100 ngày đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump: "Tuần trăng mật" không hoa hồng
Báo chí Mỹ thường ví 100 ngày đầu làm việc của Tổng thống là “tuần trăng mật” nhưng với ông Donald Trump “tuần trăng mật” ấy không có hoa hồng.
Theo thông lệ, 100 ngày đầu là thời gian Tổng thống mới lên nắm quyền của Mỹ tìm hiểu công việc và trong thời gian này, báo chí Mỹ sẽ hạn chế đến mức tối đa việc soi mói hoặc chỉ trích các chính sách của Tổng thống. Chính vì vậy, khoảng thời gian này được coi là “tuần trăng mật” giữa Tổng thống và giới báo chí.
Tuy nhiên, khác với các Tổng thống tiền nhiệm, “tuần trăng mật” của ông Donald Trump trôi qua không mấy yên ả nếu không muốn nói là “sóng gió nối tiếp sóng gió”.
“Tuần trăng mật” nhiều sóng gió
Dù ông Trump tuyên bố đã đạt được những thành tựu “chưa từng có tiền lệ” trong thời gian này, theo báo chí Mỹ, đó chỉ là những lời lẽ nói quá lên của ông Trump bởi 100 ngày đầu tiên nắm quyền của ông Trump là 100 ngày báo chí Mỹ hoạt động hết công suất chỉ để thông tin về rất nhiều vụ việc liên quan đến ông Trump. Chính Tổng thống Mỹ Donald Trump từng cáo buộc: “Dù tôi có nỗ lực đạt được gì đi chăng nữa trong 100 ngày đầu tiên này - tôi khẳng định là tôi đã làm được rất nhiều - giới truyền thông cũng sẽ “bóp chết” những thành tựu đó”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Getty Images) |
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chính ông Trump mới là người khơi mào về tầm quan trọng của 100 ngày đầu tiên này. Ngay trong thời gian còn vận động tranh cử, ông Trump đã công bố một “hợp đồng” với các cử tri Mỹ về một “kế hoạch hành động trong 100 ngày đầu tiên”. Trong bản kế hoạch này, ông Trump cam kết sẽ thực hiện 18 bước đi nhằm “làm trong sạch chính quyền, bảo vệ người lao động, tăng cường an ninh quốc gia và đệ trình 10 đề xuất về pháp lý mang tính cải cách vượt trội". Sau đó, trong tuyên bố nhìn nhận lại 3 tháng đầu tiên lên nắm quyền, ông Trump cũng khẳng định: “Không có Chính phủ tiền nhiệm nào đạt được nhiều thành tựu như chúng tôi trong 90 ngày đầu tiên”.
Theo các chuyên gia, tuyên bố của ông Trump có phần “thổi phồng" bởi so với chính người được đánh giá cao nhất trong 100 ngày đầu tiên nắm quyền là Tổng thống Franklin Roosevelt, thành quả mà ông Trump đạt được là khá khiêm tốn.
Lên nắm quyền trong giai đoạn đại suy thoái ở Mỹ, Tổng thống Roosevelt đã có những quyết sách quan trọng nhằm ổn định hệ thống tài chính ngân hàng. Ông được ca ngợi là “người đã cải cách nước Mỹ nhiều nhất trong 100 ngày đầu tiên” khi đề xuất và được thông qua tới 14 văn bản pháp lý mang tính lịch sử đối với nước Mỹ. Trong khi đó, những kế hoạch “được coi là lớn lao” của ông Trump như cải cách thuế, nâng cấp cơ sở hạ tầng tại Mỹ thậm chí còn chưa được đệ trình lên Quốc hội Mỹ. Ngoài ra, cam kết bảo vệ an ninh biên giới trước nguy cơ khủng bố của ông Trump bằng các dự luật cấm nhập cảnh đã bị tòa án Mỹ ngăn chặn. Thậm chí, dự định thay thế Obamacare của ông Trump bằng một chương trình chăm sóc y tế được ông quảng bá là “ưu việt hơn rất nhiều” cũng phá sản.
Ngay cả khi so sánh với người tiền nhiệm Barack Obama, những gì ông Trump làm được cũng vẫn bị đánh giá thấp hơn. Cũng lên nắm quyền trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế như ông Roosevelt, ông Obama đã nhanh chóng ký ngay gói kích cầu trị giá 787 tỷ USD nhằm ổn định tình hình kinh tế và đấu tranh để thông qua dự luật mở rộng chăm sóc y tế cho trẻ em và bảo đảm bình đẳng về thu nhập cho phụ nữ so với nam giới.
Không chỉ không đạt được những thành tựu quan trọng như từng hứa hẹn, ông Trump còn lên tiếng đổ lỗi rằng “chính sách nhập cư yếu kém của Tổng thống Obama đã tạo cơ hội để băng đảng tội phạm quốc tế MS-13 lộng hành trên khắp nước Mỹ” và cam kết “sẽ nhanh chóng đẩy lùi chúng”.
Tuy nhiên, tuyên bố này của ông Trump được cho là “không thỏa đáng” bởi theo các chuyên gia, Tổng thống Obama không đáng phải chịu trách nhiệm về sự lộng hành của băng đảng MS-13. Băng đảng MS-13 đã xuất hiện tại Mỹ từ trước khi ông Obama lên nắm quyền vài chục năm và nhanh chóng “lan rộng ra khắp nước Mỹ”. Chính giới chức Bộ Tư pháp dưới thời ông Trump cũng phải thừa nhận ông Obama “đóng góp rất nhiều” trong cuộc chiến chống băng đảng MS-13. Các con số thống kê cũng cho thấy, dưới thời Tổng thống Obama, rất nhiều thành viên của băng đảng MS-13 cũng đã bị tống cổ ra khỏi Mỹ, bị truy tố và bị phong tỏa tài sản.
Trong khi đó, như đã nói ở trên, các dự luật cấm người nhập cư của ông Trump đều đã bị tòa án Mỹ đình lại. Kế hoạch xây tường ngăn biên giới giữa Mỹ với Mexico cũng được cho là "quá tốn kém" và "không khả thi". Hơn nữa, Mexico cũng tuyên bố "không đời nào" chi trả việc xây tường như ông Trump từng tuyên bố.
Những tuyên bố mâu thuẫn
Robert Moore, phóng viên thường trú tại thủ đô Washington (Mỹ) của kênh truyền hình ITV News (Anh) mô tả 100 ngày của Tổng thống Mỹ Donald Trump như sau: “100 ngày mà như 100 tháng đối với nhiều người Mỹ cảm thấy kiệt sức về cảm xúc và chính trị. Chúng tôi thấy hai nhân vật trong Phòng bầu dục”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 28-1-2017. (Ảnh: Reuters) |
“Hai con người” mà phóng viên kỳ cựu Robert Moore nói đến thể hiện qua hàng loạt những tuyên bố mâu thuẫn mà chủ nhân Nhà trắng đưa ra từ lúc tranh cử đến nay. Mới nhất là vụ việc về nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson. Ngày 12-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận, đã cử một hạm đội có sức mạnh vượt trội hướng về phía Bắc với mục đích răn đe và thể hiện phản ứng trước các vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên. Tuy nhiên, đến ngày 18-4, Hải quân Mỹ cho biết, tàu sân bay và 3 tàu chiến của Mỹ đang đi theo hướng ngược lại, cách Bình Nhưỡng khoảng 6.000 km và tiến về phía vùng biển Ấn Độ Dương để tham dự một cuộc tập trận chung với quân đội Australia. Sau khi vấp phải sự chỉ trích của cả dư luận trong và ngoài nước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis ngày 19-4 “bào chữa” rằng, lịch trình của nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson đã được điều chỉnh song đang trên đường đến báo đảo Triều Tiên.
Trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump chỉ trích Trung Quốc về chính sách tiền tệ của Bắc Kinh làm xói mòn nền kinh tế Mỹ, đánh cắp việc làm của người dân xứ cờ hoa và làm gia tăng thâm hụt thương mại. Vậy nhưng, trung tuần tháng 4 vừa qua, trả lời phỏng vấn tờ Wall Street Journal, Tổng thống Mỹ khẳng định, ông sẽ không gắn cho Trung Quốc cái mác “thao túng tiền tệ” và rằng Bắc Kinh không can thiệp để làm đồng nhân dân tệ yếu đi.
Trong chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng, ông Trump công kích Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là “một tổ chức thất bại và lỗi thời”. Nhưng rồi cũng vào thời điểm ông chủ Nhà Trắng không còn muốn gắn mác thao túng tiền tệ dành cho Trung Quốc nữa thì trong một cuộc gặp với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, ông Trump đã thể hiện sự thay đổi quan điểm về NATO rằng “tổ chức này không còn lỗi thời”.
Trong quan hệ với Nga, trước đây ông Trump từng khẳng định về một mối quan hệ tích cực giữa 2 cường quốc trên thế giới khi ông lên nắm quyền, khiến dư luận tin tưởng về một sự cải thiện trong quan hệ giữa Washington và Mátxcơva vốn trở nên xấu đi vào nhiệm kỳ cuối của Tổng thống Barack Obama. Giờ đây, Tổng thống Mỹ đã quay sang chỉ trích Điện Kremlin vì ủng hộ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Sự mâu thuẫn trong các tuyên bố của Tổng thống Mỹ còn thể hiện ngay cả trong chính sách đối nội. Năm ngoái, ông Trump nói Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Janet Yellen nên cảm thấy “xấu hổ” về cách giải quyết các vấn đề kinh tế. Nhưng giờ đây, ông Trump đang để ngỏ khả năng tái bổ nhiệm bà Yellen với nhiệm kỳ 4 năm.
Rất nhiều người còn nhớ, khi chưa ngồi vào chiếc ghế ông chủ Nhà Trắng, ông Trump chỉ trích cựu Tổng thống Barack Obama khi dành cuối tuần thư giãn với chơi golf rằng: “Bạn có thể tin được không, với tất cả các vấn đề rắc rối và khó khăn mà Mỹ đang phải đối mặt, Tổng thống Obama lại dành cả ngày chơi golf”. Vậy nhưng, sau khi không kích căn cứ quân sự của Syria bằng tên lửa, trong bối cảnh “nước sôi lửa bỏng” về khả năng một cuộc chiến lớn sẽ xảy ra, tổng thống thứ 45 của nước Mỹ đã đến sân golf thuộc tập đoàn của ông ở bãi biển West Palm, bang Florida, để thư giãn…
Xuất hiện chia rẽ
Kết quả thăm dò ý kiến của Đại học Quinnipiac công bố ngày 20-4 vừa qua cho thấy, có đến 56% số người được hỏi cho biết, họ không hài lòng với những gì Tổng thống Mỹ đang làm. Số người ủng hộ ông Trump là 40%. Trong một cuộc thăm dò khác được thực hiện hồi đầu tháng 4 vừa qua, số người ủng hộ ông Trump còn thấp nữa, chỉ là 35%.
Việc không nhất quán trong tuyên bố của ông Trump khiến ông phải đón nhận những chỉ trích từ chính những người từng ủng hộ ông. Ann Coulter, một nhân vật truyền thông bảo thủ, người ủng hộ ông Trump lâu nay đã viết trên trang Twitter cá nhân rằng: “Nếu biết người chúng tôi tin muốn can dự vào Trung Đông, chúng tôi đã bỏ phiếu cho ứng viên khác”. Phản ứng của bà Coulter được đưa ra sau khi Mỹ tấn công căn cứ quân sự ở Syria. Khi còn tranh cử, ông Trump từng nói với các cử tri về chính sách đối ngoại của mình rằng: sẽ không có can thiệp quân sự không cần thiết, ưu tiên “nước Mỹ trên hết”.
Chính sách nhập cư của ông Donald Trump cũng đang bị chính những cử tri ủng hộ ông phản đối. Helen Beristain cho biết, cô ân hận khi đã dành lá phiếu của mình cho ông Trump. Khi Helen nói với chồng của cô rằng, hãy bỏ phiếu cho ông Trump, chồng của cô đã cảnh báo ứng viên Đảng Cộng hòa rồi sẽ “gạt bỏ hết người Mexico”. Helen khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình và cho biết tuyên bố cứng rắn nhắm vào người nhập cư chỉ là với “những người xấu”. Nhưng giờ đây, chồng cô, Roberto Beristain, một doanh nhân thành đạt, người được xem là một trong những công dân tiêu biểu tại nơi sinh sống, cũng đang chờ trục xuất về Mexico, nơi Roberto đã rời bỏ vào năm 1998 rồi nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ.
Ông Donald Trump gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Reuters) |
Kinh tế, một trong những ưu tiên hàng đầu khi ông Trump lên nắm quyền, cũng đón nhận những thông tin không mấy khả quan. Báo cáo về việc làm vừa được báo chí đăng tải ngày 19-4 cho thấy, trong tháng 3, chỉ có thêm 98.000 việc làm mới, thấp hơn nhiều so với con số mà các chuyên gia kinh tế kỳ vọng là 180.000 việc làm. Trong khi đó, theo số liệu của Bank of America Merrill Lync (BAML), chỉ số kỳ vọng (surprise index, đo lường độ chính xác của các báo cáo so với dự đoán của các nhà kinh tế) của kinh tế Mỹ bắt đầu lộn xộn. Điều này đồng nghĩa với việc các thông tin về kinh tế dù không phải là xấu nhưng không còn tốt như mong đợi. Hans Mikkelsen, một chuyên gia về tín dụng tại BAML, cho biết đây là lần đầu tiên kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, tổng thể dữ liệu kinh tế cho thấy xu hướng suy giảm kinh tế.
Những ý kiến ủng hộ Tổng thống Mỹ thì cho rằng: hãy quên đi 100 ngày đầu bởi khoảng thời gian ngắn này không thể thấy hết được một Donald Trump thực sự hay sự thành công trên cương vị tổng thống. Nhưng theo Robert Moore, những biểu hiện chia rẽ, rạn nứt đang xuất hiện trong xã hội Mỹ thực sự là một lời cảnh báo đáng phải quan tâm. “Vẫn còn 1.200 ngày sắp tới cho ông Trump thể hiện trước khi người Mỹ sử dụng quyền phán quyết của mình ở các thùng phiếu”, Robert Moore nhận định.
Dương Hà (Theo VOV, SGGP)
Ý kiến bạn đọc