Multimedia Đọc Báo in

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh xóa di sản của Obama về biến đổi khí hậu

15:19, 30/03/2017

Theo Reuters, Tổng thống Donald Trump ngày 28-3 đã ký sắc lệnh về độc lập năng lượng tại trụ sở Cơ quan Bảo vệ Môi trường nhằm xem xét lại một số di sản về khí hậu của cựu Tổng thống Barack Obama.

Trong chuyến đi đầu tiên tới Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA), ông Trump đã ra lệnh bãi bỏ Kế hoạch Năng lượng sạch (CPP), tiến hành xem lại các giới hạn phát thải cho nhà máy điện dùng than và giảm bớt những hạn chế về luật liên bang đối với sản xuất than.

Sắc lệnh yêu cầu việc xem xét CPP, vốn được coi là một nỗ lực quan trọng của cựu Tổng thống Obama trong việc cắt giảm khí thải nhà kính, từ lâu đã luôn là vấn đề trọng tâm trong các thách thức về pháp lý dai dẳng mà các tập đoàn kiếm lợi nhuận từ năng lượng dầu mỏ, than đá và khí đốt phải đối mặt.

Ông Trump khẳng định người lao động Mỹ, đặc biệt là công nhân khai thác than đá, sẽ được hưởng lợi từ sắc lệnh này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Mỹ nói rằng các biện pháp mới của ông sẽ mở ra "một kỷ nguyên mới cho nước Mỹ trong vấn đề năng lượng, sản xuất và việc làm".

"Hành động của tôi ngày hôm nay là bước đi mới nhất nhằm tăng cường việc làm cho người Mỹ", Tổng thống Trump nói, cho biết sắc lệnh của ông giúp "chấm dứt sự đánh cắp thịnh vượng" của nước Mỹ. 

Tuy nhiên, giới phê bình cho rằng việc ông Trump đảo ngược Kế hoạch năng lượng sạch của Obama gần như sẽ không thể giúp tăng sản lượng hay tạo ra nhiều việc làm. Ngành công nghiệp than của Mỹ từ lâu đã suy giảm cùng với sự lấn át của khí đốt tự nhiên và năng lượng tái tạo giá rẻ.

Sắc lệnh mới của tân tổng thống gỡ bỏ ít nhất 6 chỉ thị của người tiền nhiệm Obama nhằm hạn chế biến đổi khí hậu và giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Trong đó có sắc lệnh năm 2013 hướng dẫn chính phủ liên bang chuẩn bị cho biến đổi khí hậu và một bản ghi nhớ hồi tháng 9-2016 chỉ ra “mối đe dọa ngày càng tăng đối với an ninh quốc gia” do biến đổi khí hậu gây nên.

Chính sách cắt giảm phát thải khí CO2 mà chính quyền Obama đưa ra là một phần cam kết của Mỹ với cộng đồng quốc tế. Cựu tổng thống Obama và lãnh đạo gần 200 nước đã ký thỏa thuận Paris tại Pháp hồi 2015 nhằm hạn chế sự ấm lên của trái đất. Khi tranh cử, ông Trump từng khẳng định sẽ rút khỏi thỏa thuận này, cho rằng nó gây hại cho các công ty Mỹ.

Sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm bãi bỏ các chính sách về biến đổi khí hậu từ thời người tiền nhiệm Barack Obama nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với một thách thức pháp lý từ phía chính quyền bang California, một trong những địa phương đi đầu trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu.

Trên trang mạng Twitter cá nhân ngày 28-3, Thống đốc bang California Jerry Brown tuyên bố việc bãi bỏ Kế hoạch Năng lượng sạch (CPP), vốn được đưa ra từ thời Tổng thống Obama, trong đó quy định chặt chẽ giới hạn khí thải nhà kính đối với các nhà máy nhiệt điện, là một "sai lầm lớn" và phớt lờ các cảnh báo của giới khoa học. 

Trong khi đó, Thị trưởng thành phố Los Angeles Eric Garcetti cho rằng sắc lệnh của Tổng thống Trump sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ. Ông đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy Kế hoạch Thành phố bền vững với mục tiêu tới năm 2050 giảm tới 80% lượng khí phát thải, hướng tới sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, cũng như phát triển năng lượng sạch.

California là một trong những bang của Mỹ ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Trong một thập kỷ qua, chính quyền bang miền Tây nước Mỹ này đã cắt giảm khoảng 35 triệu m3 khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đồng thời cam kết tiếp tục hạn chế lượng khí phát thải tới năm 2020.

Tập đoàn dầu khí Exxon Mobil cũng vừa lên tiếng kêu gọi chính quyền của Tổng thống Donald Trump không nên rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu

Hãng tin AFP ngày 28-3 đưa tin, trong bức thư gửi tới Cố vấn năng lượng David Banks của Tổng thống Trump mới đây, người đứng đầu chính sách môi trường của Exxon, ông Peter Trelenberg, đã ca ngợi Hiệp định Paris mà các nước ký kết hồi năm 2015 là "một khuôn khổ hiệu quả trong việc giải quyết các nguy cơ của biến đổi khí hậu". Đây cũng là hiệp định đầu tiên có thể giải quyết tình trạng phát thải gây hiệu ứng nhà kính tại cả các quốc gia phát triển và đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ. 

Ông Trelenberg lập luận rằng có nhiều lý do để Mỹ nên tham gia Hiệp định Paris, bao gồm cơ hội để thúc đẩy việc sử dụng khí tự nhiên, vốn tạo ra ít khí thải CO2 hơn so với than đá độc hại. Ông nhấn mạnh: "Sẽ là khôn ngoan khi Mỹ tiếp tục tham gia Hiệp định Paris để có thể duy trì một sân chơi công bằng, từ đó đảm bảo các thị trường năng lượng toàn cầu vẫn có khả năng duy trì sự tự do và tính cạnh tranh".

Theo ông, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sẽ đòi hỏi những tiến bộ công nghệ, và Mỹ nên thúc đẩy các chính sách để phát triển các công nghệ hiện đại. 

Exxon Mobil là tập đoàn năng lượng lớn nhất thế giới. Trước đó, tập đoàn này từng cho biết họ nhất trí về sự cần thiết phải giải quyết các vấn đề môi trường và trong những năm qua, bản thân công ty này cũng đã tiến hành nhiều biện pháp để giảm lượng khí thải carbon ra môi trường. 

Hồ La Angostura ở Bolivia cạn khô nước do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu - See more at: http://www.sggp.org.vn/thegioi/cuasothegioi/2017/3/453517/#sthash.Vcc4m4on.dpuf
Hồ La Angostura ở Bolivia cạn khô nước do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Theo các nhà phân tích, sau khi ký pháp lệnh trên, ông Trump có thể thúc đẩy các khoản trợ cấp cho ngành than của Quốc hội thông qua hình thức chi trực tiếp, các khoản vay lãi suất thấp và vay không hoàn lại, giảm hoặc miễn thuế, giảm phí quyền sử dụng đất khi khai thác trên đất liên bang. Hồi đầu tháng này, ngân sách liên bang theo đề xuất của ông D. Trump vừa công bố cũng đã cho thấy trước sự kết thúc tài trợ đối với Kế hoạch Năng lượng sạch cùng với các chương trình chống biến đổi khí hậu dưới thời Tổng thống Obama. Ông Trump cũng nhiều lần đối đầu với Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA), một công cụ liên bang của quốc gia nhằm bảo vệ môi trường và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Tại hội nghị bàn tròn diễn ra vào tháng 2 ở bang Florida, ông D.Trump tuyên bố sẽ giảm bớt 70%-80% quy định của EPA.

Theo ông Donald Trump, chính những quy định về bảo vệ môi trường làm mất đi công ăn việc làm của người Mỹ trong hàng chục năm nay. Ông chủ trương quay trở lại loại nhiên liệu truyền thống và giảm đầu tư vào năng lượng gió và năng lượng mặt trời vì cho rằng đây là một hình thức năng lượng rất tốn kém. Tuy nhiên, theo Alertnet.org, thực tế là một số khu vực ở Mỹ, như bang Texas và đặc biệt là bang Iowa, đã tạo ra sản lượng lớn điện gió và tại đây điện gió còn rẻ năng lượng hóa thạch hay năng lượng khí thiên nhiên. Bên cạnh đó, hiện có khoảng 209.000 công nhân Mỹ tham gia vào các công việc liên quan đến năng lượng mặt trời tại hơn 8.000 công ty. Nhiều hơn gấp đôi số lượng lao động trong lĩnh vực năng lượng mặt trời vào năm 2010. Đến năm 2020, số lượng lao động tham gia vào ngành năng lượng mặt trời dự kiến ​​sẽ tăng hơn gấp đôi, với 420.000 người Mỹ làm việc trong ngành này. 

Mỹ là nước phát thải khí nhà kính lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc. Vấn đề là Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu là hiệp định không ràng buộc pháp lý; cũng không có hình phạt nào cho các quốc gia không đáp ứng được mục tiêu giảm phát thải đã cam kết. Chính vì vậy, một lần nữa các cường quốc xả khí thải nhiều nhất thế giới vẫn không giữ được cam kết của mình. Mục tiêu giữ nhiệt độ bề mặt toàn cầu tăng tối đa lên 2°C nhằm tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu càng khó đạt được.

Dương Hà (Theo VOV, SGGP, TTXVN)


Ý kiến bạn đọc