Multimedia Đọc Báo in

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Không có kẻ thắng, chỉ có người thua!

18:29, 13/07/2018
Căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục leo thang sau khi Mỹ sáng 11-7 (theo giờ Hà Nội) công bố danh sách hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá đến 200 tỷ USD mà Mỹ dự định đánh thuế bổ sung.

Trung Quốc ngay lập tức ra tuyên bố chỉ trích động thái của Mỹ là "hoàn toàn không thể chấp nhận", đồng thời khẳng định Bắc Kinh sẽ có biện pháp đáp trả. Tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc nêu rõ Bắc Kinh "chính thức phản đối" danh sách hàng hóa nhập khẩu sẽ bị áp thuế mà Washington vừa công bố, coi đây là hành động "hoàn toàn không thể chấp nhận". Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng cách hành xử vô lý của Mỹ "không bình thường" và Bắc Kinh sẽ tiến hành các bước để kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Động thái mới này của Mỹ được cho là sẽ làm cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang. Trước đó, ngày 6-7, Mỹ đã chính thức áp thuế nhập khẩu 25% đối với 34 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc. Chưa dừng ở đó, đợt áp thuế tiếp theo với 16 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc có thể có hiệu lực sau vài tuần.

Sau “phát súng” khai màn từ phía Mỹ, bất chấp lời đe dọa trước đó của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng sẽ áp thuế lên số hàng hóa có tổng giá trị lên tới 500 tỷ USD nếu Bắc Kinh trả đũa, Trung Quốc ngay lập tức tuyên bố áp thuế đối với hàng Mỹ nhập khẩu Trung Quốc với trị giá tương đương số hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ áp thuế. Bắc Kinh gọi những gì Washington làm là “khởi động cuộc chiến tranh thương mại có quy mô lớn nhất trong lịch sử”. Các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc bị Mỹ áp thuế lần này bao gồm thiết bị y tế, phụ tùng ô tô và máy móc công nghiệp. Trung Quốc phản công với thuế áp lên thịt, hải sản và ô tô thể thao cùng các mặt hàng khác nhập từ Mỹ.

Hàng hóa được bày bán tại siêu thị của hãng bán lẻ Mỹ Walmart ở Bắc Kinh, Trung Quốc.
Hàng hóa được bày bán tại siêu thị của hãng bán lẻ Mỹ Walmart ở Bắc Kinh, Trung Quốc.

Theo chuyên gia kinh tế trưởng của DBS, Taimur Baig, một cuộc chiến thương mại toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm giảm 0,25% tổng GDP của cả hai nền kinh tế trong năm nay. Tình hình sẽ còn tồi tệ hơn trong năm tới, khi cả hai nước đều phải chứng kiến mức suy giảm kinh tế khoảng 0,5% hoặc cao hơn.

Tờ New York Times nhận định, các mức thuế áp lên Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến nhiều công ty của Mỹ vốn dựa vào các nhà cung cấp Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu và “nhiều khả năng sẽ gây tổn thương cho các công ty Mỹ nhiều hơn là các công ty Trung Quốc mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đang nhắm đến”.

Trong khi đó, một cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ sẽ khiến các doanh nghiệp Trung Quốc gặp nhiều khó khăn bởi Mỹ là bạn hàng lớn nhất của Trung Quốc, chiếm 18,4% kim ngạch xuất khẩu của nước này. Theo Reuters, tác động trực tiếp của cuộc chiến thương mại này lên Trung Quốc sẽ là tăng trưởng GDP giảm 0,1% - 0,3%; còn tăng trưởng xuất khẩu giảm 1%.

Không chỉ có ảnh hưởng đến hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, hàng loạt quốc gia châu Á khác cũng sẽ chịu tác động từ các động thái “ăn miếng trả miếng” của Mỹ và Trung Quốc. Reuters dẫn báo cáo phân tích của DBS cho thấy Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan và Singapore sẽ là các nền kinh tế gặp rủi ro cao nhất tại châu Á do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vì các nước này có độ mở thương mại cao và tham gia nhiều vào chuỗi cung ứng.

Không phải mọi cánh cửa đã đóng chặt với Mỹ và Trung Quốc, bởi hơn ai hết, cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này đều hiểu những tổn thất nặng nề họ sẽ phải gánh chịu nếu tình hình căng thẳng tiếp tục leo thang.

 

Viện Kinh tế Quốc tế Peterson chỉ ra rằng, gần 2/3 số hàng Mỹ nhập từ Trung Quốc đến từ các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Vì vậy, thuế nhập khẩu của Mỹ, dù nhằm vào Trung Quốc, vẫn sẽ có tác động đến các nước khác.

Xét trên các lĩnh vực mà hai bên sẽ “giao chiến", các hạng mục thuế mới mà Mỹ dành cho Trung Quốc chủ yếu tập trung vào thiết bị cơ khí, dụng cụ quang học và thiết bị điện, danh sách áp thuế được chia thành 34 tỷ USD cho các hạng mục trừng phạt giai đoạn đầu và 16 tỷ USD cho các hạng mục trừng phạt giai đoạn sau, với ý đồ rõ ràng là "đánh" vào ngành công nghiệp chế tạo của Trung Quốc. Trong khi đó, biện pháp trả đũa của Trung Quốc cũng chia làm hai giai đoạn với mức áp thuế tương tự, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực thủy sản, trái cây, thịt gia súc, gia cầm và than đá, dầu nhiên liệu, ô tô... với ý đồ tấn công các lĩnh vực như nông nghiệp, năng lượng và ô tô, vốn là “kho phiếu bầu” của Donald Trump.

Nông sản Mỹ cũng chịu thiệt hại lớn từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Nông sản Mỹ cũng chịu thiệt hại lớn từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Đây đều là những lĩnh vực “xương sống” của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đối với Trung Quốc, một khi nổ ra chiến tranh thương mại, tăng trưởng kinh tế của nước này trong ngắn hạn sẽ chịu tác động không hề nhỏ, đem lại nhiều rắc rối cho việc ổn định kinh tế - xã hội. Trong khi đó, mặc dù những tổn thất kinh tế mà cuộc chiến thương mại gây ra cho nước Mỹ có thể không lớn như Trung Quốc, nhưng việc chính quyền Trump có thể trụ vững trước những kháng nghị và các cuộc biểu tình của các ngành nghề chịu tổn thất hay sự công kích của các đảng đối lập hay không, đặc biệt là có thể giữ được phiếu bầu hay không, cũng chưa thể biết được.

Theo nhận định của ông Kim Xán Vinh, Phó Giám đốc Học viện Quan hệ Quốc tế thuộc Trường Đại học Nhân dân Trung Quốc, dù Trung Quốc và Mỹ khó tránh được vòng trả đũa lẫn nhau, song sau những thiệt hại mà hai bên phải gánh chịu, việc bình tĩnh trở lại, sau đó ngồi vào bàn đàm phán chính là “tia sáng cuối đường hầm” đối với hai bên trong cuộc chiến thương mại này.

Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)


Ý kiến bạn đọc