Multimedia Đọc Báo in

Triều Tiên vượt "giới hạn đỏ" khiến Mỹ và đồng minh bị đẩy vào thế khó

06:14, 09/09/2017
Việc Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân sau một loạt vụ phóng thử tên lửa đạn đạo đang khiến bầu không khí căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên càng trở nên ngột ngạt. 
 
Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ngày 3-9 tuyên bố nước này đã thử thành công bom nhiệt hạch (bom H) tối tân, có thể gắn vào tên lửa đạn đạo liên lục địa. Hàn Quốc cho biết nếu xác định đây là vụ thử hạt nhân thì sức công phá của nó lên tới 100 kiloton (1 kiloton tương đương 1.000 tấn thuốc nổ TNT), mạnh gấp 4-5 lần so với quả bom hạt nhân từng thả xuống thành phố Nagasaki của Nhật Bản năm 1945. Đây được coi là một bước tiến đáng kể của Triều Tiên trong chương trình hạt nhân - tên lửa bất chấp các lệnh cấm vận quốc tế.
 
Động thái của Triều Tiên đã một lần nữa khiến cả thế giới “sôi sục" khi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc lập tức triệu tập cuộc họp khẩn; các lãnh đạo hàng đầu thế giới, từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Đức… liên tiếp có các cuộc điện đàm thâu đêm; các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn nhằm vào Triều Tiên được nhiều nước kêu gọi, cùng với cả những cảnh báo đe dọa trừng phạt các nước có trao đổi thương mại với Triều Tiên; trên thực địa, Hàn Quốc cũng lên tiếng răn đe bằng cuộc diễn tập bắn đạn thật quy mô lớn tập hợp hàng loạt vũ khí, khí tài tối tân. Giới chức quân sự Hàn Quốc cũng hối thúc đẩy nhanh kế hoạch triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), vốn đang còn tranh cãi để nâng cao năng lực đánh chặn tên lửa của Triều Tiên...  
 Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (thứ 3, từ phải sang) kiểm tra quả bom H tại một địa điểm bí mật ngày 3-9. (Ảnh: EPA/TTXVN)
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (thứ 3, từ phải sang) kiểm tra quả bom H tại một địa điểm bí mật ngày 3-9. (Ảnh: EPA/TTXVN)
Ngày 5-9, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres đã có cuộc gặp với báo giới tại trụ sở Liên hiệp quốc, cho rằng vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh khu vực và quốc tế. Ông lên án những hành động gần đây của Triều Tiên khi phá vỡ các nguyên tắc quốc tế về cấm thử vũ khí hạt nhân, phớt lờ tiếng nói của cộng đồng quốc tế, đẩy hàng triệu người dân trong nước vào tình cảnh nguy khốn, nhiều người đang phải đối mặt với hạn hán, nạn đói. Ông Guterres kêu gọi chính quyền Triều Tiên tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, đặc biệt là Nghị quyết số 2371 mới nhất, được thông qua hôm 6-8. Ông Guterres tuyên bố Liên hiệp quốc ủng hộ mọi nỗ lực hướng đến giải pháp hòa bình cho vấn đề ngày một nghiêm trọng trên bán đảo Triều Tiên, với mục tiêu cuối cùng là phi hạt nhân hóa. 
 
Truyền thông quốc tế cũng ngay lập tức đưa ra những nhận định về các khả năng có thể diễn ra trên bán đảo Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân mới nhất này.
 
Có ý kiến cho rằng vụ thử mới nhất đã thách thức sự kiên nhẫn của Tổng thống Mỹ Donald Trump và nước này có thể thực hiện các vụ tấn công phủ đầu nhằm răn đe Triều Tiên. Tuy nhiên,  nhiều báo lớn đều nhận định, vụ thử này là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Mỹ cần bắt đầu đối thoại với Triều Tiên.
 
Tờ Người bảo vệ (Guardian) của Anh nhận định, vụ thử không làm thay đổi nền tảng cơ bản trên bán đảo Triều Tiên, mặc dù tình hình có thể leo thang căng thẳng trong một thời gian. Mỹ có thể tiếp tục phô trương lực lượng, với các biện pháp trừng phạt gia tăng từ Liên hiệp quốc hay đơn phương. Tuy nhiên, những gì còn thiếu trong 8 năm qua bên cạnh hàng loạt các biện pháp trừng phạt vẫn là một giải pháp ngoại giao. Điều quan trọng là chính quyền của Tổng thống Trump liệu có muốn khởi động các cuộc đối thoại, dù muộn màng với Bình Nhưỡng, vào thời điểm này hay không.
 
Tờ New York Times cũng cho rằng, lựa chọn của Mỹ phản ứng lại vụ thử hạt nhân của Triều Tiên là giới hạn. Tấn công vào các cơ sở hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên có thể cho thấy những hậu quả trước mắt đó là Triều Tiên sẽ trả đũa nhằm vào thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Việc phát động một cuộc chiến ở bán đảo Triều Tiên hoàn toàn là một “hạ sách” với hệ lụy nghiêm trọng và cũng là điều không phải Mỹ “cứ muốn là làm được" . 
 
Trong khi đó, các cường quốc vẫn tiếp tục chia rẽ về lựa chọn kịch bản ứng phó với Triều Tiên. Trung Quốc và Nga luôn phản đối việc Mỹ sử dụng sức mạnh quân sự chống lại Triều Tiên. Cả Moskva và Bắc Kinh đều đề xuất phương án "cùng ngừng" để giải quyết cuộc khủng hoảng, trong đó Mỹ và Hàn Quốc phải chấm dứt các cuộc tập trận chung để đổi lấy việc Triều Tiên ngừng thử tên lửa, hạt nhân, tuy nhiên Washington kiên quyết bác bỏ. 
 
Những biến động khó lường của tình hình bán đảo Triều Tiên bắt nguồn từ tính chất cực kỳ phức tạp tại khu vực cùng những bất đồng và tranh giành ảnh hưởng của các bên liên quan. Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý là dù tình hình bán đảo Triều Tiên liên tục trong trạng thái nguy hiểm cao dễ bùng phát chiến tranh, nhưng sau khi Hiệp định đình chiến được ký kết vào năm 1953, "lò lửa" này dù nhiều lần ở vào tình thế “bên miệng hố chiến tranh” nhưng chưa thực sự rơi vào trạng thái mất kiểm soát mới, bởi duy trì trạng thái không giao chiến đã trở thành nhận thức chung được thỏa thuận ngầm giữa các bên. Đây là nguyên nhân khiến các bên có liên quan, kể cả Mỹ, cần duy trì sự kiềm chế nhất định. 
 
Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)

Ý kiến bạn đọc