Multimedia Đọc Báo in

Bí mật về vụ Mỹ hối lộ bất thành: Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu

14:03, 26/04/2017
Với Đạo luật tiết lộ thông tin (ARC), Mỹ buộc phải công bố những "thâm cung bí sử" khi đến hạn. Trong số này có vụ scandal “bẽ mặt” thời Chiến tranh lạnh: Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hối lộ bất thành Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu với số tiền lên tới 3,3 triệu đô la.

Ngày 2-9-1965, tờ New York Times đã đăng bài liên quan đến việc hối lộ Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu. Sự kiện này được bắt đầu từ việc Singapore bất bình với hàng loạt hành động của Mỹ. Thủ tướng Lý Quang Diệu đã đề nghị Mỹ không nên bưng bít những việc làm "không được lòng dân" tại châu Á như Mỹ đã làm đối với chính quyền Ngô Đình Diệm hay Syngman Rhee. Nhân sự kiện trên ông Lý Quang Diệu  tuyên bố Singapore không bao giờ cho phép người Mỹ thay thế người Anh tiếp quản Singpore và duy trì căn cứ quân sự trên đảo quốc của mình. Đặc biệt, ông Lý Quang Diệu còn nhắc đến vụ CIA hối lộ ông nhưng bị từ chối và yêu cầu Mỹ phải xin lỗi chính thức trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo trang tin Mothership.sg của Singapore, vụ việc bắt đầu từ năm 1960, khi một điệp viên CIA bị bắt vì tham gia mua bán thông tin từ một sĩ quan tình báo Singapore. Do có nguy cơ bị bại lộ, CIA đã đề nghị trả thù lao cho Thủ tướng Lý Quang Diệu 3,3 triệu đô la để giữ kín chuyện. Tuy nhiên, ông Lý Quang Diệu đã từ chối và yêu cầu Mỹ nâng số tiền lên gấp 10 lần dưới dạng viện trợ phát triển chính thức cho Singapore.

Hồ sơ vụ CIA hối lộ Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu được công bố.
Hồ sơ vụ CIA hối lộ Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu được công bố.

Sự việc xảy ra đúng vào lúc tổng thống thứ 35 của Mỹ, J.F  Kennedy chuẩn bị nhậm chức nên sợ bị phanh phui. Tháng 1-1961, Tổng thống tương lai Kennedy đã đề nghị bồi thường danh dự cho ông Lý Quang Diệu dưới hình thức viện trợ nước ngoài cho Singapore lẫn Malaysia vì lúc này Singapore vẫn nằm trong liên bang với Malaysia (Singapore rút ra khỏi liên bang vào mùa hè 1965). Singapore đã giải ngân được 3,3 triệu đô la vào năm 1963 và 1 triệu đô la nữa vào năm 1964 Theo các thông tin đăng tải trên tờ NewYork Times số ra ngày 2-9-1965 thì vào ngày 15-4-1961 Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Dean Rusk đã có thư xin lỗi ông Lý Quang Diệu và cam kết trong nhiệm kỳ của Tổng thống Kennedy, Nhà Trắng sẽ kỷ luật điệp vụ CIA gây ảnh hưởng đến quan hệ giao bang hai nước và thanh danh của ông Lý Quang Diệu.

Ngay sau khi ông Lý yêu cầu Mỹ không nên che giấu những vụ việc gây mất lòng dân, đại sứ Mỹ tại Malaysia lúc đó là James D. Bell và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Robert J. McCloskey đã bác bỏ việc CIA hối lộ ông Lý Quang Diệu. Để làm bằng chứng, ông Lý Quang Diệu đã cho công bố bức thư xin lỗi của Bộ trưởng Ngoại giao Dean Rusk gửi ông ngày 15-4-1961. Chưa hết, Thủ tướng Lý Quang Diệu còn dọa sẽ công bố toàn bộ các báo cáo và tài liệu liên quan đến âm mưu của CIA, thậm chí cả kế hoạch phát băng ghi âm các cuộc thẩm vấn và các cuộc họp trên Đài Phát thanh Singapore, nếu Chính phủ Mỹ tiếp tục phủ nhận việc làm của mình. "Nếu người Mỹ tiếp tục từ chối, tôi sẽ tiết lộ thêm những thông tin chi tiết, giống như các điệp vụ của James Bond và Goldfinger từng làm, nó không phải là điều tốt đẹp, vừa ghê tởm lại kỳ cục. Người Mỹ cũng nên biết điều khi họ làm việc với ai tại Singapore, không nên kéo Singapore vào những chuyện rắc rối và vô bổ, giống như họ từng làm với Ngô Đình Diệm hay Syngman Rhee, tiền  không mua được tất cả", ông Lý Quang Diệu tuyên bố với báo giới khi Mỹ cố tình che giấu những việc làm xấu hổ của họ. Để hạn chế thiệt hại vì những sai lầm của CIA gây ra, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ McCloskey nhanh chóng rút lại lời phát ngôn, còn phía Mỹ cũng rút ra bài học trong mối quan hệ với Singapore.

Vụ hối lộ bất thành của CIA làm dư luận nhớ đến một vụ scandal đình đám khác Mỹ đã làm  năm 1960, trong đó Bộ Ngoại giao Mỹ phủ nhận việc một chiếc máy bay do thám U-2 đã tiến sâu vào lãnh thổ Liên Xô. Moscow tố cáo xâm nhập mà không tiết lộ ngay thông tin rằng họ đã bắt được máy bay lẫn phi công. Sự việc rành rành như ban ngày nên Mỹ không thể chối từ. Vụ hối lộ Thủ tướng Lý Quang Diệu và vụ máy bay U-2  đã được báo chí thời đó miêu tả là khó hiểu, đặc biệt là "sự vô cảm" chung của người Mỹ ở khắp nơi trên thế giới. Việc Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từ chối nhận quà biếu của CIA không chỉ mang lại tiếng tăm cho ông mà còn mang lại lợi ích cho Singapore, buộc chính quyền Tổng thống Kennedy phải "sòng phẳng” bằng viện trợ phát triển cho Singapore. Đây là bài học sâu sắc về lòng yêu nước, trung thành với tổ quốc của ông Lý Quang Diệu, bởi theo hiến pháp, tất cả các nghị sĩ Singapore đều phải tuyên thệ trung thành với tổ quốc trước khi thực thi trách nhiệm của mình cho dù họ thuộc đảng phái nào.

Nguyễn Khắc Hùng

(Dịch từ MS/CIA/CC/JSK- 3/2017)


Ý kiến bạn đọc