới truyền thông cũng như dư luận. Ngoài ra, diễn đàn năm nay còn đề cập đến các vấn đề nóng như xây dựng “Một vành đai, một con đường", kinh tế chia sẻ, tinh thần người thợ. Diễn đàn năm nay là cơ hội quan trọng để thảo luận, tìm ra tiếng nói chung, biện pháp tích cực trong xu thế toàn cầu hóa nhằm đối phó với những khó khăn và rủi ro trong đà giảm tăng trưởng của kinh tế, từng bước hóa giải sức ép trong các lĩnh vực thúc đẩy kinh tế thế giới phát triển. Ngoài ra, các đại biểu sẽ có những đánh giá về tác động tích cực, tiêu cực của toàn cầu hóa, ảnh hưởng của toàn cầu hóa đối với lợi ích của những đối tượng không nằm trong guồng quay.

Theo thông báo mới nhất của Ban Tổ chức, Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ cùng hơn 80 đại biểu là nguyên thủ, quan chức và cựu quan chức chính phủ, đại diện các tổ chức quốc tế sẽ tham dự phiên khai mạc. Bên cạnh đó, diễn đàn còn có sự tham dự của một số nhà lãnh đạo thế giới như Tổng thống Madagascar, Tổng thống Liên bang Micronesia, Thủ tướng Nepal, Phó Tổng thống Myanmar...

Ngoài ra, còn có đại diện các doanh nghiệp lớn thuộc tốp 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới, 1.727 vị đại biểu là chính khách, thương gia, học giả, phóng viên đến từ 50 quốc gia và khu vực. Trong số này có 1.082 phóng viên Trung Quốc, quốc tế đến từ 195 cơ quan truyền thông thuộc 31 quốc gia và khu vực, bao gồm 736 phóng viên đến từ 93 cơ quan truyền thông của nước chủ nhà Trung Quốc.

Như Hồng (Theo VOV, TTXVN)


Ý kiến bạn đọc