Hội nghị thượng đỉnh EU: Nỗ lực hướng tới một châu Âu thống nhất
Ngày 9-3, Hội nghị thượng đỉnh Mùa Xuân của Liên minh châu Âu (EU) đã khai mạc tại Brussels (Brussels), Bỉ .
Hội nghị diễn ra trong 2 ngày tập trung thảo luận những vấn đề quan trọng của khối liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, thương mại, an ninh, nhập cư và đặc biệt là tương lai của một châu Âu thống nhất sau khi Anh rời khỏi khối (Brexit).
Với chủ trương thúc đẩy đầu tư, giữ vững tăng trưởng và tạo công ăn việc làm, hội nghị dành thời gian điểm lại những tiến bộ đạt được trong tiến trình phát triển thị trường chung và những mục tiêu thực hiện các chiến lược từ nay đến năm 2018.
Ông Donald Tusk tái đắc cử chức Chủ tịch Hội đồng châu Âu . (Ảnh: EPA) |
Đây có thể là Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu cuối cùng mà Thủ tướng Anh Theresa May tham dự, trước khi chính thức kích hoạt tiến trình đàm phán kéo dài 2 năm để ra khỏi Liên minh châu Âu. 27 nước thành viên còn lại trong ngày 10-3 tiếp tục cuộc họp mà không có sự tham dự của nhà lãnh đạo Anh, chuẩn bị cho một “châu Âu đoàn kết”- nội dung chính của cuộc họp thượng đỉnh tiếp theo tại Rome, Italy vào 25-3 tới, đúng dịp kỉ nệm 60 năm kí Hiệp ước Rome tạo nền móng thành lập Liên minh châu Âu.
"Một châu Âu thống nhất" là điều các nước thành viên EU đang hướng tới, sau hàng loạt các chia rẽ mà khối đang phải đối mặt gần đây liên quan đến vấn đề di cư, tăng trưởng, đặc biệt sau cuộc trưng cầu ý dân tại Anh về việc nước này quyết định rời khỏi ngôi nhà chung.
Tuy nhiên, con đường tới Rome vào cuối tháng này, với hy vọng EU có thể truyền tải một thông điệp đoàn kết vẫn đang phải đối mặt với những thách thức.
Những bất đồng về ý tưởng xây dựng châu Âu theo hình thức “đa tốc”, với việc các quốc gia thành viên có thể tự quyết những vấn đề liên quan tới mức độ hội nhập và liên kết khối cũng vẫn chưa đạt được sự thống nhất. Các nước lớn trong khối như Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha ủng hộ, nhưng một số nước Bắc và Đông Âu lo ngại “chính sách đa tốc” này có thể dẫn đến tình trạng chia rẽ và gây bất lợi cho họ.
Mặc dù vậy, một số quan chức EU đang tìm kiếm các thỏa hiệp để giải quyết bất đồng trong khối cho rằng thông điệp quan trọng đưa ra từ Rome sẽ phải là sự đoàn kết và thống nhất của năm 2017.
Ngay việc bầu chức danh Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) cũng có nhiều quan điểm trái ngược nhau. Ba Lan - quê hương của ông Donald Tusk - đã không ủng hộ vị đương kim Chủ tịch Hội đồng châu Âu tái ứng cử vào chức vụ này, vì cho rằng điều này sẽ hủy hoại tính thống nhất đang rất mong manh của khối. Chủ tịch đảng cầm quyền Ba Lan Jaroslaw Kaczynski cho biết: “Ông Donald Tusk là một chính trị gia đã phá vỡ các quy tắc cơ bản của Liên minh châu Âu. Một đại diện của chính quyền khối trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không nên phá vỡ quy tắc lập trường trung lập khi đề cập đến vấn đề nội bộ của các nước thành viên. Những người phá vỡ các quy tắc cơ bản này không thể là Chủ tịch Ủy ban châu Âu và chắc chắn chúng tôi không ủng hộ”.
Bất chấp sự phản đối của Ba Lan, ông Donald Tusk ngày 9-3 đã tái đắc cử chức Chủ tịch EC với đa số phiếu tuyệt đối.
Châu Âu đang phải nỗ lực nhiều để sự thống nhất của mình. (Ảnh: Jacques Delors Institute) |
Phát biểu sau khi tái đắc cử chức Chủ tịch EC, ông Donald Tusk đã bày tỏ hy vọng sẽ nỗ lực để EU được tốt hơn. Trong một tuyên bố trên mạng xã hội Twitter, ông Tusk nêu rõ: "Cảm hơn Hội đồng châu Âu vì sự tin cậy và đánh gía tích cực. Tôi sẽ nỗ lực tối đa để EU được tốt hơn".
Ông Tusk là cựu Thủ tướng Ba Lan, nhưng bị Chính phủ Ba Lan do đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền phản đối vì cho rằng đã can thiệp vào vấn đề chính trị trong nước. Chính phủ cánh hữu của Ba Lan đã đe dọa làm "chệch hướng" Hội nghị thượng đỉnh EU, vốn bàn về tương lai hậu Brexit (Anh rời EU) của khối, nếu lãnh đạo EU tiến cử và một lần nữa bầu ông Donald Tusk tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hội đồng châu Âu.
Trong thời gian gần 30 tháng qua, ông Donald Tusk được các thành viên EU - trừ chính phủ hiện tại ở Ba Lan - đánh giá cao và công nhận đã làm tốt sứ mệnh của mình là chèo lái giúp châu Âu vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Ông sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 31-5 tới.
Có thể nói, với những mối lo ngại chung mà các quốc gia thành viên đều đang phải đối mặt, như căng thẳng với Nga, chính sách với Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump hay sự gia tăng của chủ nghĩa dân túy và dân tộc khi các cuộc bầu cử tại Hà Lan, Pháp và Đức đang đến gần…, những thông điệp từ hội nghị thượng đỉnh tại Brussels và Rome trong tháng này sẽ rất quan trọng, quyết định đường hướng và ảnh hưởng lớn đến tương lai của Liên minh châu Âu.
Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc