Multimedia Đọc Báo in

Sắc lệnh nhập cư mới của Tổng thống Trump tiếp tục gây tranh cãi

10:00, 08/03/2017
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký sắc lệnh nhập cư tạm thời mới, gần một tháng sau khi sắc lệnh đầu tiên của ông bị các tòa án nước này ngăn chặn.
 
Sắc lệnh nhập cư mới tiếp tục cấm tất cả người tị nạn nhập cảnh Mỹ trong vòng 120 ngày, đồng thời cấm công dân từ 6 quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số gồm Iran, Libya, Somalia, Syria, Sudan và Yemen được phép vào Mỹ trong vòng 90 ngày.
 
Có hiệu lực từ ngày 16-3, sắc lệnh mới không áp đặt những hạn chế nhập cư đối với Iraq, 1 trong 7 quốc gia nằm trong “danh sách đen” cấm nhập cư của sắc lệnh trước đây. Ngoài ra, công dân Syria không còn bị cấm vào Mỹ vô thời hạn như sắc lệnh đầu tiên.
 
Công dân 6 nước nêu trên nếu có quy chế định cư lâu dài tại Mỹ (tức là sở hữu Thẻ xanh) và những người hiện đang có thị thực hợp lệ không bị ảnh hưởng theo sắc lệnh mới này.  
 
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh tại Lầu Năm Góc ở Washington, DC ngày 23-1 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh tại Lầu Năm Góc ở Washington, DC ngày 23-1 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố, sắc lệnh nhập cư sửa đổi nhằm bảo đảm nước Mỹ và công dân Mỹ được an toàn hơn. Phát biểu trong cuộc họp báo tại thủ đô Washington về công bố sắc lệnh mới, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nêu rõ: “Sắc lệnh mới do Tổng thống Donald Trump ký kết nhằm ngăn chặn những kẻ khủng bố nước ngoài bước vào Mỹ, là một biện pháp quan trọng để tăng cường an ninh quốc gia. Nhiệm vụ tối quan trọng của Tổng thống Donald Trump là bảo vệ người Mỹ. Với sắc lệnh mới này, Tổng thống đang thực thi quyền hạn chính đáng để bảo đảm an toàn cho người dân. Tôi cũng mong các đối tác và đồng minh trên thế giới hiểu rằng đây là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm loại bỏ những lỗ hổng mà các phần tử Hồi giáo cực đoan có thể lợi dụng và tiến hành các hoạt động tấn công”.

Theo đánh giá của giới chuyên gia pháp lý, việc ban bố sắc lệnh nhập cư mới này của Tổng thống Donald Trump được cho là linh hoạt, mềm dẻo hơn, nhằm phá vỡ những rào cản mang tính pháp lý mà sắc lệnh nhập cư cũ vấp phải. Hơn nữa nó cũng ít ảnh hưởng đến người dân Mỹ hơn sắc lệnh cũ. Ngay khi việc ký kết sắc lệnh mới được thông báo, một số nghị sĩ Đảng Cộng hòa ban đầu vốn chỉ trích gay gắt sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Donald Trump đã tỏ ra tích cực hơn đối với sắc lệnh mới.
 
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Corker cho biết, ông cảm thấy hài lòng hơn với cách tiếp cận mới và ủng hộ việc Iraq được loại khỏi danh sách các nước có công dân bị cấm đến Mỹ. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan khẳng định sắc lệnh đã thúc đẩy mục tiêu chung trong vấn đề bảo vệ nước Mỹ, đồng thời đánh giá cao công việc của các quan chức của chính quyền Tổng thống Trump. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions nhấn mạnh sắc lệnh cho nước Mỹ một quãng ngừng để cân nhắc các thỏa thuận với những người đến từ các quốc gia liên quan.
 
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Iraq ra tuyên bố nêu rõ, quyết định nêu trên là một bước đi quan trọng, theo đúng hướng, bởi nó củng cố quan hệ liên minh chiến lược giữa Mỹ và Iraq trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong mặt trận chống khủng bố.  
 
Trong khi đó, những người phản đối cho rằng, sắc lệnh mới vẫn còn phân biệt đối xử với người Hồi giáo và không đáp ứng được một số quan tâm chính của họ. Ông Lee Gelernt, người đứng đầu dự án Quyền của người nhập cư thuộc Liên đoàn tự do dân sự Mỹ (ACLU) khẳng định: “Vấn đề chính mà chúng tôi có với sắc lệnh thứ hai này đó là nó căn cứ vào sự phân biệt về tôn giáo. Nó cũng không khác biệt mấy so với sắc lệnh đầu tiên. Tuyên bố của Tổng thống khi ban bố sắc lệnh đầu tiên và sắc lệnh thứ hai đều cho thấy sự cấm đoán đối với người Hồi giáo. Thực tế thì điểm cốt lõi này vẫn không được loại bỏ. Vì thế chúng tôi sẽ tiếp tục vụ kiện đối với sắc lệnh nhập cư mới này”.
 
Người đứng đầu ngành tư pháp bang Massachusetts Maura Healey tuyên bố đang xem xét tất cả các hành động pháp lý có thể thực hiện với sắc lệnh của Tổng thống Trump. Tương tự, Bộ trưởng Tư pháp bang Virginia Mark Herring đã gọi sắc lệnh mới là “một thông điệp tồi tệ” đến với thế giới, mặc dù dường như đã được giảm quy mô đáng kể.
 
Liên đoàn Tự do công dân Mỹ thậm chí khẳng định sẽ nhanh chóng hành động nhằm ngăn chặn sắc lệnh này có hiệu lực. Đêm 6-3, hàng chục người đã bắt đầu biểu tình bên ngoài Nhà Trắng để phản đối lệnh cấm.
 
Theo các hãng tin AFP, AP và Reuters, ngày 7-3, Iran cho biết sẽ tiếp tục các biện pháp cấm du khách người Mỹ để trả đũa sắc lệnh nhập cư mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào các nước có người Hồi giáo chiếm đa số.
 
Phát biểu với báo giới, tân Tổng thống Somalia Mohamed Abdullahi Mohamed đã chỉ trích sắc lệnh nhập cư mới của Mỹ, nói rằng chắc chắn ông muốn sắc lệnh này được dỡ bỏ đồng thời nhắc nhở Mỹ rằng nước này có một cộng đồng lớn người Somalia.
 
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Sudan cũng bày tỏ sự thất vọng với việc ban hành sắc lệnh nhập cư sửa đổi nói trên. 
 
Trong khi đó, hoan nghênh việc Mỹ đưa Iraq ra khỏi danh sách các quốc gia Hồi giáo có công dân bị cấm nhập cảnh, chính quyền Baghdad khẳng định động thái này đã gửi đi “một thông điệp tích cực” về tương lai quan hệ song phương, trong bối cảnh hai nước đang hợp tác trong cuộc chiến chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.
 
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của Mỹ trong vấn đề tái định cư người tị nạn thế giới, người đứng đầu Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi bày tỏ quan ngại sắc lệnh tạm thời này sẽ làm gia tăng sự khó khăn cho những đối tượng trong diện bị ảnh hưởng.
 
Trong khi đó, người đứng đầu Ủy ban Cứu trợ quốc tế David Miliband tuyên bố đây là cuộc tấn công lịch sử vào việc tái định cư người tị nạn đến Mỹ, đặc biệt vào thời điểm làn sóng di cư toàn cầu vẫn đang bất ổn và gia tăng mạnh mẽ.
 
Sắc lệnh nhập cư ban đầu được ban hành từ cuối tháng 1 vừa qua, nhưng chưa có hiệu lực thực thi do Thẩm phán liên bang James Robart tại thành phố Seattle, bang Washington ra phán quyết ngăn chặn với lý do trái với Hiến pháp Mỹ. Đầu tháng 2, Tòa án Phúc thẩm Liên bang Khu vực số 9 đã ủng hộ phán quyết của Thẩm phán James Robart. 
 
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AFP/TTXVN)
 
Trong một diễn biến khác, nhà chức trách Mỹ cũng đang cân nhắc tách riêng bố mẹ và con cái khi bắt giữ những người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ.
 
Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ John Kelly cho biết, động thái này nhằm ngăn chặn các gia đình từ khu vực Trung Mỹ thực hiện những chuyến hành trình đầy nguy hiểm để vào Mỹ.
 
Theo đó, nếu bị bắt giữ, những người nhập cư sẽ bị giam giữ và trải qua các quá trình pháp lý hoặc bị trục xuất. Trong khi con cái của họ sẽ được chuyển cho Cơ quan nhân đạo và y tế để chăm sóc tạm thời trước khi được giao lại cho một người họ hàng của họ ở Mỹ hoặc một người giám hộ do nhà nước cử ra. Theo Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ, ông sẽ làm tất cả những gì có thể để ngăn những người từ khu vực Trung Mỹ thực hiện lộ trình đầy nguy hiểm qua biên giới Mexico vào Mỹ.
 
Tuy nhiên, đề xuất này đang vấp phải sự phản đối của không ít người. Nghị sĩ đảng Dân chủ Henry Cuellar trong một tuyên bố đã nói rằng, việc tách bố mẹ với con cái là một sai lầm. Chính quyền Mỹ cần phân biệt giữa vấn đề an ninh biên giới và vấn đề nhân quyền.
 
Ước tính có 10.000 cặp bố mẹ và con cái của người nhập cư chạy trốn bạo lực tại Honduras và El Salvador đã bị bắt giữ khi băng qua biên giới vào Mỹ.
 
Dương Hà ( Theo VOV, Vietnam+)
 

Ý kiến bạn đọc