Multimedia Đọc Báo in

Ông Macron cam kết thúc đẩy cải cách, xây dựng nước Pháp hùng mạnh

18:34, 16/05/2017
Trong bài diễn văn tại lễ nhậm chức được tổ chức long trọng vào sáng 14-5 tại Điện Elysse ở thủ đô Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh nước Pháp đã chọn "hy vọng", đồng thời cam kết sẽ vượt qua sự chia rẽ trong xã hội Pháp và xây dựng một nước Pháp hùng mạnh. 
 
Phát biểu trước hàng trăm chính trị gia và quan khách tại Điện Elysee, tân Tổng thống Pháp nêu rõ cần phải vượt qua sự chia rẽ và rạn nứt trong xã hội Pháp. 
 
Ông Macron nhấn mạnh thế giới và châu Âu đang cần nước Pháp hơn bao giờ hết, đồng thời khẳng định một nước Pháp mạnh mẽ sẽ nói lên tiếng nói của tự do và đoàn kết. Ông cam kết sẽ nỗ lực để xây dựng một Liên minh châu Âu (EU) hiệu quả hơn, dân chủ hơn, mang nhiều tính chính trị hơn vì EU chính là phương tiện giúp cho nước Pháp trở nên hùng mạnh. 
 
Tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ông cũng khẳng định sẽ "cởi trói" cho nền kinh tế Pháp, tuyên bố thị trường lao động sẽ linh hoạt hơn, các điều kiện kinh doanh thuận lợi sẽ được tạo ra nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. 
 
Trong bài phát biểu dài 12 phút, tân Tổng thống Macron tuyên bố sẽ làm mọi thứ cần thiết để chống chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa độc đoán cũng như giải quyết cuộc khủng hoảng di cư toàn cầu. Tổng thống Macron cũng nhấn mạnh "sự vượt quá giới hạn của chủ nghĩa tư bản và tình trạng biến đổi khí hậu sẽ là các thách thức phải đối phó". 
 
Trước đó, cuộc bàn giao quyền lực giữa Tổng thống mãn nhiệm Francois Hollande và ông Macron đã kéo dài khoảng một giờ. Ông Hollade đã chuyển lại cho người kế tục một số bí mật quốc gia, trong đó có các "mã số vũ khí hạt nhân". Khoảng 530 phóng viên Pháp và nước ngoài đã trực tiếp có mặt để truyền tin về cuộc chuyển giao quyền lực đặc biệt này. 
 
Kết thúc lễ nhậm chức của ông Maron, 21 loạt đại bác đã được bắn chào mừng vị Tổng thống thứ 8 của nước Pháp. Sau bữa trưa chính thức, ông Macron đã đến dâng hoa tại tượng Đài chiến tranh Arc de Triomphe trên Đại lộ Champs Elysees trước khi đến thăm tòa thị chính Paris.
 
Một ngày sau lễ nhậm chức, tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 15-5 đã tới Đức, bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên, với mong muốn tăng cường các mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai nền kinh tế hàng đầu EU. Dư luận đều chờ đợi sự phối hợp Pháp - Đức dưới thời ông Macron sẽ khác gì so với thời cựu Tổng thống Francois Hollande.
 
Cũng giống như người tiền nhiệm Francois Hollande, tân Tổng thống Pháp Macron đã chọn Đức là điểm đến đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình. Theo các nhà phân tích, đúng như những gì thể hiện trong suốt chiến dịch tranh cử vừa qua, ông Macron tiếp tục dành ưu tiên cho những vấn đề của EU, theo cách mà EU sẽ thúc đẩy nước Pháp và ngược lại nước Pháp cũng thúc đẩy châu Âu.
 
Trên thực tế, châu Âu luôn là trọng tâm chiến dịch tranh cử của ông Macron, khác xa với sự thận trọng của người tiền nhiệm Francois Hollande, một cựu lãnh đạo đảng Xã hội khi luôn phải tìm cách xoay sở giữa những bất đồng trong nội bộ đảng trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2005 về hiệp ước Lisbon về cải cách Hiến pháp châu Âu.
 
Và cũng khác với những đối thủ của mình luôn đặt trên lưng EU những vấn đề của nước Pháp, một tư tưởng đè nặng lên nước Pháp trong suốt 20 năm qua, trong chiến dịch tranh cử vừa qua, tân Tổng thống Pháp luôn bảo vệ  những thành quả của EU, kêu gọi một sự hội nhập sâu hơn  trong những vấn đề được coi là then chốt đối với người dân Pháp như cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, kiểm soát biên giới bên ngoài, nền quốc phòng chung, đồng euro hay cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. “Thế giới và châu Âu đang cần nước Pháp hơn lúc nào hết. Họ cần một nước Pháp  mạnh mẽ luôn tin vào vận mệnh của mình, một nước Pháp có thể thúc đẩy tự do và đoàn kết. Họ cần một nước Pháp có thể biết cách tạo ra tương lai”, ông Macron nói.
 
Theo các nhà phân tích, nền tảng chính sách châu Âu của ông Macron được thể hiện rõ trong bài phát tại Đại học Humboldt ở thủ đô Berlin, Đức hôm 10-1 vừa qua. Trong đó, ông khẳng định ưu tiên của mình là khôi phục niềm tin trong quan hệ Pháp - Đức để từ đó có thể đưa thâm hụt công lần đầu tiên trong 10 năm xuống dưới ngưỡng 3% GDP, phục hồi việc làm thông qua cải cách thị trường lao động.
 
Ông Macron cũng mong muốn tại cuộc họp Hội đồng châu Âu vào tháng 6 tới, 27 nước thành viên sẽ thông qua được một lộ trình về những vấn đề mà nước Pháp đang rất quan tâm hiện nay như cải cách khu vực đồng euro hay triển vọng tài chính trong thời gian tới của EU, mà các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu từ năm sau. 
Tân Tổng thống Pháp Macron (phải) nhận được sự đón tiếp nồng hậu từ Thủ tướng Đức Merkel. Ảnh: Independent.
Tân Tổng thống Pháp Macron (phải) nhận được sự đón tiếp nồng hậu từ Thủ tướng Đức Merkel. (Ảnh: Independent)
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, những cam kết hướng tới loại bỏ “những dấu ấn về sự thống trị của Đức” đối với đời sống kinh tế, chính trị và xã hội châu Âu không hề đơn giản, sẽ phải đi kèm giải pháp cho những hồ sơ đang bị bế tắc hiện nay như cải cách quy định về lao động, xây dựng liên minh ngân hàng  hay thị trường vốn lớn.  
 
Đây là điều Đức vẫn chưa sẵn sàng đón nhận. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí không ngần ngại cho rằng về mặt chính trị những ý tưởng của ông Macron về cải cách khu vực đồng euro là "phi thực tế".
 
Trước thềm chuyến thăm, báo chí Pháp đều nhắc lại chuyến thăm Đức của cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande hôm 15-5-2012 ngay sau lễ nhậm chức. Khi đó máy bay của ông Hollande đã phải chuyển hướng do thời tiết xấu. Và trên thực tế, trong nhiệm kỳ Tổng thống 5 năm của mình, ông Hollande đã bỏ lỡ nhiều kế hoạch lớn của châu Âu. Vì thế, giới quan sát đều kỳ vọng một sự khởi đầu suôn sẻ hơn với nước Pháp dưới thời tân Tổng thống Emmanuel Macron nhằm tạo ra một sự thay đổi cho nước Pháp và EU.
 
Hồng Như ( Theo VOV, TTXVN)

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.