Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền: Quyết định "vì bạn, vì mình"?
Phát biểu tại thủ đô Washington bên cạnh Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Nikki Haley thông báo quyết định rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc. Nhà ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, quyết định được đưa ra trước thực tế là không một quốc gia nào “có can đảm để ủng hộ các cuộc đấu tranh” do Mỹ khởi xướng nhằm cải cách tổ chức này.
“Từ lâu, Hội đồng Nhân quyền là tổ chức có xu hướng chính trị sai lệch. Thật đáng tiếc, lời kêu gọi cải cách của chúng tôi đã không được thực hiện. Như lời chúng tôi từng nói năm ngoái, rằng nếu không có sự “tiến bộ” nào, nước Mỹ sẽ rút ra khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc”, bà Haley nói.
Theo giới phân tích, tính cả lần Mỹ quyết định rút ra khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) trước đó, thì quyết định ngày 19-6 của nước Mỹ vẫn có chung một mục đích - đó là “vì bạn, vì mình”.
Theo hãng tin Reuters, một trong những “cải cách” mà Mỹ mong muốn Hội đồng Nhân quyền thực hiện là khả năng xóa bỏ tư cách của một thành viên ra khỏi tổ chức này trở nên “dễ dàng” hơn thay vì việc cần ít nhất 2/3 thành viên hội đồng đồng ý.
Một phiên họp toàn thể của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đại sứ Mỹ khẳng định, việc rút ra khỏi Hội đồng Nhân quyền không đồng nghĩa với việc xóa bỏ “các cam kết nhân quyền” của Washington mà trái lại Mỹ sẽ là nước đi đầu trong việc bảo vệ nhân quyền. Theo Đại sứ Mỹ, hiện chỉ có một số nước thành viên Hội đồng chia sẻ các giá trị “nhân quyền” với nước Mỹ và họ đang cảm thấy “xấu hổ” vì những hành động của tổ chức này được đánh giá là “ngược đãi” với Israel - một đồng minh quan trọng của Washington tại Trung Đông.
Mỹ từng từ chối tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc khi cơ quan này được thành lập vào năm 2006 để thay thế cho Ủy ban Nhân quyền ngừng hoạt động trước đó cùng năm. Tới năm 2009, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama đã gia nhập Hội đồng này. Tuy nhiên, nước Mỹ từ ngày 19-6 đã trở thành quốc gia thành viên đầu tiên quyết định rút khỏi Hội đồng kể từ khi tổ chức này được thành lập.
Hồi tháng 5 vừa qua, 18 tổ chức nhân quyền, trong đó có tổ chức "Human Rights Watch" và tổ chức Ân xá Quốc tế, đã viết thư gửi các nước thành viên Liên hiệp quốc, trong đó bày tỏ quan ngại rằng dự thảo nghị quyết mà Mỹ đề xuất lên Đại hội đồng có thể làm suy yếu quyền của Hội đồng Nhân quyền.
Trước đó, tháng 10 năm ngoái, Mỹ cũng đã rút ra khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) khi cho rằng tổ chức này đã bị chính trị hóa và trở thành một diễn đàn có thành kiến và xu hướng chống lại Israel.
Việc Mỹ rút khỏi cả hai tổ chức của Liên hiệp quốc một lần nữa cho thấy sự ủng hộ tuyệt đối của nước Mỹ đối với người bạn Trung Đông “đặc biệt” của mình. “Vì bạn”, song quyết định mới của Mỹ cũng được giới phân tích cho là vì mục đích có lợi cho “bản thân” nước Mỹ, khi nó được đưa ra đúng thời điểm chính quyền Tổng thống Donald Trump là mục tiêu của những chỉ trích gay gắt từ các tổ chức nhân quyền vì chia cắt gần 2.000 trẻ em khỏi cha mẹ tại khu vực biên giới với Mexico trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn vấn đề nhập cư bất hợp pháp.
Ngay sau thông báo của Mỹ, người phát ngôn Liên hiệp quốc Stephane Dujarric cho biết, Liên hiệp quốc hy vọng Mỹ tiếp tục ở lại trong Hội đồng Nhân quyền, nhằm thể hiện vai trò “quan trọng” trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới.
Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc Vojislav Šuc cho biết vấn đề thay thế vị trí mà Mỹ để lại tại Hội đồng Nhân quyền sẽ được xem xét tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc.
Phát biểu sau khi nhận được thông báo về việc Mỹ quyết định rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, ông Vojislav Šuc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì một Hội đồng Nhân quyền mạnh mẽ và năng động, giữ vai trò trung tâm của Liên hiệp quốc trong thế kỷ 21, trong bối cảnh hiện nay khi các giá trị, sức mạnh của chủ nghĩa đa phương và quyền con người luôn là những vấn đề được đề cập hằng ngày. Tuy nhiên, ông khẳng định quyết định của Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền là quyền của các quốc gia thành viên, đồng thời cho rằng Mỹ đã rất tích cực tại Hội đồng Nhân quyền sau khi cam kết tham gia một cách xây dựng nhằm cải thiện nhân quyền, cuộc sống của con người nói chung, trong đó có cả những vấn đề đang được đề cập trong kỳ họp thường niên hiện diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ).
Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền nhấn mạnh Hội đồng Nhân quyền cần luôn có được những cam kết xây dựng của các quốc gia thành viên.
Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc