Multimedia Đọc Báo in

Người dân Mỹ biểu tình phản đối chính sách môi trường của ông Trump

10:59, 01/05/2017

AFP đưa tin, ngày 29-4, hàng chục nghìn người đã tuần hành từ Quốc hội Mỹ tới Nhà Trắng để bày tỏ ủng hộ việc công nhận biến đổi khí hậu và phản đối Tổng thống Donald Trump hủy bỏ các chính sách bảo vệ môi trường.

Những người biểu tình bày tỏ sự phản đối ý tưởng rút khỏi Thỏa thuận Paris năm 2015 về chống biến đổi khí hậu của Tổng thống Trump cũng như việc vị tỷ phú này muốn tăng cường khai thác dầu và than. Đám đông cũng mang biểu ngữ chỉ trích các thiệt hại môi trường mà các chuyến đi tới Florida thường xuyên của ông Trump vào dịp cuối tuần và chế giễu rằng khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của tổng thống cũng bị ảnh hưởng vì mực nước biển gia tăng.

Tham gia biểu tình có cả tài tử điện ảnh Leonardo DiCaprio với biểu ngữ "Biến đối khí hậu là có thật". Tổng thống Trump từng tuyên bố biến đối khí hậu là "trò lừa bịp... do Trung Quốc tạo ra để khiến ngành sản xuất Mỹ mất sức cạnh tranh".

Vào dịp đánh dấu 100 ngày cầm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tấn công kịch liệt truyền thông nước này.

Ông Trump nói với những người ủng hộ của mình ở Pennsylvania (Mỹ) rằng ông “giữ hết lời hứa này đến lời hứa khác”. Ông bác bỏ các lời chỉ trích, coi đó là tin giả do các nhà báo thiếu thực tế tung ra. Tổng thống Trump còn quyết định bỏ qua bữa tối với cánh phóng viên chuyên đưa tin về Nhà Trắng.

Chỉ số tín nhiệm dành cho ông Trump sau 100 ngày nhậm chức hiện rớt xuống mức khoảng 40% - tỷ lệ này được cho là thấp hơn bất cứ vị Tổng thống nào của Mỹ trước đây.

Phát biểu trước đám đông, Tổng thống Trump nói rằng ông “rất khoái cái cảm giác được ở cách xa Washington tới hơn 160 km” và ông đồ rằng bữa tối kia “sẽ rất tẻ nhạt”.

Cho đến nay, cố Tổng thống Ronald Reagan là lãnh đạo Mỹ cuối cùng không dự bữa tối thường niên đó do thời điểm ấy ông Reagan đang phục hồi sau khi bị thương do bị ám sát.

Trong khi đó, tại bữa tiệc tối ở Washington với sự tham dự của cánh phóng viên và những người nổi tiếng, phóng viên Reuters trong nhóm đưa tin về Nhà Trắng phát biểu rằng “nghề của chúng ta là đưa tin về sự thực, và buộc giới lãnh đạo phải có trách nhiệm về những gì họ làm”.

Quay trở lại các cam kết tranh cử, Tổng thống Trump tự hào nói rằng 100 ngày cầm quyền đầu tiên của ông “rất thú vị và rất hiệu quả”. Ông nói rằng mình đã giúp chấm dứt tình trạng thiếu hụt việc làm, đưa các việc làm từ hải ngoại về Mỹ, rút các thỏa thuận quốc tế không có lợi cho Mỹ, như “Hiệp ước đối tác Thái Bình Dương”.

Cũng trong dịp này, chính quyền Mỹ cho biết Tổng thống Donald Trump sẽ ban hành một sắc lệnh yêu cầu xem xét lại các "khúc mắc" trong những thỏa thuận thương mại quốc tế mà các chính phủ tiền nhiệm ở nước này đã ký, trong đó có cả thỏa thuận với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). 


Phát biểu trước báo giới ngày 28-4, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nêu rõ sắc lệnh của Tổng thống Trump muốn đề cập "một cách cụ thể đến các vi phạm và thiếu công bằng trong từng thỏa thuận thương mại hiện hành".

Bộ Thương mại Mỹ sẽ có 180 ngày để hoàn thành báo cáo đánh giá mọi thỏa thuận thương mại của Mỹ, đồng thời nêu rõ các thách thức và các biện pháp giải quyết các vấn đề tồn đọng trong các thỏa thuận này. 
 

Ngày 28/3, Tổng thống Trump ký sắc lệnh “Độc lập năng lượng”, đảo ngược di sản của người tiền nhiệm Barack Obama về chống biến đổi khí hậu.
Ngày 28-3, Tổng thống Trump ký sắc lệnh “Độc lập năng lượng”, đảo ngược di sản của người tiền nhiệm Barack Obama về chống biến đổi khí hậu. (Ảnh: Reuters)

Bộ trưởng Ross cho biết đây là lần đầu tiên Washington tiến hành đánh giá một cách có hệ thống về tác động của các thỏa thuận thương mại quốc tế đối với nền kinh tế Mỹ. Hiện nước này có 20 đối tác thương mại tự do và 42 thỏa thuận đầu tư song phương. 

Hồi tháng trước, Tổng thống Trump cũng đã đưa ra một sắc lệnh tương tự, theo đó yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ xác định "các đối tượng gian lận" - là quốc gia hoặc các công ty cụ thể - đã góp phần khiến thâm hụt thương mại hàng năm của Mỹ lên tới 500 tỷ USD. 

Bộ trưởng Ross cho biết Washington đang ghi nhận tình trạng thặng dư thương mại trong lĩnh vực xuất khẩu dịch vụ. Tuy nhiên, trong lĩnh vực hàng hóa, nước này bị thâm hụt lớn, trong đó 47% là trong quan hệ làm ăn với Trung Quốc. 

Quyết định xem xét lại các thỏa thuận thương mại quốc tế được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ của Tổng thống Trump đang thảo luận gay gắt liên quan đến các vấn đề thương mại, với những diễn biến gần đây nhất là việc Washington quyết định áp thuế chống bán phá giá trung bình 20% đối với các mặt hàng gỗ xẻ của Canada và một lần nữa đe dọa rút khỏi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) nếu đây "không phải là một thỏa thuận công bằng".

Hà Như (Theo VOV, TTXVN)


Ý kiến bạn đọc