Multimedia Đọc Báo in

EU kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp ước Rome:

Chia rẽ phủ bóng ngày vui

15:20, 25/03/2017

Ngày 25-3, Liên minh châu Âu (EU) tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt kỷ niệm 60 năm Hiệp ước Rome thành lập Cộng đồng kinh tế châu Âu, tiền thân của EU, trong thời điểm EU đang thiếu đoàn kết hơn bao giờ hết, xuất phát từ hàng loạt vấn đề như người di cư, chủ nghĩa dân túy và kinh tế, những mối lo ngại về vị thế của EU trên thế giới cũng như đời sống của liên minh này sau khi Anh rời khỏi EU (Brexit).

Chưa bao giờ EU gặp khủng hoảng nghiêm trọng và chịu sức ép mang tính “sống còn” như hiện nay. Các kịch bản về hướng phát triển của khối trong tương lai sẽ được đưa ra thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh lần này, mà nhiều khả năng thiên về kịch bản xây dựng “châu Âu đa tốc độ”.

Ảnh minh họa: AP
(Ảnh minh họa: AP)

Trong thập kỷ vừa qua, EU đã chứng kiến bước thụt lùi về kinh tế so với 10 năm trước đó. Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2008, đà tăng trưởng vẫn chậm chạp, tỷ lệ thất nghiệp ở EU vẫn cao. Cuộc khủng hoảng nợ trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) từng đẩy Hy Lạp tới nguy cơ phải rời khỏi Eurozone, và chính sách thắt lưng buộc bụng mà các nước EU thực thi đã để lại một di sản cay đắng. 

Ý tưởng “Châu Âu đa tốc độ” thực ra đã nhen nhóm từ khá lâu, đặc biệt trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công khiến châu Âu lao đao từ năm 2009 đến nay. Khi đó, châu Âu đối mặt với một thực tế, đó là rất nhiều quyết sách lớn táo bạo do Uỷ ban châu Âu hay Ngân hàng trung ương châu Âu đưa ra đều gặp rất nhiều khó khăn mới có thể đạt được sự đồng thuận, hoặc trong nhiều trường hợp buộc phải từ bỏ.

Nguyên do là vì với 28 nước thành viên, kể cả nước Anh, việc tìm được một giải pháp dung hoà được lợi ích của tất cả các bên là vô cùng khó khăn do 28 thành viên này chênh lệch về trình độ phát triển, trình độ quản lý, quy mô nền kinh tế… Hai cuộc khủng hoảng làm rõ nhất sự bất cập này là khủng hoảng nợ công Hy Lạp và khủng hoảng tị nạn.

Chính vì thế, nhóm các nước chủ chốt của Liên minh châu Âu như Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Hà Lan, Bỉ… đã bàn đến ý tưởng xây dựng một Liên minh với 2 tốc độ phát triển; tốc độ cao hơn là nhóm các nước sáng lập Liên minh ngay từ đầu, chủ yếu là các nước Tây Âu, thấp hơn là các nước gia nhập sau này, chủ yếu là các nước Đông Âu, Nam Âu thì sẽ tham gia với ít cam kết hơn. Nhóm bộ Tứ đã chính thức bàn về vấn đề này tại Hội nghị Versailles hôm 6-3. Một số ý kiến cho rằng, điều này thể hiện cho sự tan rã chậm của EU.

Sau 60 năm triển khai Hiệp ước Rome, châu Âu hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, nổi bật nhất là cuộc khủng hoảng nhập cư và sự gia tăng của phong trào dân tộc cực hữu.

EU đã thất bại trong việc ngăn chặn các cuộc xung đột ở Syria, Ukraine, trong khi hàng loạt vụ tấn công khủng bố đã làm đảo lộn môi trường an ninh khu vực. Chưa hết, làn sóng 1,4 triệu người di cư và tị nạn trong suốt 2 năm qua đã hủy hoại vẻ bề ngoài đoàn kết của EU khi mà các nước thành viên không thống nhất được quan điểm tiếp nhận người tị nạn. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker thậm chí phải thốt lên: “Chưa bao giờ tôi chứng kiến một sự chia rẽ và kém đoàn kết như thế này trong liên minh của chúng ta”. 

EU cần một chính sách quyết liệt hơn để buộc các nước thành viên phải chung tay gánh vác trách nhiệm xử lý khủng hoảng nhập cư không thể để tiếp tục tồn tại tình trạng có những thành viên bị quá tải như Italy hay Hy Lạp trong khi các nước khác như Áo, Hungary hay Slovakia, Ba Lan…lại thẳng thừng từ chối chia sẻ trách nhiệm.

Khủng hoảng nhập cư vô cùng phức tạp, đòi hỏi châu Âu vừa phải gia cố biên giới ngoại vi của mình nhằm ngăn chặn các làn sóng không thể kiểm soát như trong năm 2015, vừa phải siết chặt quy định về nhận hạn ngạch người nhập cư đối với từng thành viên cụ thể. Xa hơn nữa, châu Âu cần xây dựng một chính sách an ninh và đối ngoại tích cực nhằm góp phần ổn định môi trường địa chính trị ở Trung Đông và Bắc Phi.

Thủ tướng Anh Theresa May thông báo sẽ chính thức kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon vào ngày 29-3 tới, bắt đầu quá trình đàm phán Brexit. Giới chức EU hy vọng sự thống nhất của khối trong các cuộc đàm phán Brexit. Tuy nhiên, chính trong nội bộ EU lại có sự chia rẽ về quan điểm. Một số nước muốn đẩy mạnh sự phòng thủ, song một số khác (các nước Đông Âu) lại muốn giảm bớt sự hội nhập. 

Trong khi đó, các đảng cực hữu với quan điểm dân túy chưa thực sự nắm quyền ở bất kỳ quốc gia châu Âu nào, nhưng không thể phủ nhận việc các đảng này đang củng cố sức mạnh, mở rộng ảnh hưởng, trở thành những lực lượng có vị trí không thể bỏ qua trong đời sống chính trị của nhiều nước khu vực. Khả năng chiến thắng của một đảng cực hữu với quan điểm bài ngoại, chống châu Âu có thể xảy ra trong những kỳ bầu cử sắp tới. 

Tại Hà Lan, mặc dù đảng Nhân dân vì tự do và dân chủ (VVD) vừa qua đã giành chiến thắng với 33/150 ghế Quốc hội, nhưng lại mất 8 ghế, trong khi đảng dân túy Vì tự do (PVV) đứng thứ hai với 20 ghế, tăng 5 ghế so với hiện nay. Sau khi kết quả trên được công bố, bà Marine Le Pen, Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận quốc gia của Pháp (FN) cho rằng, kết quả này là một thành công và thất bại này chỉ mang tính tương đối bởi vì trên thực tế, đảng PVV có thêm 5 ghế và trở thành lực lượng đối lập chính của liên minh cầm quyền.

Khủng hoảng người di cư - một thách thức lớn của EU.
Khủng hoảng người di cư - một thách thức lớn của EU. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Tại Pháp, đảng FN và các đảng cực hữu nhỏ đang nhận được sự ủng hộ của khoảng 33% cử tri Pháp. Tại Đức, mặc dù tỷ lệ ủng hộ đảng Sự lựa chọn khác cho nước Đức (AfD) thời gian qua có sụt giảm, nhưng vẫn còn ở mức 9%. Ngoài ra, rất nhiều đảng dân túy và hoài nghi EU tại các nước châu Âu khác nhau tiếp tục nhận được nhiều sự ủng hộ, đặc biệt là từ những cử tri cảm thấy thiệt thòi, bị gạt sang bên lề xã hội.

Chủ nghĩa dân tuý quả thực là mối đe doạ lớn với Liên minh châu Âu bởi hầu hết các đảng dân tuý tại các nước châu Âu đều chống EU, chống lại việc hội nhập và hô khẩu hiệu đòi lại quyền tự quyết cho mỗi quốc gia. Đây là thách thức phức tạp với EU bởi chủ nghĩa dân tuý trước hết là vấn đề đối nội trong từng quốc gia thành viên và Brussels không thể dùng các mệnh lệnh hành chính để ngăn cản xu hướng đó.

Vì thế, bên cạnh việc công kích làn sóng dân tuý thì một trong những chiến lược của EU là đẩy mạnh sự đóng góp của các phong trào dân sự, các phong trào công dân, tài trợ và kêu gọi các phong trào này vận động quần chúng chống lại các tư tưởng cực đoan, dân tuý, bài ngoại…

Nói cách khác là tìm cách tác động đến ý thức của các công dân châu Âu để kéo họ ra khỏi làn sóng dân tuý. Các cuộc bầu cử quan trọng tại các nước lớn như Pháp, Đức… trong năm 2017 này sẽ trả lời cho câu hỏi liệu các giá trị của một châu Âu hội nhập có còn đứng vững trước làn sóng dân tuý hay không?

Tương lai EU đang ở vào thế bấp bênh, và câu hỏi lớn nhất hiện nay là sau 60 năm, làm thế nào để EU có thể tiếp tục tồn tại?

Như Hồng (Theo SGGP, VOV)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.