Multimedia Đọc Báo in

Khủng hoảng chính trị lan rộng tại Venezuela

22:55, 03/04/2017

Ngày 2-4, Tòa án tối cao Venezuela tuyên bố đã từ bỏ những bước đi nhằm giành quyền lập pháp của Quốc hội do phe đối lập kiểm soát.

Động thái đưa ra sau khi những bước đi trước đó của Tòa án tối cao Venezuela (TSJ) gây ra phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế cũng như làm gia tăng sức ép lên Tổng thống Nicolas Maduro. Tuy nhiên, bất chấp tuyên bố này của Tòa án tối cao Venezuela, chính trường nước này vẫn chưa thể lặng sóng.

Sau cuộc họp với các quan chức an ninh của chính phủ Venezuela, Tổng thống Maduro đã xuất hiện trên truyền hình và yêu cầu tòa án xem xét lại quyết định của ông trước đó đề nghị giải tán Quốc hội và tăng thêm quyền cho Tổng thống.

Tổng thống Maduro cũng đã mời lực lượng đối lập đàm phán, nhưng các nhà lãnh đạo đối lập không chấp nhận đối thoại cho đến khi chính phủ đáp ứng một số yêu cầu của họ, chẳng hạn như tổ chức bầu cử tổng thống vào năm 2018. “Venezuela đang trải qua một giai đoạn nguy hiểm về chính trị”, ông Maduro phát biểu trên truyền hình. “Đó là một cuộc tấn công rất tàn bạo bởi thế lực trong bóng tối muốn tiếp quản quê hương của chúng ta. Với tư cách là người đứng đầu nhà nước, tôi cam kết sẽ giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng và tốt nhất. Chúng ta sẽ trao cho người dân một thắng lợi hiến pháp khác thông qua đối thoại”.

Một phiên họp của Tòa án tối cao Venezuela. (Ảnh: EPA/TTXVN)
Một phiên họp của Tòa án tối cao Venezuela. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Tuy nhiên, bất chấp việc tòa án tối cao rút lại quyết định giành quyền lập pháp của Quốc hội thì phe đối lập cho rằng, điều này không có nghĩa là dân chủ đã được phục hồi tại Venezuela. Các nhà lập pháp của phe đối lập cho biết, họ sẽ tiến hành thủ tục buộc thay thế các thành viên của Tòa án tối cao, cơ quan mà họ cho là ủng hộ Tổng thống Maduro.

Ngày 2-4, Phó Chủ tịch Quốc hội Venezuela Freddy Guevara cho biết sẽ có một cuộc biểu tình vào ngày 4-4 để yêu cầu phế truất 7 thẩm phán của Tòa án Tối cao nước này vì đưa ra phán quyết tước quyền lập pháp của Quốc hội do phe đối lập chiếm đa số. 

Các nghị sĩ kêu gọi tuần hành đến tận trụ sở Quốc hội, tại trung tâm thủ đô Caracas để ủng hộ phiên họp sắp tới thảo luận về việc bãi nhiệm các thẩm phán và quyết định nói trên của TSJ mà lực lượng đối lập cáo buộc là một "cuộc đảo chính”.

Theo ông Guevara, quyết định hủy bỏ hai bản án của TSJ làm hạn chế quyền miễn nhiệm của các nghị sỹ và tiếm quyền Quốc hội nhằm tìm cách ngăn cản áp lực quốc tế.

Về phần mình, Chủ tịch Quốc hội Venezuela Julio Borges đánh giá quyết định của TSJ vô hiệu hóa quyền hạn của cơ quan lập pháp là không thể sửa chữa được kể cả khi sau đó chính cơ quan này lại đưa ra phán quyết hủy bỏ bản án đó. Ông Borges tố cáo Tổng thống Nicolas Maduro đã thông đồng với TSJ để đưa ra quyết định trên và sau đó lại rút lại. Nghị sĩ phe đối lập Juan Miguel Matheus cho biết Quốc hội sẽ bắt đầu tiến trình bãi nhiệm 7 thẩm phán trên của TSJ vào ngày 4-4 theo Điều 165 của Hiến pháp.

Trong khi đó, Tổng thống Maduro bác bỏ cáo buộc có đảo chính và khẳng định vụ việc diễn ra vừa qua là sự bất đồng giữa TSJ và Tổng chưởng lý Luisa Ortega - người đã tuyên bố các phán quyết trên của TSJ vi phạm Hiến pháp.

Trước đó, quyết định giải tán Quốc hội của Tổng thống Maduro làm bùng lên các phản ứng trong nước và của quốc tế. Các cuộc biểu tình do lực lượng đối lập tiến hành khiến lực lượng Vệ binh Quốc gia phải sử dụng hơi cay để giải tán. Trong khi đó, Liên hiệp quốc, Liên minh châu Âu, Mỹ và nhiều nước láng giềng của Venezuela phản đối quyết định, xem đó là con đường dẫn tới “độc tài”.

Khối thương mại Nam Mỹ Mercosur (Argentina, Brazil, Paraguay, Uruguay và Argentina) đã nhóm họp bàn về cuộc khủng hoảng chính trị của Venezuela đã ra tuyên bố kêu gọi Venezuela có “biện pháp cụ thể ngay lập tức” để bảo đảm phân chia quyền lực rõ ràng giữa lập pháp - hành pháp và tư pháp. Venezuela đã bị đình chỉ tư cách thành viên Mercosur từ tháng 12-2016. 

Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) trước đó cũng đã cân nhắc quyết định trục xuất Venezuela ra khỏi OAS. Tuy nhiên, Cuba đã phản đối quyết định này. Bộ Ngoại giao Cuba đã ra tuyên bố mạnh mẽ ủng hộ chủ quyền, độc lập, tự quyết và phẩm giá của Venezuela cũng như tất cả các các nước châu Mỹ. Hàng ngàn người Venezuea ủng hộ chính phủ cũng đã xuống đường phản đối ý định trục xuất Venezuela khỏi OAS. 

Trên thực tế, cuộc đấu giành quyền lực giữa Tòa án Tối cao và Quốc hội đã diễn ra âm ỉ hơn một năm qua, kể từ thời điểm phe đối lập tại Venezuela giành quyền kiểm soát Quốc hội vào cuối năm 2015. Đó là thời điểm cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có tại “quốc gia dầu lửa” Venezuela khiến tỷ lệ ủng Tổng thống Maduro xuống rất thấp. Kể từ đó, Tòa án Tối cao Venezuela đã bác hầu hết tất cả các quyết định của Quốc hội, đáng chú ý nhất là thay thế vai trò của Quốc hội khi đưa ra phán quyết cho phép ông Maduro thành lập các liên doanh dầu khí mà không có sự phê chuẩn của Quốc hội.

Mới đây nhất, 2 ngày trước khi đưa ra phán quyết giành quyền lập pháp của Quốc hội, Tòa án Tối cao cũng vô hiệu hóa quyết định của Quốc hội ủng hộ việc Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) áp dụng Hiến chương Dân chủ chống Venezuela với lập luận rằng văn bản này là “vi hiến”. Chính vì thế, khi đã giành được quyền kiểm soát Quốc hội, chắc chắn phe đối lập không thể để tuột mất ưu thế về quyền lập pháp vào tay Tòa án.

Mặc dù, trước sức ép của cộng đồng quốc tế, Tòa án Tối cao Venezuela đã phải rút lại tuyên bố giành quyền lập pháp của Quốc hội nhưng theo các nhà phân tích, việc tháo gỡ “ngòi nổ” mới này chỉ là giải quyết phần ngọn. Gốc rễ của cuộc khủng hoảng chính trị của Venezuela hiện nay chính là cuộc khủng hoảng kinh tế đã kéo dài hơn 3 năm qua tại đất nước này.

Điều đáng nói là theo dự báo của các chuyên gia, triển vọng kinh tế của Venezuela trong năm 2017 này cũng không sáng sủa hơn năm 2016 là bao với mức suy giảm dự kiến ở mức trên 10%. Lạm phát hiện nay ở mức 3 con số, tình trạng thiếu lương thực, thuốc men ngày càng trầm trọng và tội phạm đường phố tăng nhanh. Năm 2016, phe đối lập đã kêu gọi một cuộc trưng cầu ý dân để bãi nhiệm Tổng thống Maduro và mở một cuộc bầu cử tổng thống mới vào đầu năm 2017. Tuy nhiên, Ủy ban bầu cử quốc gia Venezuela cho rằng, các chữ ký thu thập để tổ chức trưng cầu dân ý là giả mạo. Nhiệm kỳ của Tổng thống Maduro sẽ kết thúc vào tháng 1-2019. 

Sự trì trệ về kinh tế sẽ tiếp tục là điểm yếu của chính quyền Tổng thống Maduro để phe đối lập khai thác nhằm tìm cách buộc ông phải ra đi hoặc tổ chức bầu cử sớm.

Nhiều cuộc thăm dò ý kiến ​​cho thấy, số người ủng hộ ông Maduro đã giảm xuống dưới mức 20%. Nhưng Chính phủ Venezuela vẫn được sự ủng hộ đáng kể, đặc biệt là người nghèo Venezuela. Họ là những đối tượng được hưởng lợi từ những chính sách phúc lợi như nhà ở giá rẻ và nhiều khoản trợ cấp khác. Họ cũng thường xuyên tổ chức các cuộc biểu tình để chứng minh sự ủng hộ của họ với Chính phủ của ông Maduro.

Theo các nhà phân tích, để khai thông thế bế tắc chính trị hiện nay, chính phủ của ông Maduro cần đối mặt với những đòi hỏi thay đổi về cấu trúc chính trị cũng như về quản lý kinh tế.

Dương Hà (Theo VOV, TTXVN)


Ý kiến bạn đọc