Multimedia Đọc Báo in

Dự luật Anh rời khỏi EU (Brexit) tiếp tục gặp trở ngại

23:28, 28/02/2017

Dự luật Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, tiếp tục gặp trở ngại khi một trong số người tiền nhiệm của Thủ tướng Theresa May lên tiếng chỉ trích Chính phủ Anh tô vẽ một viễn cảnh quá lạc quan về Brexit, đồng thời nhấn mạnh đã đến lúc chấm dứt lên án những ý kiến phản đối dự luật này. 

Phát biểu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh Chattam House, cựu Thủ tướng Anh John Major thuộc Đảng Bảo thủ, cho rằng chính phủ của Thủ tướng May không trung thực. Ông John Major cảnh báo những người ủng hộ dự luật Brexit sẽ phải chịu hậu quả từ kế hoạch của bà May rút Anh khỏi thị trường chung châu Âu.

“Tôi ngày càng thấy lo ngại khi người dân Anh đang bị hướng tới một tương lai dường như không có thực và quá lạc quan. Các cuộc thảo luận cứng nhắc với những yêu cầu quá cao, khiến Anh ít cơ hội phù hợp với những lợi ích của thị trường chung EU. Sẽ thật dễ dàng nếu đạt được thỏa thuận với người bạn hơn là với người hàng xóm hay sinh sự. Chính phủ Anh cần khôn khéo hơn khi tiếp cận trong đàm phán với EU để  bảo đảm lợi ích của nước Anh”, ông Major nói.

Hiện Thủ tướng May đang đứng trước áp lực phải có được sự phê chuẩn nhanh chóng của Quốc hội Anh do đã cam kết với các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ kích hoạt Điều khoản 50 - thủ tục pháp lý khởi động tiến trình đàm phán 2 năm về Brexit vào cuối tháng 3 tới.

Ngày 1-2 vừa qua, dự luật Brexit về kích hoạt Điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon đã được thông qua tại Hạ viện Anh. Và theo kế hoạch, dự luật Brexit sẽ được bỏ phiếu để thông qua tại Thượng viện vào ngày 1-3 và 7-3 tới. Tuy nhiên, trong vòng bỏ phiếu ngày 1-3, nhiều khả năng các nghị sĩ tại Thượng viện sẽ yêu cầu Thủ tướng May sửa đổi văn kiện này để  bảo đảm quyền lợi của hơn 3 triệu công dân EU đang sinh sống tại Anh.

Nếu yêu cầu này thành công, dự luật Brexit mới sẽ cần được Hạ viện thông qua trước khi được trình lên Thượng viện một lần nữa. Tiến trình kéo dài này sẽ khiến quỹ thời gian bà May kích hoạt tiến trình Brexit càng eo hẹp.

Trong khi đó, do lo ngại một lượng lớn công dân Romania và Bulgaria tìm cách vào Anh trước thời điểm "xứ sở sương mù" kích hoạt điều khoản 50 Hiệp ước Lisbon, chính thức tiến trình đàm phán đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Anh Theresa May cho biết sẽ công bố quyết định chấm dứt quyền tự do đến Anh tìm việc và định cư của công dân EU.

Ảnh minh họa. (Nguồn: express.co.uk)
Ảnh minh họa. (Ảnh: express.co.uk)

Theo tờ Telegraph số ra ngày 27-2, Thủ tướng May dự kiến sẽ công bố quy định những công dân EU đến Anh sau thời điểm ngày 15-3 tới sẽ không được hưởng quyền cư trú vĩnh viễn tại Anh như hiện nay nữa. Tuy nhiên, phía EU cho rằng việc đưa ra thời hạn chốt thay đổi quy định đối với công dân EU của Anh phải là ngày nước Anh chính thức rời khỏi EU.

Cũng liên quan tới vấn đề Brexit, trong cuộc họp giữa các bộ trưởng năng lượng EU diễn ra hôm qua ở Brussels, Bỉ, các nước đã tìm kiếm giải pháp nhằm giúp Ireland, nước phụ thuộc gần như hoàn toàn vào việc nhập khẩu năng lượng từ Anh, có thể mở rộng hợp tác với các đối tác khác trong khu vực nhằm giảm bớt sự phụ thuộc khi Anh tách ra khỏi Brexit.

Phát biểu với hãng tin Reuters, Bộ trưởng Môi trưởng Ireland Dennis Naughten cho biết, nước này sẽ ưu tiên hai dự án mới về cung cấp điện năng từ Pháp và khí gas hóa lỏng.  “Về dự án khí gas hóa lỏng, tôi cho rằng, đây là dự án đã từng được đưa ra trong quá khứ nhưng do chi phí cao nên chưa được xem xét. Tuy nhiên, do nước Anh đang tiến hành các thủ tục để rời khỏi EU, nên hiện dự án này cần phải được đưa ra, vì nó tận dụng nguồn năng lượng sẵn có của Ireland”, ông Naughten nói.

Cũng theo Bộ trưởng Môi trường Ireland, hiện các nước khác trong EU cũng đang tìm kiếm sự hợp tác mới trong lĩnh vực năng lượng, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nước Anh và tránh những thiệt hại do Brexit gây ra.

Trong một diễn biến liên quan, Uỷ viên phụ trách về ngân sách của EU Guenther Oettinger ngày 28-2 tuyên bố Đức và các nước đóng góp ngân sách lớn cho EU sẽ phải đóng góp thêm vào ngân sách của khối này sau khi Anh rời khỏi EU, song điều đó không có nghĩa các nước này phải gánh chịu toàn bộ phần đóng góp khoảng 9 tỷ euro mỗi năm hiện nay của Anh.

Phát biểu với nhật báo kinh doanh Handelsblatt  của Đức, ông Oettinger nói: "Tôi không cho rằng các nước nộp ngân sách lớn sẽ phải gánh vác toàn bộ phần đóng góp của Anh. Kể cả Ba Lan và nhiều nước khác được hưởng lợi từ ngân sách của EU cũng không chấp nhận điều này. Có thể sẽ có sự thỏa hiệp”.

Do ngân sách tài chính phải tăng chi tiêu cho cuộc khủng hoảng người di cư, kế hoạch phòng thủ tập thể và cuộc chiến chống khủng bố, nên EU sẽ phải cắt giảm ngân sách cho các lĩnh vực truyền thống, như trợ cấp nông nghiệp.

Ông Oettinger khẳng định ông phản đối việc cho ra đời một loại thuế đặc biệt để tăng ngân sách cho EU như gợi ý của cựu Thủ tướng Italy Mario Monti, thay vào đó ngân sách của khối sẽ bù đắp nhờ tăng thuế nhiên liệu tại một số nước thành viên ở mức 1 hoặc 2 cent mỗi lít xăng.

Ông Oettinge cho biết Anh sẽ phải tiếp tục hỗ trợ tài chính cho các dự án của EU kể cả sau khi nước này rời EU dự kiến vào năm 2019. Ông khẳng định những khoản đóng góp của Anh cho EU sẽ không dừng đột ngột khi nước này ra khỏi "mái nhà chung" châu Âu.

Dương Hà (Theo VOV, Vietnam+)


Ý kiến bạn đọc