Israel-Palestine: Giải pháp hai nhà nước là con đường hòa bình duy nhất
Trong một phiên họp tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) về Trung Đông và Bắc Phi khai mạc tại Jordan hôm 20-5, các nhà thương thuyết Palestine và Israel cho rằng giải pháp hai nhà nước là chìa khóa để giải quyết xung đột kéo dài hàng thập kỷ qua giữa Palestine và Israel.
Tại phiên họp, nhà thương thuyết hàng đầu của Palestine Saeb Erekat và cựu Ngoại trưởng Israel Tzipi Livni đều cho rằng giải pháp hai nhà nước dẫn đến việc hình thành một nhà nước Palestine độc lập là một giải pháp quan trọng. Ông Erekat nói: “Để tránh những sai lầm trong quá khứ, chúng tôi muốn Chính phủ Israel đặt vấn đề lên bàn đàm phán và thảo luận vấn đề về bản đồ đối với các khu vực biên giới của Palestine và các vấn đề khác nữa".
Bình luận về vấn đề này, cựu Ngoại trưởng Israel Tzipi Livni cũng ca ngợi giải pháp hai nhà nước. Bà Livni cho hay: "Đối với Israel, hòa bình dựa trên giải pháp hai nhà nước là mối quan tâm của Israel”. Bà Livni cũng nhấn mạnh vai trò then chốt của các quốc gia Arập trong việc đạt được thỏa thuận hòa bình.
Hai bên cũng bày tỏ sự lạc quan về nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm thực hiện một thỏa thuận hòa bình và nhấn mạnh tầm quan trọng của hội nghị thượng đỉnh Hồi giáo và Mỹ sắp tới tại Riyadh về vấn đề này.
Người biểu tình Palestine xung đột với cảnh sát Israel trong một cuộc biểu tình ở Ramallah. (Ảnh: EPA/TTXVN) |
Về phần mình, ông Erekat cũng đưa ra cảnh báo về việc di chuyển sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới Jerusalem, cho rằng động thái này sẽ chấm dứt mọi hy vọng thương lượng đạt tới một thỏa thỏa thuận hòa bình Israel-Palestine.
Được biết, sau khi lên nắm quyền hồi tháng 1 vừa qua, ông Trump đã có nhiều dấu hiệu gác lại cam kết cứng rắn khi tranh cử về việc chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Israel và tỏ ra mềm dẻo hơn khi hứa sẽ làm những gì cần thiết để đạt được thỏa thuận hòa bình Trung Đông.
Israel coi Jerusalem là thủ đô vĩnh viễn và không thể chia cắt của nước này, đồng thời muốn tất cả các nước trong khu vực đặt Đại sứ quán ở đó. Lời kêu gọi này vấp phải sự phản đối từ các đồng minh của Mỹ vì Palestine cũng coi thành phố linh thiêng này là thủ đô của nhà nước tương lai.
Ngoại trưởng Tillerson cho biết quyết định của ông Trump phụ thuộc rất lớn vào việc chính phủ các nước trong khu vực nhìn nhận vấn đề này như thế nào, bao gồm việc “liệu quan điểm của Israel có giúp ích cho một sáng kiến hòa bình không, hay sẽ chỉ phá hoại điều đó”.
Bình luận của ông Tillerson nhanh chóng nhận được sự đáp trả từ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. “Lập trường của Israel đã được đưa ra rất nhiều lần trước chính quyền Mỹ và thế giới”, thông cáo từ văn phòng của ông Netanyahu nêu rõ. “Việc chuyển Đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem sẽ không ảnh hưởng đến tiến trình hòa bình, thậm chí là ngược lại. Nó sẽ thúc đẩy tiến trình này bằng việc đính chính sai lầm lịch sử và bằng việc đập tan ảo tưởng của Palestine rằng Jerusalem không phải là thủ đô của Israel”.
Hà Dương (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc