Multimedia Đọc Báo in

Khủng hoảng vùng Vịnh: Vết rạn khó lành

22:59, 17/08/2017

Hãng tin chính thức KUNA của Kuwait đưa tin, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani ngày 16-8 đã có chuyến thăm chính thức không báo trước tới Kuwait nhằm tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh giữa Doha và các nước láng giềng Arab.

Ông Sheikh Mohammed Al-Thani đã trao cho Phó Thủ tướng thứ nhất kiêm Ngoại trưởng Kuwait Sheikh Sabah Al-Khalad Al-Hamad Al-Sabah một lá thư của Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani gửi tới Quốc vương Kuwait Sheikh Sabah Al-Ahmed Al-Jabar đề cập tới quan hệ song phương và những diễn biến mới nhất trong tình hình khu vực và quốc tế.

Đây là chuyến thăm thứ hai tới Kuwait của Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed trong vòng chưa đầy một tuần qua.

Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trước đó, ngày 13-8, ông Sheikh Mohammed đã có cuộc gặp với Hoàng Thái tử Kuwait Sheikh Nawab Al-Ahmed Al-Jabar để bàn hướng giải quyết khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh.

Trước chuyến thăm này, Quốc vương Kuwait Sheikh Sabah đã gửi thông điệp đến Saudi Arabia, Ai Cập, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Oman để bảo đảm với các nước này rằng Qatar sẽ không gây ra thêm bất kỳ tổn hại mới nào.

Qatar cho rằng cần phải mất rất nhiều thời gian nữa mới có thể xây dựng lại lòng tin giữa các quốc gia vùng Vịnh. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ngoại giao tại khu vực này đã bước sang tháng thứ 3, tuy nhiên vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu “hạ nhiệt” nào. Nhiều chuyên gia khu vực nhận định, mối quan hệ giữa các nước vùng Vịnh sẽ khó có thể trở lại như trước đây và cuộc khủng hoảng sẽ là một “vết rạn khó lành”.

Phát biểu trước báo giới tại thủ đô Doha ngày 15-8, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani cho biết, căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh đã làm thay đổi các mối quan hệ trong khu vực và sẽ mất rất nhiều thời gian mới có thể xây dựng lại lòng tin giữa các quốc gia thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC).

GCC được thành lập vào năm 1981, với mục tiêu ban đầu đề ra là bảo vệ nền độc lập của các quốc gia thành viên, nhằm đương đầu với các hệ lụy của cuộc chiến tranh giữa Iran và Iraq hồi tháng 9-1980 để lại.

Kể từ khi được thành lập, mâu thuẫn giữa các nước vùng Vịnh cũng đã nhiều lần xảy ra, trong đó xuất hiện những tranh chấp biên giới giữa Saudi Arabia với Qatar, Saudi Arabia với Oman, Qatar với Bahrain. Những mâu thuẫn này từng đạt đỉnh điểm, khi các nước đã phải kiện nhau ra tòa công lý quốc tế. Nhiều mâu thuẫn nhỏ lẻ khác cũng đã xuất hiện, tuy nhiên các vấn đề này đều được giải quyết ngay trong nội bộ GCC.

Dù đã từng xảy ra mâu thuẫn, nhưng mối quan hệ giữa các nước thành viên GCC trước khi nổ ra cuộc khủng hoảng vùng Vịnh hồi tháng 6 vừa qua, vẫn được đánh giá là “khăng khít” nhất tại khu vực Trung Đông.

Với mối quan hệ này, người Qatar từng nghĩ rằng, họ không cần phải xây dựng ngành công nghiệp quốc gia để cung cấp các nhu yếu phẩm cơ bản cho người dân, bởi họ có thể nhập khẩu chúng từ các quốc gia “anh em” láng giềng. Một thị trường thống nhất sử dụng một đồng tiền chung cũng đã được các nước vùng Vịnh tính đến trước đó.

Tuy nhiên, với các cáo buộc Qatar hỗ trợ khủng bố và can thiệp vào công việc nội bộ của các nước trong khu vực, 3 nước vùng Vịnh và Ai Cập đã tiến hành cắt đắt quan hệ ngoại giao, cô lập và trừng phạt kinh tế đối với nước này. Không lâu sau đó, 4 quốc gia Arab đã đưa ra 13 yêu sách làm điều kiện để nối lại quan hệ.

Tuy nhiên, giới chức Qatar cho rằng, bản danh sách được “đưa ra là để bác bỏ” này đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền quốc gia. Theo giới phân tích khu vực, với việc tuyên bố sẽ không nhân nhượng để thay đổi 13 yêu sách này, 4 nước Arab đã đánh mất niềm tin của Qatar trong việc sớm giải quyết được cuộc khủng hoảng.

Bị đồng minh nghi ngờ và cấm vận, chính phủ Qatar buộc phải tăng cường các mối quan hệ với các quốc gia bên ngoài vùng Vịnh, thay đổi các chính sách “mở cửa” hơn với thế giới,  nhằm phá thế bị “cô lập” - trong đó có cả Iran, quốc gia từng được xem là “kẻ thù” của GCC.

Quang cảnh thủ đô Doha. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Quang cảnh thủ đô Doha. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mới đây nhất, hồi đầu tháng 8 vừa qua, Qatar đã đưa ra chính sách miễn thị thực nhập cảnh cho công dân của 80 quốc gia để thúc đẩy ngành hàng không và du lịch phát triển. Cũng với chính sách miễn thị thực này, Qatar đang trở thành quốc gia “cởi mở” nhất khu vực. “Qatar đã thay đổi một số luật thị thực để cho phép mọi người đến và thăm đất nước”, Adel Abdel Ghafar, một nhà nghiên cứu khu vực cho biết. “Nước này cũng đã thay đổi một số luật cư trú, cho phép những đứa trẻ được sinh ra tại Qatar có quyền cư trú vĩnh viễn. Tất cả các động thái trên nhằm tạo ra niềm tin trong việc phát triển kinh tế và xã hội Qatar, bởi vì người nước ngoài đã và đang đóng một vai trò rất lớn tại quốc gia vùng Vịnh này”.

Giới chuyên gia cho rằng, Qatar đang ứng phó tốt khi chuyển từ thế “bị động” sang thế “chủ động” hơn trong cuộc khủng hoảng với các quốc gia láng giềng.

Các biện pháp cấm vận và cô lập đối với Qatar dường như đã thất bại khi nền kinh tế nước này vẫn chưa bị ảnh hưởng quá nhiều. Thậm chí, các chính sách ngoại giao và kinh tế hiện tại của Qatar về lâu dài sẽ giúp cho nước này “độc lập” hơn tại vùng Vịnh.

Kể cả trước một sức ép quân sự nếu có từ 4 nước Arab, Qatar cũng đã có các biện pháp ứng phó,với việc tăng ngân sách cho quốc phòng với những hợp đồng vũ khí khủng cũng như đẩy mạnh các cuộc tập trận chung với các cường quốc quân sự trên thế giới  như Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trong những tháng qua.

Dù cuộc khủng hoảng vùng Vịnh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí nếu có hạ nhiệt hay được giải quyết đi nữa thì nó cũng đang tạo ra một “vết rạn sâu, khó lành” trong mối quan hệ giữa Qatar và các quốc gia vùng Vịnh. Bởi một thực tế rằng, Qatar đã có những đối tác mới ngoài vùng Vịnh.

Hồng Dương (Theo VOV, TTXVN)

 

 

 


Ý kiến bạn đọc