Tấn công ở London: Khủng bố Hồi giáo vẫn chưa buông tha nước Anh
Ngày 5-6, cảnh sát Anh đã xác định danh tính 2 trong số những kẻ tấn công khủng bố ở London.
Lãnh đạo lực lượng cảnh sát chống khủng bố Anh, ông Mark Rowley đã nêu tên 2 trong số 3 đối tượng tấn công bị cảnh sát tiêu diệt là Khuram Butt và Rachid Redouane, đồng thời cho biết Butt từng được lực lượng an ninh để mắt tới.
Butt, 27 tuổi, là công dân Anh và được sinh ra ở Pakistan. Y từng xuất hiện trong một bộ phim tài liệu của Channel 4 về các phần tử cực đoan ở Anh được phát sóng năm ngoái. Redouane, 30 tuổi, được cho là gốc Maroc và Libya.
Hiện, có 10 đối tượng đang bị cảnh sát bắt giữ để phục vụ cho cuộc điều tra vụ tấn công bằng dao và xe tải hôm 3-6, làm 7 người thiệt mạng và gần 50 người bị thương. Trong số các nạn nhân có có cả công dân Pháp và Australia.
Cảnh sát Anh điều tra tại hiện trường vụ tấn công ở Cầu London ngày 4-6. (Ảnh: EPA/TTXVN) |
Vụ tấn công khủng bố đêm 3-6 (giờ London) cho thấy Anh vẫn chưa thoát khỏi bóng ma Hồi giáo cực đoan và tiếp tục là đích nhắm hàng đầu của khủng bố.
Có nhiều dấu hiệu khẳng định đây là một trường hợp khủng bố Hồi giáo, khi những kẻ tấn công đã hô to từ “Allah” mà các tín đồ Hồi giáo hay sử dụng. Cảnh sát và Thủ tướng Anh đều đã tuyên bố nhìn nhận vụ việc này theo hướng một hành động khủng bố.
Đây là vụ tấn công lần thứ 3 ở Anh chỉ trong 3 tháng nửa đầu năm 2017, bất chấp việc Anh nằm ngoài biển về phía Tây, không quá sát Trung Đông như các nước Tây Âu khác.
Như các lần trước, nước Anh ngay lập tức nhận được sự chia buồn và động viên từ các lãnh đạo thế giới, đặc biệt là từ Đức, Pháp và Mỹ - lãnh đạo các nước này thể hiện tinh thần sát cánh với Anh trong cuộc chiến chống khủng bố. Tổng thống Trump đã tận dụng sự việc theo hướng lấy đó làm lý do để kêu gọi bảo vệ và thực thi lệnh cấm nhập cư của ông nhằm vào công dân 6 nước Hồi giáo.
Tuy nhiên, các kẻ tấn công ở Tây Âu trong 2 năm qua thường không phải là người mới nhập cư hay tị nạn mà đa phần là những người đã định cư ở đây từ lâu, mang gốc gác Trung Đông nhưng được nuôi dưỡng và lớn lên ở Tây Âu.
Có thể những kẻ khủng bố một lần nữa muốn gửi thông điệp răn đe tới bà Theresa May, Thủ tướng theo đường lối cứng rắn hiện nay của Anh. Vụ tấn công diễn ra vào thời điểm chỉ còn vài ngày nữa là bầu cử Anh (8-6), nên khó loại trừ khả năng các lực lượng khủng bố muốn tác động đến cuộc bầu cử này theo hướng có lợi cho chúng.
Khi tháng lễ chay tịnh Ramadan vẫn đang diễn ra thì vụ tấn công mới nhất này cũng có thể là để đáp lại lời kêu gọi của tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria và Iraq muốn các “con sói đơn độc” tiến hành các vụ khủng bố bất ngờ từ bên trong các nước phương Tây, sử dụng các phương pháp thô sơ sẵn có.
Sự kiện đêm 3-6 đã một lần nữa chứng tỏ các ổ nhóm hoặc những phần tử bị cực đoan hóa vẫn còn rất mạnh bên trong xã hội Anh. Thực tế thì trước đó chính báo chí Anh đã cho biết có tới 23.000 phần tử Hồi giáo cực đoan đang sống bên trong nước này.
Giới phân tích cho rằng, các vụ tấn công khủng bố chắc chắn sẽ có tác động đến kết quả cuộc tổng tuyển cử Anh diễn ra ngày 8-6 tới.
Sau vụ tấn công khủng bố xảy ra tại London hôm 3-6 vừa qua, an ninh và chống khủng bố đang được xem là một chủ đề nóng trong chiến dịch tranh cử của các đảng phái.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo giới hôm 5-6, Thủ tướng Anh Theresa May đã bác bỏ bình luận về việc đảng Bảo thủ cần có bao nhiều ghế để giành chiến thắng. Thay vào đó, bà tập trung nói về an ninh của nước Anh. Bà May cho biết: “Chúng tôi không thể phủ nhận nguy cơ từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) là một trong những nguy cơ lớn nhất mà nước Anh đang phải đối mặt. Tôi tin rằng đó là quyền và nghĩa vụ của Anh trong việc tham gia đánh bại các nhóm khủng bố như IS và các nhóm cực đoan tương tự trên khắp thế giới”.
Giới phân tích cho rằng, các vụ tấn công khủng bố chắc chắn sẽ có tác động đến kết quả cuộc tổng tuyển cử Anh diễn ra ngày 8-6 tới. (Ảnh: BBC) |
Nhà lãnh đạo này khẳng định các phần tử Hồi giáo cực đoan đang khai thác mạng xã hội để truyền bá tư tưởng cực đoan, xúi giục người dân thực hiện hành vi khủng bố. Do đó, Anh cần phải hành động mạnh mẽ hơn nữa để đánh bại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan vốn kích động thù hằn, chia rẽ và bạo lực.
Đánh giá về lời kêu gọi của Thủ tướng May liên quan tới điều chỉnh chiến lược đối với Hồi giáo cực đoan, Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) trực thuộc tập đoàn "The Economist" (Anh) nhận định, bà Theresa May đã đưa ra một lời kêu gọi “chung chung” mà không đề cập đến những biện pháp cụ thể. Theo bộ phận phân tích này, việc Thủ tướng Theresa May đưa ra lời kêu gọi như vậy có thể nhằm mục đích thu hút phiếu bầu của cử tri.
Việc các lực lượng an ninh - cảnh sát Anh không thể ngăn chặn vụ tấn công ở cầu London và khu chợ Borough đã đẩy bà Theresa May lâm vào tình cảnh dễ bị tổn thương trước những đòn công kích chính trị.
Lãnh đạo Công đảng Anh Jeremy Corbyn không bỏ lỡ dịp này khi lên tiếng chỉ trích bà Theresa May trong thời gian nắm giữ chức vụ Bộ trưởng nội vụ Anh từ năm 2010 - 2016 đã cắt giảm sự hiện diện của quân đội và cảnh sát, khiến an ninh nước Anh bị đe dọa.
Trong khi Thị trưởng thành phố London Sadiq Khan thì cho rằng: “Cảnh sát đã thực hiện tốt nhiệm vụ với nguồn lực hiện có. Nhưng không thể phủ nhận sự thật rằng trong thời gian qua, chúng tôi đã phải cắt giảm 600 triệu bảng Anh trong ngân sách, cắt giảm biên chế hàng nghìn nhân viên cảnh sát. Trong 4 năm tới, có rất nhiều kế hoạch cắt giảm sâu hơn nữa nguồn tài chính. Thực tế, chúng tôi không nhận được đủ sự hỗ trợ về tài chính”.
Theo dự báo của EIU, với quan điểm cứng rắn đối với Hồi giáo cực đoan hơn hẳn các đảng phái khác, đảng Nước Anh độc lập (UKIP) có thể sẽ giành giật phiếu bầu từ đảng Bảo thủ của bà Theresa May. Tuy vậy, EIU hiện chưa thay đổi dự báo rằng đảng Bảo thủ sẽ giành thắng lợi đa số tại tổng tuyển cử.
Dương Hà (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc