Tín hiệu tích cực cho hòa bình tại Syria
Vòng hòa đàm mới nhất về Syria đã kết thúc sau hơn 1 tuần làm việc tại Geneva (Thụy Sĩ) với một số tiến triển. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donal Trump đã đưa ra cách tiếp cận mới, theo đó, “số phận của Tổng thống Bashar al-Assad không còn là ưu tiên hàng đầu của Mỹ trong việc giải quyết cuộc chiến Syria”. Các phân tích cho rằng, đây là một bước ngoặt có thể thay đổi cuộc chiến Syria sau 6 năm xung đột vừa qua.
Nhìn chung, dư luận khu vực Trung Đông đánh giá khá thận trọng về kết quả vòng đàm phán hòa bình Syria vừa kết thúc tại Geneva sau hơn 1 tuần làm việc căng thẳng. Theo đó, các bên đã nhất trí về 4 chủ đề quan trọng, làm tiền đề cho một lộ trình chuyển tiếp chính trị tại Syria, bao gồm: quản trị nhà nước, xây dựng hiến pháp, bầu cử và chống khủng bố.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít rào cản ở phía trước, nhất là khả năng duy trì thỏa thuận ngừng bắn ở Syria đạt được tại Astana từ tháng 1-2017 đến nay, và bất đồng liên quan đến số phận của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Quang cảnh vòng hòa đàm thứ 5 diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ. (Ảnh: Reuters) |
Phản ứng sau hòa đàm, Đại sứ Syria tại Liên hiệp quốc, đồng thời là trưởng phái đoàn chính phủ tham gia hòa đàm tại Geneva, ông Bashar al-Jaafari cho rằng 8 ngày hòa đàm tại Geneva đã không mang lại bất cứ tiến bộ cụ thể nào. Trong khi đó, người đứng đầu phái đoàn Ủy ban đàm phán cấp cao (HNC) - đại diện phe đối lập chính của Syria, ông Nasser al-Harari đã đổ lỗi cho Chính phủ về thất bại của hòa đàm, cho rằng Chính phủ đã quá tập trung vào cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố mà từ chối thảo luận về quá trình chuyển tiếp chính trị. Phe đối lập cũng tái khẳng định, sẽ không bao giờ chấp nhận bất cứ vai trò nào của ông al-Assad ở bất kỳ giai đoạn nào.
Liên quan đến vấn đề trên, tại Hội nghị thượng đỉnh thường niên Liên đoàn Arab (AL) mới đây, Tổng thư ký Liên đoàn Arab, ông Ahmed Abul Gheit đã kêu gọi lãnh đạo các quốc gia thành viên AL cần phải hành động nhiều hơn để giúp giải quyết cuộc xung đột Syria, coi đây là nghĩa vụ của khối Arab chứ không phải của bất kỳ cường quốc nào khác.
Các nhà bình luận khu vực cho rằng, các cuộc hòa đàm Syria sẽ khó đạt được kết quả thực chất nếu các bên không thể giải quyết những bất đồng đang tồn tại, cũng như chấm dứt hoàn toàn các hành động thù địch trên thực địa.
Theo kế hoạch, tất cả các bên tham gia đàm phán đều sẵn sàng trở lại Geneva cho vòng đàm phán thứ 6.
Theo các nhà phân tích, việc lần đầu tiên Mỹ công khai lập trường về vấn đề Syria có thể sẽ dẫn đến những thay đổi lớn trên chính trường Syria. Trước tiên, trên bàn đàm phán chính trị, cuộc chơi sẽ nghiêng hẳn về các bên bảo trợ còn lại, gồm Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ và như vậy cũng đồng nghĩa với xu hướng đàm phán sẽ dựa theo những kết quả đạt được trong 3 vòng đàm phán vừa qua tại Astana.
Thứ hai, trên thực địa, phe đối lập sẽ chính thức mất đi sự hậu thuẫn quan trọng của Mỹ, từ đó làm suy yếu khả năng chiến đấu, gặp khó khăn hơn trong việc đối phó với các đợt tấn công từ phía quân đội chính phủ và các nhóm cực đoan. Ngược lại, tín hiệu này sẽ là cơ hội thuận lợi, tạo động lực để Tổng thống al-Assad, với sự yểm trợ quân sự của Nga và Iran, có thể vừa tăng cường triển khai tuyến phòng thủ, vừa mở rộng các chiến dịch tái chiếm trên thực địa, trong đó bao gồm các căn cứ của phe đối lập.
Tương lai của Syria chỉ có thể được giải quyết thông qua một giải pháp chính trị. Việc Mỹ thay đổi lập trường về Syria vừa qua đã đem đến một tín hiệu tích cực cho hòa bình tại quốc gia Trung Đông này. Nếu hợp tác giữa Nga và Mỹ trở thành hiện thực, những “nút thắt” trong cuộc khủng hoảng Syria có thể sẽ dần được tháo gỡ. Cộng đồng quốc tế có thể hi vọng về một kế hoạch hòa bình cho Syria do Liên hiệp quốc làm trung gian, trong đó ông al-Assad sẽ tiếp tục tham gia vào quá trình chuyển giao quyền lực khi một chế độ lâm thời được thành lập.
Với chính sách ưu tiên chống khủng bố, trước mắt Chính quyền của Tổng thống Trump sẽ xem xét đến khả năng phối hợp với Nga về mặt quân sự, bao gồm hình thành một liên minh trên thực địa giữa lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn với quân đội chính phủ Syria để tiêu diệt IS. Tuy nhiên, về lâu dài, Mỹ xác định Syria vẫn là địa bàn quan trọng đối với các lợi ích an ninh của Washington ở Trung Đông, vì thế sẽ không dễ dàng chấp nhận từ bỏ hoặc đứng ngoài cuộc chơi với Nga, nhất là khi các bên tại Syria bắt đầu theo đuổi một lộ trình chuyển giao chính trị.
Ngoài ra, tương lai chính trường Syria sẽ còn tiếp tục bị chi phối, tác động trực tiếp bởi các yếu tố khác, như: lập trường cứng rắn của phe đối lập về vai trò của ông al-Assad; diễn biến trên thực địa, nhất là các xung đột leo thang giữa hai dòng Hồi giáo Shiite và Sunni mà đại diện là Iran và Arab Saudi; chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ đối với nhóm người Kurd, lực lượng ủy nhiệm chính của Mỹ tại Syria.
Theo AFP, ngày 3-4, trong một động thái phản ứng trước sự thay đổi về lập trường của Mỹ, các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) cho rằng, Tổng thống Syria Bashar al-Assad không có tương lai trong thời hậu chiến tại quốc gia Trung Đông này và số phận của ông ta cuối cùng sẽ do người dân Syria định đoạt.
Khi được hỏi việc Washington đã phát tín hiệu cho biết sẽ không còn tập trung vào việc lật đổ Tổng thống Assad vì phải tập trung mở rộng cuộc chiến chống các nhóm khủng bố như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có ý nghĩa gì với chính sách của EU, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini cho biết, bà tin rằng "sẽ không thể" quay trở lại hiện trạng ở Syria. Bà nêu rõ, sau gần 7 năm xung đột, "dường như hoàn toàn không thể tin rằng tương lai của Syria sẽ giống như trước đây. Điều này sẽ do người dân Syria quyết định, rõ ràng bất cứ giải pháp nào có thể được tất cả người dân Syria tán thành, chúng tôi sẽ ủng hộ".
Trong một diễn biến khác, tại một cuộc họp quốc tế diễn ra ở Doha (Qatar) ngày 2-4, các bên đã cam kết viện trợ 262 triệu USD cho Syria trong bối cảnh hàng triệu người nước này cần viện trợ nhân đạo gấp.
Nhiều nạn nhân chiến tranh ở Aleppo là trẻ em (Ảnh: AFP) |
Tham dự cuộc họp trên có đại diện Liên hiệp quốc và 25 tổ chức phi chính phủ, trong đó có Hội Chữ thập đỏ Qatar, Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) cũng như một số tổ chức từ thiện của các nước Liban, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ. Phát biểu tại cuộc họp, Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hiệp quốc về hoạt động nhân đạo, ông Ahmed bin Mohammed Al-Muraikhi cho biết Syria đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, hơn 13 triệu người dân cần viện trợ. Quan chức này ước tính trong năm nay, Syria cần tới 8 tỷ USD viện trợ.
Liên quan đến cuộc khủng hoảng nhân đạo của Syria, Phó Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR), bà Kelly T. Clements ngày 2-4 đã ký thỏa thuận với Quỹ Phát triển Kinh tế Arab của Kuwait nhằm cấp khoản viện trợ trị giá 10 triệu USD cho người tị nạn Syria ở Iraq, đồng thời kêu gọi các nước Arab vùng Vịnh đóng góp nhiều hơn để trợ giúp người tị nạn.
Phát biểu trong chuyến thăm Kuwait, bà Clements nhấn mạnh cuộc chiến kéo dài 6 năm qua tại Syria đã đẩy hơn 5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Ngoài 5 triệu người di cư trên, còn có khoảng 13,5 triệu người phải sơ tán bên trong lãnh thổ Syria. Những người di cư không đủ khả năng nuôi sống gia đình cũng như không thể đưa con cái đến trường, trong khi mạng sống của họ luôn bị đe dọa. Số liệu thống kê cho thấy khoảng 1,5 triệu trẻ em hiện ở Syria không được tới trường.
Bà Clements cũng kêu gọi các thành viên khác trong GCC cần đóng góp nhiều hơn cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo của UNHCR. Theo quan chức này, các nguồn quỹ hiện có của UNHCR đáp ứng chưa đến 1/2 nhu cầu thực tế cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo trên khắp thế giới, trong đó có Nam Sudan, Somalia, Myanmar và Bangladesh.
Hồng Như (Theo VOV, Vietnam+)
Ý kiến bạn đọc