Multimedia Đọc Báo in

Liên hiệp quốc thông qua Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân

18:53, 08/07/2017

Liên hiệp quốc vừa thông qua Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân toàn cầu. Đây được xem là một sự kiện “lịch sử”, hướng tới cấm hoàn toàn việc phát triển, lưu trữ hay đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân sau khi được tối thiểu 50 quốc gia ký phê chuẩn từ nay cho tới ngày 20-9. 

Trong phiên họp của Liên hiệp quốc diễn ra hôm 7-7 với sự tham gia của đại diện 124 quốc gia thành viên, Hiệp ước toàn cầu cấm vũ khí hạt nhân chính thức được thông qua với 122 nước bỏ phiếu ủng hộ, 1 phiếu trắng và 1 phiếu phản đối. Hiệp ước bao gồm đầy đủ các hoạt động liên quan đến vũ khí hạt nhân, cấm bất kỳ quốc gia nào phát triển, thử nghiệm, sản xuất, mua bán, sở hữu hoặc dự trữ vũ khí hạt nhân dưới bất kỳ hình thức nào.

Chủ trì phiên họp, bà Elayne Whyte Gómez, cho biết: “Hiệp ước đã nắm bắt được mong muốn của đại đa số đại biểu tham gia hội nghị. Tôi muốn nhấn mạnh điều này bởi nó thể hiện sự nhiệt tình, hiểu biết và là kinh nghiệm chung của xã hội, từng gây áp lực lên cộng đồng quốc tế trong suốt nhiều thập kỷ để tiến tới việc cấm vũ khí hạt nhân”.

Vòng đàm phán về hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân tại Liên hiệp quốc đã diễn ra từ trung tuần tháng 6 vừa qua. Dự kiến hiệp ước sẽ được ký kết vào ngày 20-9 tới và sẽ chính thức có hiệu lực sau khi được 50 quốc gia phê chuẩn. 

Tuy nhiên, không có nước nào trong số 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, gồm Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên và Israel tham gia các cuộc đàm phán hay cuộc bỏ phiếu về hiệp ước cấm hạt nhân.

Ngay khi hiệp ước được thông qua, Mỹ, Anh, Pháp đã lên tiếng phản đối với lý do văn kiện không giải quyết được những quan ngại an ninh của các quốc gia sở hữu hạt nhân muốn duy trì kho vũ khí hạt nhân để làm công cụ răn đe trước hành vi tấn công hạt nhân, cũng như bỏ qua thực tế an ninh quốc tế, ví dụ như vấn đề Triều Tiên.

Trước đó, trong một phiên họp toàn thể hồi cuối năm ngoái, Liên hiệp quốc đã thông qua nghị quyết tổ chức các vòng đàm phán với hy vọng sớm đạt được một hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân trên toàn cầu. Những quốc gia đi đầu nỗ lực này gồm Áo, Ireland, Mexico, Brazil, Nam Phi và Thụy Điển. Khoảng 140 nước đã tham gia soạn thảo hiệp ước này.

Tuy nhiên, các cường quốc hạt nhân là Mỹ, Anh, Pháp và Nga đều phản đối nghị quyết trên, trong khi Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan bỏ phiếu trắng. Nhật Bản cũng nằm trong số những nước phản đối khi cho rằng sự thiếu đồng thuận trong quá trình đàm phán có thể làm xói mòn tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân.

Hình ảnh một vụ nổ bom nhiệt hạch. Ảnh minh họa: AP.
Hình ảnh một vụ nổ bom nhiệt hạch. (Ảnh minh họa: AP)

Theo PressTV, ngày 8-7, đại diện của Iran tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), ông Reza Najafi cho biết nước Cộng hòa Hồi giáo này hoàn toàn ủng hộ việc Liên hiệp quốc thông qua hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân trên toàn cầu. 

Ông Najafi nhấn mạnh: “Nước Cộng hòa Hồi giáo Iran ủng hộ mạnh mẽ các mục tiêu của hiệp ước, đó là cấm sở hữu, sử dụng hoặc đe dọa bằng vũ khí hạt nhân trên toàn cầu”. Theo ông Najafi, chính Iran cũng là một nạn nhân của vũ khí hủy diệt hàng loạt. Ông Najafi cũng đề cập đến một sắc lệnh tôn giáo (fatwa) do Đại giáo chủ Ali Khamenei ban hành, trong đó cấm mọi hành vi sử dụng vũ khí hạt nhân.

Trả lời phỏng vấn phóng viên sau khi Hiệp ước được ký kết, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên hiệp quốc cho biết việc đạt được Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân có ý nghĩa lịch sử, đạo lý và pháp lý hết sức to lớn, gửi đi một thông điệp chính trị rất quan trọng về quyết tâm và nguyện vọng tha thiết của nhân dân thế giới xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, tiến tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân. 

Trước hết, đây là thành tựu to lớn của cuộc đấu tranh không mệt mỏi của các nước không có vũ khí hạt nhân trong suốt 70 năm qua. Kết quả là lần đầu tiên đã có một điều ước quốc tế quy định cấm một cách toàn diện việc phát triển, thử, chế tạo, sản xuất, chiếm hữu, tàng trữ, chuyển giao, kiểm soát, sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. 

Bên cạnh đó, khi tham gia Hiệp ước, các quốc gia cũng sẽ phải cam kết không cho các quốc gia khác đồn trú, lắp đặt hoặc triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ và tại các khu vực trong phạm vi tài phán và kiểm soát của mình. 

Đặc biệt, Hiệp ước đã quy định trách nhiệm của các nước tiến hành thử và sử dụng vũ khí hạt nhân phải hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng trong việc giúp đỡ nạn nhân và khắc phục hậu quả về môi trường. 

Hiệp ước cũng có các điều khoản tạo điều kiện cho các nước có vũ khí hạt nhân sau này tham gia, nếu cam kết phá hủy vũ khí hạt nhân. 

Về pháp lý, với việc thông qua Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân, đến nay đã có các điều ước quốc tế cấm tất cả 3 loại vũ khí hủy diệt hàng loạt là vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học và vũ khí sinh học. Đây là một bước tiến mới, là cơ sở pháp lý quan trọng góp phần tăng cường các cơ chế giải trừ quân bị và giải trừ vũ khí hạt nhân, tiến tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia vào quá trình đàm phán, nổi bật là đã phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN và các nước cùng quan điểm đóng góp tích cực và đưa được các nội dung quan trọng vào Hiệp ước như việc cấm đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân và trách nhiệm của các nước thử và sử dụng vũ khí hạt nhân đối với các nước bị ảnh hưởng. 

Đại sứ Phương Nga cho biết đoàn Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ cùng các nước có cùng quan điểm thúc đẩy để Hiệp ước có nội dung toàn diện và mạnh mẽ, phản ánh ở mức cao nhất có thể những quan tâm hàng đầu của đa số các nước không có vũ khí hạt nhân. 

Nổi bật nhất trong hiệp ước là việc cấm đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, điều mà cho đến trước thời điểm này luật pháp quốc tế chưa làm được, cũng như việc quy định rõ ràng trách nhiệm của các nước thử và sử dụng vũ khí hạt nhân phải hỗ trợ thích đáng cho các nước bị ảnh hưởng trong việc giúp đỡ nạn nhân và khắc phục hậu quả về môi trường. 

Hồng Dương (Theo VOV, TTXVN)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.